Cần chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết sau bão

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:30, 16/09/2024

Một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc hồi phục kinh tế sau bão là hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ… cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão.
Thị trường và chính sách

Cần chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết sau bão

Lam Thanh 16/09/2024 11:30

Một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc hồi phục kinh tế sau bão là hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ… cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão.

Siêu bão Yagi là cơn bão lịch sử với cường độ, sức tàn phá lớn, phạm vi rất rộng, hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản, sản xuất - kinh doanh. Đến thời điểm này đã có hơn 350 người chết và mất tích, hơn 2.000 người bị thương.

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, ước tính sơ bộ thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỉ đồng, trong đó 230.000 nhà ở, nhiều trụ sở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh bị tốc mái, hư hỏng; gần 70.000 nhà bị ngập; trên 190.000 ha lúa, 48.00 ha hoa màu, 31.000 ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; hơn 3.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 21.000 gia súc và trên 2,6 triệu gia cầm bị chết. Nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Tình trạng sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ xảy ra ở hầu hết các địa phương.

Tác động của cơn bão số 3 đã khiến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý 3 của cả nước có thể giảm 0,35%, quý 4 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.

Ước cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8 - 7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Có thể thấy, thiên tai đã gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là các ngành như nông nghiệp, thủy sản và du lịch... Do đó, trong thời gian tới, việc khôi phục kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp hồi sức sau bão là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

anh-man-hinh-2024-09-16-luc-09.59.21.png
Kho hàng của doanh nghiệp ngập do bão - Ảnh: Lam Thanh

Một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc hồi phục kinh tế sau bão là hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão.

Các chuyên gia cho rằng Chính phủ và các tổ chức tài chính có thể đưa ra các gói vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân tái thiết; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế đất hoặc thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, việc trợ cấp một phần chi phí tái thiết, sửa chữa cũng rất cần thiết để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn sau thiên tai. Do vậy, ngoài việc hỗ trợ giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ, thì cần có thêm những chính sách khác về thị trường, lao động, giảm bớt thủ tục rườm rà… để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cũng kiến nghị cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động từ 3 - 6 tháng. Ngoài ra, cần giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, miễn tiền thuê đất… cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện bao gồm cả nguồn điện và lưới điện, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra; ưu tiên cấp điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất...

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, gần 12.000 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ khoảng 26 nghìn tỉ đồng. Tại Quảng Ninh và Hải Phòng, 2 địa phương bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 đang cần được hỗ trợ gấp. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không thu nợ bằng mọi cách. Các ngân hàng thương mại tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn với những khoản nợ sắp tới hạn, giải pháp hỗ trợ cũng nên rất tích cực cho khách hàng vay vốn…

dn-1.png
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, ngập lụt, lũ quét…

Ngoài ra, mở rộng phạm vi, đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hoãn thu hồi các khoản nợ, miễn, giảm lãi vay; ban hành các gói vay mới với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch.

Bộ KH-ĐT cũng đề nghị cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6.2024; tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các địa phương bị ảnh hưỡng bởi bão số 3 đến hết tháng 12.2024.

Tại cuộc họp vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay đối với các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...

Lam Thanh