Mỗi ngày phải thu ngân sách hơn 1.500 tỉ đồng, TP.HCM kêu khó

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:17, 05/01/2019

Bình quân mỗi ngày làm việc (không tính thứ bảy, chủ nhật), TP.HCM phải thu lên đến khoảng 1.529 tỉ đồng, tăng 300 tỉ đồng so với năm 2018. Tỷ lệ ngân sách TP.HCM được điều tiết giữ lại để vận hành bộ máy, chi đầu tư... là 18%, tương ứng gần 80.000 tỉ đồng/năm.
Lãnh đạo TP.HCM nói rất khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019 - Ảnh: Phan Diệu

Ngày 4.1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2019 thành phố được Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách ở mức rất cao: 399.125 tỉ đồng, chiếm hơn 26% tổng dự toán thu cả nước.

Như vậy, bình quân mỗi ngày làm việc (không tính thứ bảy, chủ nhật), TP.HCM phải thu lên đến khoảng 1.529 tỉ đồng, tăng 300 tỉ đồng so với năm 2018. Tỷ lệ ngân sách TP.HCM được điều tiết giữ lại để vận hành bộ máy, chi đầu tư... là 18%, tương ứng gần 80.000 tỉ đồng. Số tiền lớn còn lại khoảng 320.000 tỉ đồng nộp vào ngân sách quốc gia.

Trong năm 2019, TP.HCM cũng được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công khoảng 30.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này không đủ để thành phố đầu tư hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học...

Theo ông Phong, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019 là nhiệm vụ rất khó khăn. Trong năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố là 378.543 tỉ đồng, đạt 100,47% dự toán, tăng 8,65% so cùng kỳ. Đạt được chỉ tiêu này đã là một nỗ lực rất lớn của các ngành.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị ngành thuế, hải quan cần tăng cường các biện pháp để quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu. Đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật; đồng thời tích cực giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động và thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực, trọng điểm. Tăng cường rà soát, xác định và phân loại các khoản nợ thuế, đối tượng nợ thuế để có kế hoạch cụ thể đôn đốc, thu nộp nợ thuế kịp thời. Song song đó là tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, tăng số lần đối thoại để doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của người nộp thuế, rút ngắn thời gian thông quan.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước TP.HCM tiếp tục tập trung xử lý các khoản tạm ứng, thanh quyết toán các công trình, dự án, thu hồi vốn để chi đầu tư phát triển; không giải quyết tạm ứng tiếp cho các dự án mà chủ đầu tư không làm thủ tục thanh toán đối với các khoản đã được tạm ứng trước đó.

Đối với quận, huyện, ông Phong đề nghị cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác thu tại Chi cục Thuế; điều hành ngân sách tại địa phương. Khai thác các nguồn thu trên địa bàn, vốn xã hội hóa. Tập trung đôn đốc, đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ xử lý, sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định; chú ý việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; kết nối ngân hàng.

Ngoài ra, các cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các nội dung liên quan lĩnh vực tài chính – ngân sách tại Nghị quyết 54 của Quốc hội để tăng tính chủ động hơn cho thành phố trong quản lý, điều hành phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tạo nguồn lực tài chính cho thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Cũng đề cập đến chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dự toán thu ngân sách xấp xỉ 400.000 tỉ đồng năm 2019 là rất lớn. Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kích thích tăng trưởng, TP.HCM sẽ phát huy nguồn lực đất đai, sự sáng tạo từ đội ngũ 4,5 triệu người lao động trên địa bàn và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Đề cập về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2019, ông Nhân cho hay năm 2019, TP.HCM xác định trọng tâm là đột phá về cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54; 9 chương trình trọng điểm triển khai quyết liệt (gồm 7 chương trình đột phá, chương trình nông thôn mới, đô thị thông minh), cùng với phong trào lao động sáng tạo của thành phố.

Về đột phá thực hiện Nghị quyết 54, thành phố sẽ thực hiện quyết liệt việc phân cấp ủy quyền; ưu tiên giải quyết các dự án chậm triển khai trên địa bàn; thực hiện đấu giá đất để tăng thu ngân sách. Đồng thời, nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia. Riêng vấn đề thu từ cổ phần hóa, ông Nhân nói rằng TP.HCM được phép giữ lại nguồn thu từ cổ phần hóa là rất quan trọng để chi cho đầu tư phát triển.

Phan Diệu