Các nhà khoa học trồng cây từ hạt giống 1.000 năm tuổi
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:49, 07/10/2024
Các nhà khoa học trồng cây từ hạt giống 1.000 năm tuổi
Giới khoa học luôn cố gắng đưa quá khứ trở lại cuộc sống hiện tại dưới một hình thức nào đó.
Loạt dự án hồi sinh động vật đã tuyệt chủng như voi ma mút, chim dodo, hổ Tasmania đều đạt tiến bộ đáng kể mặc dù mục tiêu chỉ là giống lai gần đúng chứ không phải bản sao chính xác. Các nhà nghiên cứu còn khai thác DNA cổ đại để tìm nguồn thuốc mới, số khác hồi sinh nhiều loài thực vật để nghiên cứu quá trình tiến hóa và sự đa dạng di truyền của chúng. Trong đó, Tiến sĩ Sarah Sallon (Trung tâm nghiên cứu y học tự nhiên Louis L.Borick) cùng nhóm của mình không ngần ngại trồng hạt giống 1.000 năm tuổi - niên đại từ năm 993 đến năm 1202 sau Công nguyên - được tìm thấy trong hang động ở sa mạc Judean vào những năm 1980.
Nhóm ngâm hạt giống bí ẩn vào nước pha hormone và phân bón trước khi trồng vào đất. Khoảng 5 tuần rưỡi sau hạt giống nảy mầm, hiện cây đã cao 3 mét nhưng chưa thấy ra hoa kết trái.
Qua tiến hành phân tích DNA, họ xác định đây là thực vật thuộc chi Commiphora, nhưng loài chính xác vẫn chưa được biết đến và nhiều khả năng đã tuyệt chủng. Nhóm vốn tin rằng nó có thể liên quan đến một loại cây tên Judean Balsam mà Kinh thánh cùng vài văn tự cổ nhắc đến.
Bà Sallon cho biết: “Chúng tôi tiến hành trồng vào năm 2010, bây giờ là năm 2024. Tại sao phải đợi lâu như vậy mới công bố nghiên cứu? Vì tôi muốn chắc chắn đây không phải Judean Balsam bằng cách ngửi nó”.
Cây không tỏa ra mùi hương gì. Khi cây khoảng 3 tuổi, nhóm tiến hành phân tích lá, cành, nhựa nhưng chẳng tìm ra hợp chất thơm nào. Thay vào đó họ phát hiện chất guggulterol có đặc tính chống ung thư tiềm tàng, do đó nhóm đặt giả thuyết nó là nguồn gốc của loại thuốc mỡ tsori cũng được đề cập trong văn tự cổ.
Theo Tiến sĩ Louise Colville (Vườn Thực vật Hoàng gia Anh), hạt giống có tuổi thọ đáng kinh ngạc như vậy vô cùng hiếm. Việc hạt giống nảy mầm sau 1.000 năm cũng cực kỳ may mắn.