Đáng lo ngại trước những vụ lừa đảo có sự can thiệp của AI
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:05, 07/10/2024
Đáng lo ngại trước những vụ lừa đảo có sự can thiệp của AI
Sự gia tăng đáng kể của các vụ lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là những vụ việc có sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở nên đáng lo ngại.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC (Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT), Gogolook - nhà cung cấp các dịch vụ chống gian lận sử dụng công nghệ AI đã thống kê được những vụ lừa đảo xảy ra tại Malaysia trong vòng một năm qua đã để lại thiệt hại lên tới 12,8 tỉ USD.
Gogolook đã thực hiện khảo sát đối với hơn 1.200 người dân Malaysia. Theo báo cáo, 74% số người được hỏi đã trả lời rằng họ từng gặp phải các vụ lừa đảo ít nhất 1 lần trong 1 tháng, trong đó có hơn 30% số người đã từng bị mất tiền sau các vụ lừa đảo đó.
Số lượng nạn nhân có thể khôi phục hoàn toàn số tiền bị mất chỉ chiếm vỏn vẹn 2%, giảm mạnh so với 8% của năm trước. Gogolook cũng cho biết thêm rằng số lượng nạn nhân có thể cao hơn nữa, do 70% nạn nhân không báo cáo vụ việc với chính quyền.
Sự gia tăng đáng kể của các vụ việc lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là những vụ việc có sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo đang trở nên đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó, vẫn có khoảng 25% số lượng người Malaysia hoài nghi về tính liên quan của trí tuệ nhân tạo đối với các vụ việc lừa đảo.
Mạo danh cơ quan quản lý viễn thông
Theo NCSC, người dân Ấn Độ cho biết họ nhận được nhiều cuộc gọi được cho là đến từ Cơ quan Quản lý viễn thông, thông báo rằng số điện thoại của họ sẽ bị chặn và yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn để biết thêm thông tin.
Chúng chủ động tiếp cận nạn nhân qua điện thoại, yêu cầu làm theo hướng dẫn để được chuyển hướng tới nhân viên hỗ trợ nhằm biết thêm thông tin, cũng như giải đáp các khúc mắc. Đây là một thủ đoạn lừa đảo tinh vi, chủ yếu nhắm tới những người cao tuổi, những người ít tiếp xúc với điện thoại và các thiết bị công nghệ.
Theo đó, ban đầu chúng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn tin nhắn thoại tự động. Khi bắt đầu gọi điện cho nạn nhân, tin nhắn sẽ được bật với mục đích thông báo về việc chặn số điện thoại của nạn nhân, yêu cầu bấm phím số “9” để được gặp nhân viên hỗ trợ trực tiếp.
Sau khi làm theo hướng dẫn, tin nhắn khác sẽ được phát với nội dung “đang trong quá trình chuyển hướng tới nhân viên, xin quý khách vui lòng chờ trong giây lát”. Trong lúc này, có người sẽ bắt đầu cầm máy và trò chuyện với nạn nhân.
Chúng cho biết phía công ty nhận được nhiều báo cáo về việc số điện thoại mà nạn nhân đang sở hữu có dấu hiệu gửi nhiều tin nhắn rác, chứa đựng nội dung quấy rối. Để xác thực lại, nạn nhân được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân... với giọng điệu cấp bách, khẩn trương. Nhiều nạn nhân đã nhanh chóng làm theo lời của bọn lừa đảo.
Trước diễn biến phức tạp của các vụ việc lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức trước các phương thức lừa đảo đang nở rộ trong thời gian gần đây.
Liên tục cập nhập thông tin về các hình thức mới cũng như các biện pháp phòng ngừa thông qua nguồn tin tức đáng tin cậy và các trang web bảo mật. Cảnh giác với các Email, tin nhắn văn bản đến từ các cá nhân hoặc tổ chức lạ, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của người lạ khi chưa xác minh được danh tính.
Khi phát hiện thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần trình báo ngay với lực lượng chức năng, cơ quan công an để có các biện pháp xử lý kịp thời đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.