Cựu CEO Google: Nên dốc toàn lực xây trung tâm dữ liệu AI vì không bao giờ đạt được các mục tiêu về khí hậu

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:44, 07/10/2024

Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, nói đã đến lúc chúng ta phải đầu tư toàn diện vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) vì các mục tiêu về khí hậu quá khó để đạt được.
Nhịp đập khoa học

Cựu CEO Google: Nên dốc toàn lực xây trung tâm dữ liệu AI vì không bao giờ đạt được các mục tiêu về khí hậu

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, nói đã đến lúc chúng ta phải đầu tư toàn diện vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) vì các mục tiêu về khí hậu quá khó để đạt được.

Sự bùng nổ của AI đã thúc đẩy làn sóng chi tiêu vào trung tâm dữ liệu, nơi cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết để đào tạo và chạy các mô hình AI. Thế nhưng, sự phát triển này đi kèm với cái giá phải trả, vì các trung tâm dữ liệu tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên. Theo McKinsey & Company, các trung tâm dữ liệu dự kiến ​​sẽ tiêu thụ 35 gigawatt điện mỗi năm vào năm 2030, tăng từ 17 gigawatt trong 2023.

McKinsey & Company là công ty tư vấn quản lý toàn cầu có trụ sở chính tại thành phố New York (Mỹ).

Chính quyền Biden đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là ngành điện sẽ trung hòa carbon vào năm 2035 và nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong năm 2050. Thế nhưng, nhu cầu năng lượng lớn của AI đã thúc đẩy một số nhà lãnh đạo trong lĩnh vực AI chuyển sang nhiên liệu hóa thạch, điều này có thể đe dọa các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đó.

Trung hòa carbon là trạng thái mà một tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia hoặc cá nhân không phát thải ròng khí CO₂ (carbon dioxide) vào khí quyển. Điều này có nghĩa là lượng khí thải CO₂ mà họ phát ra được cân bằng bằng cách loại bỏ hoặc bù đắp một lượng tương đương thông qua các biện pháp như trồng cây, sử dụng năng lượng tái tạo, hoặc tham gia vào các dự án giảm phát thải carbon.

Có hai cách chính để đạt được trung hòa carbon:

1. Giảm phát thải: Cắt giảm hoặc loại bỏ việc phát thải khí CO₂, thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió), nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

2. Bù đắp carbon: Nếu không thể giảm phát thải hoàn toàn, phần CO₂ còn lại sẽ được bù đắp bằng các hoạt động hấp thụ hoặc loại bỏ carbon, như trồng rừng, bảo tồn rừng hoặc đầu tư vào các dự án bù đắp carbon, như dự án tái chế năng lượng hoặc sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon.

Mục tiêu việc trung hòa carbon là giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, do khí CO₂ là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính và làm nóng lên toàn cầu.

Eric Schmidt đưa ra bình luận này tại hội nghị thượng đỉnh về AI ở Washington D.C (thủ đô Mỹ), nơi ông phát biểu trước đám đông và đưa ra suy nghĩ của mình về tương lai của AI.

Eric Schmidt làm Giám đốc điều hành Google từ năm 2001 đến 2011, từng là Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về AI.

Ông nói tại sự kiện rằng có nhiều cách để hạn chế những tác động tiêu cực mà AI gây ra cho môi trường, chẳng hạn sử dụng pin và đường dây điện tốt hơn để xây dựng các trung tâm dữ liệu, nhưng cho rằng sự phát triển của AI cuối cùng sẽ vượt xa các biện pháp phòng ngừa này.

"Tất cả những điều đó sẽ bị ấn át bởi nhu cầu to lớn của công nghệ mới này. AI là công nghệ có tính phổ quát và mạnh mẽ, giống sự xuất hiện của một dạng trí tuệ mới, gần như ngoài hành tinh. Chúng ta có thể sẽ có những sai lầm trong việc sử dụng AI, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng việc chỉ dựa vào các biện pháp bảo tồn tài nguyên sẽ không đủ để giải quyết vấn đề hoặc đạt được các mục tiêu khí hậu", Eric Schmidt nói với đám đông.

Những người dẫn chương trình đã đặt câu hỏi với Eric Schmidt liệu có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của AI mà không bỏ qua các mục tiêu bảo tồn hay không. Cựu CEO Google nói "dù sao thì chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu về khí hậu vì thiếu sự hợp tác để thực hiện điều đó".

"Đúng vậy, nhu cầu trong lĩnh vực này sẽ là một vấn đề, nhưng tôi muốn đặt cược vào AI giải quyết vấn đề hơn là cố gắng hạn chế sự phát triển của công nghệ này và vẫn phải đối mặt những vấn đề đó", Eric Schmidt nói.

Năm 2022, Eric Schmidt thành lập White Stork, công ty quốc phòng phát triển máy bay không người lái sử dụng bằng AI.

Trong một bài giảng tại Đại học Stanford vào tháng 4, cựu CEO Google cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã biến ông thành một "kẻ buôn vũ khí". Eric Schmidt cũng nói rằng White Stork sẽ "sử dụng AI theo những cách phức tạp, mạnh mẽ cho những cuộc chiến về cơ bản là robot này".

cuu-ceo-google-nen-doc-toan-luc-xay-trung-tam-du-lieu-ai-vi-khong-bao-gio-dat-duoc-muc-tieu-ve-khi-hau.jpg
Eric Schmidt nói đã đến lúc chúng ta phải đầu tư toàn diện vào cơ sở hạ tầng AI vì các mục tiêu về khí hậu quá khó để đạt được - Ảnh: Getty Images

Eric Schmidt từng dự đoán rằng hệ thống AI cực kỳ mạnh mẽ sẽ được các chính phủ bảo vệ nghiêm ngặt trong tương lai.

"Cuối cùng, ở cả Mỹ và Trung Quốc, tôi cho rằng sẽ có một số lượng nhỏ máy tính cực kỳ mạnh mẽ với khả năng phát minh tự động sẽ vượt quá những gì chúng ta muốn cung cấp cho công dân mình mà không được phép, hoặc không thể để cho đối thủ cạnh tranh tiếp cận. Chúng sẽ được đặt trong căn cứ quân sự, được cung cấp sức mạnh từ một số nguồn năng lượng hạt nhân và bao quanh bởi hàng rào thép gai cùng súng máy", Eric Schmidt chia sẻ với tạp chí Noema trong một cuộc phỏng vấn.

Eric Schmidt từng giữ chức Chủ tịch và cố vấn kỹ thuật của Google trước khi rời công ty vào đầu năm 2020. Kể từ đó, tỉ phú 69 tuổi người Mỹ đặc biệt quan tâm đến AI và nghiên cứu tác động của nó với xã hội.

Ngoài việc đầu tư vào các công ty mới nổi về AI như Anthropic do Amazon hậu thuẫn, Eric Schmidt còn là đồng tác giả cuốn sách The Age of AI (Thời đại của AI) với nhà ngoại giao quá cố Henry Kissinger và Daniel Huttenlocher (trưởng nhóm khoa khoa học máy tính của Viện Công nghệ Massachusetts). Cuốn sách này trình bày chi tiết một số rủi ro và cơ hội mà AI sẽ mang lại.

Dự đoán "các hệ thống AI mạnh nhất Mỹ, Trung Quốc có thể được bảo vệ trong căn cứ quân sự" của Eric Schmidt dường như xa vời ở thời điểm hiện tại nhưng có thể thành hiện thực khi xét đến mức độ cạnh tranh của các quốc gia để giành vị trí dẫn đầu trong cuộc đua AI.

Chẳng hạn, Mỹ đã kiểm soát chặt chẽ hơn việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, cụ thể là cấm Nvidia bán các chip AI tiên tiến cho cường quốc châu Á.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào chip do Mỹ sản xuất. Các quan chức Trung Quốc đã đề nghị những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba và ByteDance (công ty mẹ TikTok) ưu tiên mua chip AI được sản xuất trong nước, theo trang The Information.

Jay Pelosky, người sáng lập hãng tư vấn đầu tư TPW Advisory, nhận xét: "Thế giới đang nhanh chóng tiến tới cái mà chúng ta gọi là 'sự chia cắt công nghệ'. Trong đó về bản chất, mỗi quốc gia, Mỹ và Trung Quốc đang xây tường hoặc rào chắn một cách hiệu quả để ngăn cách công nghệ của mình với nhau".

Eric Schmidt hiện là người giàu thứ 56 trên thế giới với tài sản ròng 32,8 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng tỉ phú của Bloomberg).

Sau khi rời Google, Eric Schmidt đã trở thành Chủ tịch Ủy ban Đổi mới của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2016 và Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về AI trong ba năm.

Eric Schmidt đã đặt sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành tâm điểm thông qua sáng kiến ​​mang tên Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt.

Theo Eric Schmidt, hiện Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng.

"Chúng ta có thể đang dẫn trước Trung Quốc 2 hoặc 3 năm, điều đó gần như là cả một thế giới trong lĩnh vực của tôi. Tôi nghĩ chúng ta đang trong tình trạng khá tốt", Eric Schmidt nhận định.

Ở châu Âu, Eric Schmidt cho biết ông coi các quy định, gồm cả khung pháp lý mới của Liên minh châu Âu (EU) về quản lý AI, là trở ngại cho sự đổi mới. Cựu Giám đốc điều hành Google nói thêm rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn vì thiếu chất bán dẫn, nhưng sẵn sàng giành chiến thắng nếu có được phần cứng cần thiết.

Theo chuyên gia Israel, Trung Quốc vẫn chậm hơn Mỹ khoảng một năm về mô hình ngôn ngữ lớn và phải cố gắng hơn nữa để bắt kịp sau khi OpenAI ra mắt o1.

Khi nói đến mô hình ngôn ngữ lớn có khả năng tạo văn bản, Trung Quốc chậm hơn Mỹ khoảng nửa năm đến một năm, theo Roey Tzezana, nghiên cứu viên tại Hội thảo Yuval Ne’eman về Khoa học, Công nghệ & An ninh thuộc Đại học Tel Aviv (Israel).

Dù khoảng cách có vẻ không lớn nhưng không dễ thu hẹp với tốc độ phát triển của AI, các nhà nghiên cứu nhận định.

Ông cho biết: "Mỗi năm trong khoảng hai năm rưỡi trở lại đây, đều có sự thay đổi lớn về khả năng của AI. Vì vậy, một năm nghe có vẻ không nhiều và cũng không đến nỗi tệ, nhưng đó là khoảng cách đáng kể".

Một doanh nhân AI người Trung Quốc gần đây đã đưa ra đánh giá tương tự. Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ về mô hình ngôn ngữ lớn trực tuyến vẫn còn khoảng 1 đến 2 năm, Li Dahai, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp AI ModelBest, nhận xét trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tencent News.

Dù số năm chính xác chỉ dựa trên nhận định của chuyên gia nhưng "khoảng cách vẫn tồn tại rõ ràng", theo Li Dahai, người trước đây là Giám đốc công nghệ Zhihu - nền tảng hỏi đáp giống kiểu Quora ở Trung Quốc

Li Dahai nói thêm rằng không có mô hình ngôn ngữ lớn trực tuyến nào tại Trung Quốc đạt hoặc vượt qua GPT-4 của OpenAI.

Ông cho biết Trung Quốc sẽ "phải cố gắng hơn nữa" để bắt kịp OpenAI sau khi mô hình ngôn ngữ lớn o1 trình làng.

Có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ), OpenAI đã giới thiệu o1 vào ngày 12.9. Theo OpenAI, o1 vượt trội hơn mô hình ngôn ngữ lớn khác trong các nhiệm vụ nặng về mặt lý luận ở lĩnh vực khoa học, lập trình và toán học. OpenAI tiết lộ o1 biết "cách suy nghĩ hiệu quả bằng cách sử dụng chuỗi suy nghĩ của mình" nhờ một kỹ thuật được gọi là học tăng cường.

Sơn Vân