Chánh văn phòng UBND TP.HCM: Thành phố đã xử lý những đơn vị giải ngân chậm
Sự kiện - Ngày đăng : 20:04, 03/10/2024
Chánh văn phòng UBND TP.HCM: Thành phố đã xử lý những đơn vị giải ngân chậm
Đến đầu tháng 10.2024 tỷ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố (TP) chỉ đạt khoảng 20% so với kế hoạch cả năm. Hiện những đơn vị giải ngân vốn đầu tư công chậm đã bị TP xử lý.
9 tháng mới giải ngân được 20% vốn đầu tư công
Theo ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng phòng tổng hợp quy hoạch (Sở kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) trong năm 2024, vấn đề giải ngân đầu tư công là mối quan tâm lớn của UBND TP. Lãnh đạo UBND TP đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để góp phần đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, TP đã lập kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cho từng đơn vị, dự án; ban hành các kế hoạch, chương trình giải ngân chi tiết đến từng đơn vị; tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ với các đơn vị để làm rõ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị cần giải ngân …
Ngoài ra, TP cũng đề xuất khen thưởng các đơn vị giải ngân tốt và kỷ luật các đơn vị giải ngân chưa kịp thời, chậm trễ trong quá trình xử lý các thủ tục. “Chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo UBND TP điều chỉnh linh hoạt các kế hoạch đầu tư công để đảm bảo đủ vốn và điều tiết vốn hợp lý cho các dự án. Các dự án chưa có khả năng giải ngân nhanh chúng tôi điều chuyển phần vốn sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh”, ông Tuấn Anh cho biết.
Tuy nhiên, ông Pham Tuấn Anh cho biết đến đầu tháng 10.2024 tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TP chỉ đạt khoảng 20% so với kế hoạch cả năm. Đến thời điểm này đang dừng ở ngưỡng thấp là do nhiều nguyên nhân.
“Trong tổng số 249.000 tỷ đồng TP phải giải ngân trong kỳ trung hạn từ năm 2021 đến 2025 thì có 49% số vốn được giao ở giữa kỳ trung hạn, tức là các địa phương khác toàn bộ số vốn trong kỳ trung hạn được giao ngay từ đầu kỳ nhưng đối với TP sau khi có Nghị quyết 98 thì TP được cấp bổ sung thêm 107.000 tỷ đồng. Số vốn này chỉ được giao ở thời điểm cuối năm 2023. Khi chúng tôi rà soát lại đối với số vốn được giao từ đầu kỳ, cụ thể là 142.000 tỷ đồng thì tiến độ giải ngân đã đạt. Tuy nhiên, những dự án sử dụng số vốn 107.000 tỷ phần lớn đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn cho dự án này. Do đó, đến thời điểm này chưa được giải ngân nhiều”, ông Phạm Tuấn Anh giải thích.
Ngoài ra, ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm, trong năm 2024 Luật Đất đai được ban hành có ảnh hưởng rất lớn đối với các dự án của TP. Trong số 79.000 tỷ cần giải ngân trong năm 2024 thì có khoảng 33.000 tỷ đồng là tiền giải phóng mặt bằng, chiếm 38%.
Từ đầu năm 2024 TP đã lập các thủ tục, kế hoạch thực hiện cho việc giải ngân, theo dự kiến sẽ được giải ngân cho quý III năm 2024. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai được điều chuyển từ ngày 1.1.2025 chuyển sang ngày 1.8.2024 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân, dẫn tới phần tiền dự kiến giải ngân cho giải phóng mặt bằng đang được giải ngân rất ít do việc điều chỉnh luật đất đai.
Đối với những dự án thực hiện đến thời điểm giải phóng mặt bằng, kể cả những dự án đã xây dựng phương án thì TP phải dừng lại để xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư, do đơn giá tính theo quy định mới tăng lên. Điều đó dẫn tới các dự án lớn như: Rạch Xuyên Tâm, Bờ bắc Kênh Đôi phải điều chỉnh bổ sung vốn, với 18.000 tỷ đồng, chiếm 23% tổng số vốn cần giải ngân năm 2024 của TP.
Ngoài ra, còn nhiều dự án vướng mắc về thủ tục phải phối hợp với các bộ ngành trung ương để giải quyết với tổng số vốn là 10.000 tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng số vốn giải ngân trong năm của TP. Đối với vấn đề điều chỉnh quy hoạch, trong quá trình thực hiện có một số dự án phải dừng lại để điều chỉnh trong bối cảnh điều chỉnh quy hoạch chung của TP, đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung với số tiền khoảng 4.600 tỷ đồng (chiếm khoảng 6% tổng số vốn giải ngân).
Giai đoạn vừa qua những thay đổi về Luật Đấu thầu cũng thay đổi về mặt quy trình, thủ tục, điều kiện, hồ sơ đối với quá trình lựa chọn nhà thầu do đó nhiều đơn vị đã phải cập nhật lại để tiến hành tổ chức đấu thầu theo quy định mới. Các dự án bị ảnh hưởng bởi quy định này khoảng 9.400 tỷ đồng (chiếm 12% tổng số vốn phải giải ngân).
Bên cạnh đó, thực tế thiếu cát san lấp, thiếu vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm khiến TP chậm tiến độ giải ngân. Các sở ngành, cơ quan của TP có những khó khăn trong việc phối hợp cùng nhau khi thực hiện các thủ tục cho các dự án.
TP đã xử lý những đơn vị giải ngân vốn đầu tư công chậm
Dù đến hết quý 3/2024, TP.HCM mới giải ngân vốn đầu tư công được 20%, nhưng TP vẫn quyết tâm đến cuối năm 2024 phải giải ngân đạt mục tiêu đề ra là 95% trong số vốn 79.000 tỷ đồng của năm 2024.
Hiện TP đang chủ động rà soát, phê bình, nhắc nhở cũng như tuyên dương các đơn vị có kết quả giải ngân tốt, yêu cầu các đơn vị bám sát kế hoạch, kịp thời cập nhật kế hoạch giải ngân để thực hiện sát kế hoạch giải ngân trong 3 tháng cuối năm 2024.
Theo ông Đặng Quốc Toàn – Chánh văn phòng UBND TP.HCM vấn đề đầu tư công hiện đang gặp khó khăn ở một số công trình giao thông, nhất là dự án đường vành đai 4. Hiện TP đang trình hồ sơ để trình dự án đường vành đai 4, đường sắt đô thị…
“Hiện một số đơn vị thực hiện còn chậm, chưa đạt như mong muốn. Điều này thì tùy theo mức độ sẽ có xử lý và cũng đã thực hiện. Chúng ta không đợi đến tình trạng phải xử lý ở hình thức cao hơn. Quá trình này, lãnh đạo TP đã bố trí nhân lực để thực hiện tốt hơn nữa công tác đầu tư công trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, ông Toàn nói.
Ông Toàn cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP trong quý 3/2024 tăng 7,33%. Như vậy trong 9 tháng đầu năm 2024, GRDP tăng 6,85%. Lãnh đạo UBND TP duy trì và thúc đẩy tăng trưởng dựa trên 3 trụ cột gồm: đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu “Chúng ta thấy tốc độ đầu tư công có chậm. Điều này liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị. Không chỉ có đầu tư công mà các lĩnh vực khác có kết quả chưa tốt cũng phải xem xét lại nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị và của từng cá nhân, tập thể”, ông Toàn cho biết thêm.
Sở KH - ĐT TP.HCM cho biết hiện đơn vị đã tham mưu cho UBND TP thực hiện một loạt các biện pháp thúc đẩy đầu tư công như: xác định chi tiết các khó khăn vướng mắc và nhiệm vụ đối với từng dự án, từng sở ngành, tiến độ phải xử lý đối với từng việc, từng đơn vị. Lãnh đạo UBND TP đã quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm quy định để xử lý các thủ tục cho từng dự án; thực hiện quyết liệt các giải pháp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn giúp cho quá trình triển khai thông suốt; rút ngắn 30% quy trình giải quyết thủ tục hành chính, chỉ đạo các trưởng ban quản lý, thủ trưởng các đơn vị bám sát từng gói thầu, dự án trình thành phố những vấn đề phát sinh tại hiện trường để kịp thời giải quyết, hỗ trợ giải ngân.