Sức sát thương của chất nổ cài trong máy nhắn tin hoặc bộ đàm
Chuyển động - Ngày đăng : 11:10, 22/09/2024
Sức sát thương của chất nổ cài trong máy nhắn tin hoặc bộ đàm
Tại cơ sở trên địa bàn bang Pennsylvania, phóng viên đài CNN chứng kiến chuyên gia của công ty Tripwire S - một nhà thầu an ninh thường làm việc với chính phủ - thực hiện thử nghiệm cho thấy sức sát thương của chất nổ trong máy nhắn tin hoặc bộ đàm.
Tuần qua, hàng loạt máy nhắn tin lẫn bộ đàm của nhóm Hezbollah ở Lebanon phát nổ khiến hàng nghìn người thương vong. Giới chuyên gia lẫn truyền thông nhận định số thiết bị liên lạc gặp chuyện có thể đã bị cài PETN vào bên trong, tin nhắn gửi đến hoặc tín hiệu cụ thể sẽ kích nổ.
Người dùng thường đặt thiết bị ở gần, bỏ vào túi hoặc giắt vào lưng quần, khi dùng đưa lên gần mặt hoặc đầu. Trong thử nghiệm, chuyên gia Tripwire S dùng PETN dạng nhựa dẻo khá an toàn lúc chưa bị kích nổ.
Thử nghiệm đầu tiên - dán chất nổ vào miếng bìa cứng đặt trên bàn - nhằm kiểm chứng uy lực của PETN. Chất nổ đủ sức làm thủng lỗ lớn trên cả bìa lẫn mặt bàn. Đến thử nghiệm thứ hai, máy nhắn tin mang chất nổ được cài bên hông mô hình người. Cơ thể người linh hoạt nên hấp thu một phần năng lượng từ vụ nổ, nhưng chắc chắn vẫn chịu chấn thương không nhỏ.
Thử nghiệm cuối cùng đặt bộ đàm mang chất nổ gần đầu mô hình, kết quả phần đầu nổ tung. Chuyên gia Tripwire S lý giải lực nổ gần như hướng về phần đầu, khiến người cầm thiết bị hứng trọn các mảnh vỡ. Vụ nổ nếu xảy ra ở nơi đông người sẽ gây thương vong diện rộng vì mảnh vỡ văng khắp nơi.
Ngày 20.9, Liên Hợp Quốc lên án hành động cài chất nổ vào thiết bị liên lạc, nhận định đây có thể cấu thành tội ác chiến tranh vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Chính phủ Lebanon chỉ trích đây là hành động khủng bố.