Cuộc đình công gây gián đoạn sản xuất ở Samsung Ấn Độ làm nổi bật sức mạnh của tổ chức CITU

Thế giới số - Ngày đăng : 12:52, 15/09/2024

Một cuộc đình công của công nhân ở Ấn Độ đã làm gián đoạn sản xuất tại một nhà máy Samsung Electronics. Điều này đã làm nổi bật nhóm công nhân được hỗ trợ chính trị.
Thế giới số

Cuộc đình công gây gián đoạn sản xuất ở Samsung Ấn Độ làm nổi bật sức mạnh của tổ chức CITU

Sơn Vân 15/09/2024 12:52

Một cuộc đình công của công nhân ở Ấn Độ đã làm gián đoạn sản xuất tại một nhà máy Samsung Electronics. Điều này đã làm nổi bật nhóm công nhân được hỗ trợ chính trị.

Nhóm này đã âm thầm huy động nhân viên của Samsung Electronics và đang lên kế hoạch mở rộng các nỗ lực của mình trong lĩnh vực điện tử ở quốc gia Nam Á này.

Các đình công ở nhà máy Samsung Electronics về mức lương thấp, hiện bước sang ngày thứ 6, đã phủ bóng đen lên kế hoạch của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hưởng ứng sáng kiến Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ) và tăng gấp ba sản lượng điện tử lên 500 tỉ USD trong 6 năm.

Từ Foxconn (hãng sản xuất thiết bị điện tử theo lớn nhất thế giới của Đài Loan) đến Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ), nhiều công ty nước ngoài đã bị thu hút bởi các chính sách thân thiện với doanh nghiệp hơn và lao động giá rẻ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, đặc biệt là khi tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra ngoài Trung Quốc.

Hôm 13.9, hàng trăm công nhân biểu tình mặc áo sơ mi Samsung màu xanh lam vẫn tiếp tục ngồi bên trong những chiếc lều tạm gần nhà máy sản xuất đồ gia dụng ở thành phố Chennai (thủ phủ bang Tamil Nadu phía nam Ấn Độ), đội mũ lưỡi trai màu đỏ có chữ viết tắt CITU (Trung tâm Công đoàn Ấn Độ).

cuoc-dinh-cong-gay-gian-doan-san-xuat-o-samsung-an-do-lam-noi-bat-suc-manh-cua-to-chuc-citu.png
Nhiều công nhân Samsung Electronics tham gia cuộc đình công để yêu cầu tăng lương tại nhà máy gần thành phố Chennai, Ấn Độ - Ảnh: Reuters

CITU được sự hậu thuẫn của đảng chính trị cánh tả cứng rắn có ảnh hưởng nhất Ấn Độ với 6,6 triệu thành viên là công nhân. CITU yêu cầu các biện pháp thân thiện với người lao động, dù trước đây tập trung nhiều hơn vào các ngành ô tô và các công ty sản xuất xe hơi như Hyundai.

Trong khi nhân viên Samsung Electronics có thể tự lập công đoàn, việc hợp tác với CITU (thành lập vào năm 1970) được một số người coi là cách để giành được nhiều sự hỗ trợ quốc gia hơn và giúp tiếng nói của họ được các công ty lắng nghe tốt hơn.

Với cuộc đình công ở Samsung Electronics, CITU đang có kế hoạch thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh chóng khi các công ty "không điều chỉnh lương đúng cách". S Kannan, Phó tổng thư ký CITU tại bang Tamil Nadu, tiết lộ điều này.

"Không có cơ hội cho việc thương lượng tập thể nữa," ông nói thêm.

Một cuộc đình công ở quy mô này, ảnh hưởng đến sản xuất, không phổ biến trong ngành điện tử của Ấn Độ. Những cuộc đình công đáng chú ý trước đây là các vụ gây bạo loạn của công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone của Wistron và Foxconn (hai đối tác của Apple) năm 2021, khi tiền lương chưa được trả và vụ ngộ độc thực phẩm lần lượt là nguyên nhân.

CITU có kế hoạch thúc đẩy nhiều quyền lợi hơn cho người lao động tại nhà cung cấp của Apple là Flex và Sanmina, nơi họ đã đàm phán với ban quản lý về các yêu cầu như công nhận công đoàn và lương cao hơn, theo S Kannan.

Flex tuyên bố duy trì các tiêu chuẩn toàn cầu cao nhất về thực hành lao động, tin tưởng vào một môi trường tôn trọng và hợp tác.

Văn phòng Thủ tướng Narendra Modi, Bộ CNTT liên bang, Sở Lao động Tamil Nadu và Sanmina không trả lời các câu hỏi của Reuters.

"Tình cảnh nghiêm trọng"

Cuộc đình công ở Samsung Electronics là một trong những vụ việc bất ổn công nghiệp lớn nhất gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất tại một công ty đa quốc gia nước ngoài. Riêng nhà máy ở bang Tamil Nadu chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu hàng năm 12 tỉ USD của Samsung Electronics tại Ấn Độ.

Khi người lao động biểu tình, M.K. Stalin (Thủ hiến bang Tamil Nadu) có chuyến công du Mỹ từ cuối tháng 8 và đàm phán với các công ty như Nike, Ford.

Trong trường hợp của Samsung Electronics, CITU đã viết một lá thư riêng vào tháng 7, yêu cầu ban quản lý tăng lương cho những người lao động mà tổ chức này cho rằng đang bị đẩy vào "tình cảnh nghiêm trọng”.

Khi tập đoàn Hàn Quốc không đồng ý, CITU đã ủng hộ công nhân bắt đầu đình công vào tuần này. Đây cũng là một thách thức với các công ty mà CITU cho rằng trả lương thấp cho công nhân nghèo.

CITU nói công nhân Samsung Electronics kiếm được trung bình 25.000 rupee (300 USD) mỗi tháng và đang yêu cầu tăng lương lên 36.000 rupee (430 USD) trong ba năm. Một công nhân đình công bên ngoài nhà máy nói anh đã gia nhập Samsung Electronics cách đây một thập kỷ và chỉ kiếm được 23.000 rupee một tháng, khiến cuộc sống trở nên khó khăn với chi phí sinh hoạt tăng cao.

"Các trường hợp đình công có thể giảm nếu chính phủ đảm bảo một cơ chế để các công ty đa quốc gia tôn trọng luật lao động gồm quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể", K.R. Shyam Sundar, nhà kinh tế viết về cải cách lao động ở Ấn Độ, cho hay.

Trong tuyên bố hôm 14.9, Samsung Electronics cho biết đã bắt đầu thảo luận với công nhân tại nhà máy Chennai "để giải quyết mọi vấn đề sớm nhất có thể".

Samsung định cắt giảm tới 30% nhân viên ở nước ngoài vì các đơn vị chủ chốt chịu áp lực tăng trưởng

Samsung Electronics, hãng sản xuất smartphone, tivi và chip nhớ hàng đầu thế giới, định cắt giảm tới 30% nhân viên ở nước ngoài tại một số bộ phận, ba nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này tiết lộ với Reuters.

Hai nguồn tin cho biết Samsung Electronics (Hàn Quốc) đã chỉ thị cho các công ty con trên toàn thế giới cắt giảm khoảng 15% nhân viên bán hàng và tiếp thị cũng như đến 30% nhân viên hành chính.

Một người cho biết kế hoạch sẽ được triển khai cuối năm 2024 và tác động đến việc làm trên khắp châu Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi. 6 người khác hiểu rõ vấn đề này cũng xác nhận kế hoạch cắt giảm biên chế toàn cầu của Samsung Electronics.

Không rõ có bao nhiêu người sẽ bị sa thải và quốc gia, đơn vị kinh doanh nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Các nguồn tin từ chối nêu tên vì phạm vi và chi tiết của việc cắt giảm nhân viên vẫn được Samsung Electronics giữ bí mật.

Trong một tuyên bố, Samsung Electronics cho biết việc điều chỉnh lực lượng lao động được thực hiện tại một số đơn vị ở nước ngoài là hoạt động thường kỳ và nhằm mục đích cải thiện hiệu quả. Samsung Electronics thông báo không có mục tiêu cụ thể nào cho các kế hoạch này, đồng thời nói thêm rằng chúng không ảnh hưởng đến đội ngũ sản xuất của công ty.

Tính đến cuối năm 2023, Samsung Electronics đã tuyển dụng tổng cộng 267.800 người và hơn một nửa, tức là 147.000 nhân viên, làm việc ở nước ngoài, theo báo cáo phát triển bền vững mới nhất của công ty.

Theo báo cáo, sản xuất và phát triển chiếm phần lớn trong số những công việc đó, còn đội ngũ bán hàng và tiếp thị là khoảng 25.100 người. Trong khi 27.800 người làm việc ở các lĩnh vực khác.

Một trong những nguồn tin Reuters cho biết "lệnh toàn cầu" về việc cắt giảm việc làm đã được gửi đi khoảng ba tuần trước và đơn vị Samsung Electronics tại Ấn Độ đã cung cấp các gói trợ cấp thôi việc cho một số nhân viên cấp trung nghỉ làm những tuần gần đây.

Tổng số nhân viên rời khỏi đơn vị Samsung Electronics tại Ấn Độ có thể lên tới 1.000 người. Tập đoàn điện tử Hàn Quốc tuyển dụng khoảng 25.000 nhân viên tại Ấn Độ.

Tại Trung Quốc, Samsung Electronics đã thông báo việc cắt giảm lực lượng lao động dự kiến ​​sẽ ảnh hưởng đến khoảng 30% nhân viên tại bộ phận bán hàng của mình, một tờ báo Hàn Quốc đưa tin tháng này.

Thách thức lớn

Việc cắt giảm việc làm quy mô lớn diễn ra khi Samsung Electronics đang phải vật lộn với áp lực ngày càng tăng lên các đơn vị chủ chốt của mình.

Mảng kinh doanh chip cốt lõi ở Samsung Electronics đã chậm hơn các đối thủ trong quá trình phục hồi sau đợt suy thoái nghiêm trọng của ngành khiến lợi nhuận công ty giảm xuống mức thấp nhất 15 năm vào 2023.

Hồi tháng 5, Samsung Electronics đã thay thế người đứng đầu bộ phận bán dẫn của mình trong nỗ lực vượt qua "cuộc khủng hoảng chip" khi công ty tìm cách bắt kịp đối thủ đồng hương SK Hynix trong việc cung cấp chip nhớ cao cấp được sử dụng trong chipset trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là cho Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới).

Ở thị trường smartphone cao cấp, Samsung Electronics đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Apple và Huawei. Trong khi đó, Samsung Electronics đã tụt hậu so với TSMC (Đài Loan) ở lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng.

Tại Ấn Độ, nơi mang lại cho Samsung Electronics khoảng 12 tỉ USD doanh thu hàng năm, cuộc đình công vì tiền lương đang làm gián đoạn hoạt động sản xuất.

Theo một trong những nguồn tin quen thuộc với các kế hoạch, việc cắt giảm việc làm được thực hiện để chuẩn bị cho sự suy giảm nhu cầu sản phẩm công nghệ khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Một nguồn tin khác cho biết Samsung Electronics đang tìm cách củng cố lợi nhuận bằng cách tiết kiệm chi phí.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Samsung Electronics có cắt giảm việc làm tại trụ sở chính của mình ở Hàn Quốc hay không. Tuy nhiên, Samsung Electronics sẽ gặp khó khăn khi sa thải nhân viên tại Hàn Quốc vì đây là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị. Được xem là viên ngọc quý ở Hàn Quốc, Samsung Electronics là hãng tuyển dụng lớn nhất và đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế của đất nước này.

Việc cắt giảm nhân viên có thể gây ra tình trạng bất ổn lao động trong nước. Một công đoàn công nhân Hàn Quốc tại Samsung Electronics gần đây đã đình công trong nhiều ngày, yêu cầu tăng lương và phúc lợi.

Cổ phiếu Samsung Electronics (có giá trị nhất Hàn Quốc) được giao dịch ở mức thấp nhất trong 16 tháng hôm 11.9, khi một số nhà phân tích cắt giảm ước tính lợi nhuận của công ty gần đây, với lý do nhu cầu về smartphone và máy tính cá nhân phục hồi yếu.

Sơn Vân