Những vụ tấn công và ám sát nghi do Israel thực hiện

Hồ sơ - Ngày đăng : 10:43, 21/09/2024

Đài CNN điểm lại những vụ tấn công và ám sát dường như do Israel thực hiện dù nước này chưa từng thừa nhận.
Hồ sơ

Những vụ tấn công và ám sát nghi do Israel thực hiện

Cẩm Bình 21/09/2024 10:43

Đài CNN điểm lại những vụ tấn công và ám sát dường như do Israel thực hiện dù nước này chưa từng thừa nhận.

Vụ mới nhất chính là loạt thiết bị liên lạc - máy nhắn tin cùng bộ đàm - của nhóm Hezbollah ở Lebanon phát nổ khiến hàng nghìn người thương vong trong tuần qua. CNN cùng tờ The New York Times đều cho rằng chính quân đội Israel (IDF) cùng cơ quan tình báo Mossad phối hợp thực hiện.

IDF không thừa nhận, còn Mỹ phủ nhận liên quan đến vụ việc.

screenshot-2024-09-19-074951.png
Bộ đàm phát nổ ngày 19.9 - Ảnh: CNN

Đáp trả thảm sát Munich 1972

Quá khứ từng có vụ việc cài chất nổ tương tự. Tại Olympic 1972, nhóm chiến binh Palestine Black September đã giết hại 11 công dân Israel (gồm cả vận động viên).

Để đáp trả, Israel phát động chiến dịch “Cơn thịnh nộ của Chúa”, dành nhiều năm truy lùng các đối tượng liên quan. Một trong số đó là thành viên Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Mahmoud Hamshari sống ở Paris. Đặc vụ đột nhập nhà riêng và cài chất nổ vào điện thoại, rồi một người đóng giả nhà báo Ý sắp xếp phỏng vấn qua điện thoại, khi Hamshari nhấc máy trả lời thì chất nổ được kích hoạt.

Ám sát trùm chế tạo bom Hamas

Chuyên gia chế tạo bom của nhóm Hamas ở Dải Gaza Yahya Ayyash - biệt danh “kỹ sư” - chịu trách nhiệm cho nhiều vụ giết chết công dân Israel. Năm 1966, nhân vật này thiệt mạng khi điện thoại di động của ông ta phát nổ gần đầu. Hamas tiến hành 4 vụ tấn công tự sát trả đũa, cướp đi hàng chục sinh mạng công dân Israel khác.

screenshot-2024-09-21-092628.png
Chuyên gia chế tạo bom Yahya Ayyash - Ảnh: Getty Images

Ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran

Kể từ năm 2010 đã có 5 nhà khoa học hạt nhân Iran bị sát hại trong nhiều vụ ám sát liên quan đến nước ngoài, khi Israel cố ngăn đối thủ khu vực phát triển vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon vào tháng 8.2025 nói với tạp chí Der Spiegel rằng mình không thể chịu trách nhiệm “tuổi thọ” của các nhà khoa học Iran.

Giới chuyên gia còn xác định Israel đứng sau vụ phát tán vi rút máy tính Stuxnet hòng phá hoại máy ly tâm ở hai cơ sở hạt nhân Natanz và Bushehr.

Năm 2020, nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát ở miền đông Tehran bởi một khẩu súng máy điều khiển từ xa. Giới chức Iran xác định vũ khí dùng trí tuệ nhân tạo cùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phát hiện ông rồi nổ súng, trước khi chiếc xe ông đi chất đầy chất nổ phát nổ.

Cần người tại chỗ thực hiện

Giới chuyên gia cho rằng dù áp dụng công nghệ cao và vô cùng tinh vi, các vụ tấn công/ ám sát đều cần người tại chỗ hỗ trợ thực hiện. Chẳng hạn muốn sát hại ông Fakhrizadeh thì vẫn phải có ai đó bố trí súng cùng chất nổ.

Ở loạt vụ nổ thiết bị liên lạc, giới chuyên gia đặt ra 2 giả thuyết. Thứ nhất là tấn công mạng khiến pin lithium trong máy nhắn tin nóng lên rồi phát nổ, thứ hai là thiết bị bị can thiệp trong quá trình sản xuất và vận chuyển.

Cựu quan chức an ninh Mỹ David Kennedy qua xem xét đoạn phim các vụ nổ nghiêng về giả thuyết thứ 2 hơn, có khả năng đặc vụ Israel đặt chất nổ trong máy sau đó kích hoạt bằng tin nhắn.

Tờ The New York Times dẫn nguồn tin quan chức tiết lộ các vụ nổ là kết quả của chiến dịch phối hợp giữa quân đội với cơ quan tình báo Israel. Đặc vụ nước này đặt chất nổ vào lô máy nhắn tin sản xuất ở Đài Loan, được nhập khẩu vào Lebanon rồi chuyển cho Hezbollah. Chất nổ kèm công tắc kích hoạt nằm cạnh pin và chỉ cần tin nhắn để kích hoạt.

Cẩm Bình