Tăng cường cung ứng hàng thiết yếu phục vụ người dân khu vực bị ảnh hưởng của bão số 3

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:19, 14/09/2024

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có công điện hỏa tốc yêu cầu tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tăng cường cung ứng hàng thiết yếu phục vụ người dân khu vực bị ảnh hưởng của bão số 3

Tuyết Nhung 14/09/2024 19:19

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có công điện hỏa tốc yêu cầu tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành công điện hỏa tốc số 7086/CĐ-BCT về việc tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi).

hang-hoa.jpg
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng bão lũ - Ảnh: IT

Để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý (đặc biệt là thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và các loại vật tư, sinh phẩm, giống cây trồng, vật nuôi…), phục vụ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân sau bão, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:

Vụ Thị trường trong nước điều tiết hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác (ưu tiên việc điều tiết hàng hóa cung ứng từ miền Trung và miền Nam) khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu, chú trọng hàng hóa cho nhu cầu học tập của học sinh, chữa bệnh của bệnh nhân, cho nhóm người yếu thế trong xã hội tại các địa phương chịu tác động nặng nề của mưa, lũ.

Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; tham mưu, đề xuất hướng xử lý trong tình huống khẩn cấp, báo cáo kịp thời lãnh đạo bộ trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Trong đó, công khai về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính, gây tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần, vật chất của người dân.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, ngập phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai ngay các biện pháp sử dụng ngay hàng hóa dự trữ và các nguồn huy động xã hội hóa để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác khắc phục sau bão cho các vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ; vận động, giám sát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, mặt hàng sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước… cam kết bình ổn giá hàng hóa.

Đánh giá tình hình diễn biến thực tế tại địa phương và mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trong trường hợp cần thiết, có văn bản gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp. Các biện pháp bình ổn giá bao gồm: điều hòa cung cầu hoặc định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và có quy định khác về việc thực hiện bình ổn giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn để có phương án cung cấp hàng hóa lưu động trong khu vực, tăng cường công tác kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng từ các địa phương khác để hoạt động cung ứng không bị gián đoạn. Tham mưu UBND tỉnh kế hoạch sửa chữa, khắc phục cơ sở hạ tầng chợ bị ảnh hưởng do bão đồng thời có phương án bố trí địa điểm kinh doanh tạm thời cho các tiểu thương tại chợ để tránh gây gián đoạn việc cung ứng hàng hóa cho người dân.

Tại các địa phương miền núi bị sạt lở còn nhiều khu vực bị chia cắt, giao thông gặp khó khăn, đề xuất nhu cầu điều phối nguồn hàng thiết yếu qua các kênh phân phối để kịp thời cung cấp cho người dân; chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, giao thông vận tải, y tế, giáo dục và các thương nhân kinh doanh tăng cường vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, đồ dùng học tập đến các vùng hiện đang bị chia cắt, cô lập, khó khăn, thiếu thốn.

Các thương nhân kinh doanh hàng hóa thiết yếu tăng cường năng lực sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho các địa phương; ưu tiên nguồn cung các mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng,... cho nhu cầu tại các vùng bị thiệt hại do bão, mưa, lũ.

Điều phối nguồn cung, tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Trung, miền Nam để cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình tại các tỉnh phía Bắc, ưu tiên cung ứng cho các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ; không được đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuyết Nhung