Tìm ra nơi rác thải nhựa biến mất bí ẩn khi trôi ra đại dương

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 18:06, 03/10/2024

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra vi nhựa trong tất cả các thành phần của san hô, gồm cả bề mặt lẫn trong "xương hóa thạch".
Kiến thức - Học thuật

Tìm ra nơi rác thải nhựa biến mất bí ẩn khi trôi ra đại dương

Anh Tú{Ngày xuất bản}

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra vi nhựa trong tất cả các thành phần của san hô, gồm cả bề mặt lẫn trong "xương hóa thạch".

sanho.jpg
San hô không chỉ là thảm sinh vật mà còn là bể chứa nhựa dưới biển

Các nhà nghiên cứu từ Nhật Bản và Thái Lan đã phát hiện ra vi nhựa trong cả ba phần của giải phẫu san hô—chất nhầy bề mặt, mô và bộ xương. Bước đột phá này đạt được bằng cách sử dụng phương pháp phát hiện vi nhựa mới được phát triển và lần đầu được nhóm nghiên cứu áp dụng với san hô.

Những phát hiện này cũng có thể giải thích "vấn đề nhựa bị mất tích" khiến các nhà khoa học bối rối, khi khoảng 70% rác thải nhựa đã trôi vào đại dương không thể tìm thấy. Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng san hô có thể hoạt động như một "bồn chứa" vi nhựa bằng cách hấp thụ chúng từ đại dương. Những phát hiện của họ đã được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment.

Sự ra đời của nhựa đã mang lại sự tiện lợi chưa từng có cho cuộc sống của chúng ta nhưng lại gây ra thiệt hại không thể kể xiết cho hệ sinh thái theo những cách mà các nhà nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu hiểu. Chỉ riêng ở các đại dương, ước tính có 4,8–12,7 triệu tấn nhựa chảy vào mỗi năm.

Phó giáo sư Suppakarn Jandang từ Viện nghiên cứu cơ học ứng dụng (RIAM) của Đại học Kyushu và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu giải thích: “Ở Đông Nam Á, ô nhiễm nhựa đã trở thành một vấn đề đáng kể. Tổng cộng, gần 10 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra hằng năm, tương đương 1/3 tổng lượng rác thải trên thế giới. Một số loại nhựa này được thải ra đại dương, nơi chúng phân hủy thành vi nhựa".

Để nghiên cứu vấn đề ô nhiễm nhựa ở Đông Nam Á, RIAM đã hợp tác với Đại học Chulalongkorn của Thái Lan vào năm 2022 để thành lập Trung tâm nghiên cứu nhựa đại dương. Viện nghiên cứu quốc tế này do Giáo sư Atsuhiko Isobe đứng đầu, người cũng đứng đầu nhóm nghiên cứu đằng sau những phát hiện mới nhất này.

Nhóm nghiên cứu muốn kiểm tra tác động của vi nhựa đối với các rạn san hô địa phương. Vì vậy họ tập trung nghiên cứu thực địa vào bờ biển đảo Si Chang ở vịnh Thái Lan. Khu vực này nổi tiếng với các rạn san hô nhỏ cũng như là khu vực chung cho các nghiên cứu sinh thái hải dương học.

Chiết xuất vi nhựa từ san hô

Phó giáo sư Suppakarn Jandang cho biết: “San hô có ba phần giải phẫu chính: chất nhầy bề mặt ở bên ngoài thân san hô; mô là phần bên trong của san hô; và bộ xương là các trầm tích cứng của canxi cacbonat mà san hô tạo ra. Bước đầu tiên của chúng tôi là phát triển một phương pháp để chiết xuất và xác định vi nhựa từ các mẫu san hô. Chúng tôi rửa nhiều lần bằng hóa chất các mẫu của mình để phá vỡ từng lớp giải phẫu. Sau khi mỗi lớp tiếp theo được hòa tan, chúng tôi sẽ lọc bỏ phần bên trong và sau đó tiến hành trên lớp tiếp theo”.

Tổng cộng, họ đã thu thập và nghiên cứu 27 mẫu san hô thuộc bốn loài. 174 hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong các mẫu kể trên, chủ yếu có kích thước từ 101–200 μm, gần bằng chiều rộng của một sợi tóc người. Trong số các vi nhựa được phát hiện, 38% được phân bố trên chất nhầy bề mặt, 25% trong mô và 37% được tìm thấy trong bộ xương.

Đối với các loại vi nhựa, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nylon, polyacetylene và polyethylene terephthalate (PET) là ba loại phổ biến nhất, chiếm lần lượt 20,11%, 14,37% và 9,77% trong số các mẫu được xác định.

San hô là "bể chứa" vi nhựa

Những phát hiện mới này cũng chỉ ra rằng san hô có thể hoạt động như một "bể chứa" nhựa trong biển, cô lập rác thải nhựa từ đại dương, giống như cách cây cối cô lập CO2 từ không khí.

Jandang cho biết: "Vấn đề “nhựa mất tích" đã gây khó khăn cho các nhà khoa học theo dõi rác thải nhựa biển, nhưng bằng chứng này cho thấy san hô có thể là nguyên nhân khiến nhựa mất tích đó. Vì bộ xương san hô vẫn còn nguyên vẹn sau khi chết nên những vi nhựa lắng đọng này có khả năng được bảo quản trong hàng trăm năm. Tương tự như xác muỗi trong hổ phách".

Vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu được tác động đầy đủ của những phát hiện này đối với các rạn san hô và hệ sinh thái toàn cầu. Isobe cho biết: "Các loài san hô mà chúng tôi nghiên cứu lần này phân bố trên khắp thế giới. Để có được bức tranh chính xác hơn về tình hình, chúng ta phải tiến hành các nghiên cứu sâu rộng trên toàn cầu đối với nhiều loài san hô", đồng thời đưa ra kết luận: "Chúng ta cũng không biết tác động của vi nhựa đối với sức khỏe của san hô và cộng đồng rạn san hô lớn hơn. Vẫn còn nhiều việc phải làm để đánh giá chính xác tác động của vi nhựa đối với hệ sinh thái của chúng ta".

Do vậy, việc bảo vệ thảm san hô là điều rất quan trọng đối với chúng ta trong việc chống lại tình trạng ô nhiễm nhựa như hiện giờ.

Anh Tú