Còn gần 35.000 tỉ đồng nợ khó đòi, ngành thuế giao chỉ tiêu thu nợ cho từng lãnh đạo
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:25, 07/12/2018
Theo báo cáo của cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số tiền thuế nợ do cơ quan thuế quản lý (không bao gồm tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước đang chờ điều chỉnh và tiền thuế nợ chờ xử lý, đang khiếu nại) tính đến thời điểm ngày 30.9 vừa qua là 82.961 tỉ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm 31.12.2017.
Trong đó, nhóm tiền nợ thuế có khả năng thu là 48.019 tỉ đồng, chiếm 57,9% tổng số tiền nợ thuế, tăng 15,1% so với thời điểm 31.12.2017.
Tiền nợ thuế không có khả năng thu là 34.942 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 42,1% tổng số tiền nợ thuế , tăng 11% so với thời điểm 31.12.2017.
Tiền nợ thuế đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh là 8.659 tỉ đồng, giảm 23,7% (tương ứng mức giảm 2.683 tỉ đồng) so với thời điểm 31.12.2017.
Tiền nợ thuế đang xử lý là 4.563 tỉ đồng, giảm 6,1% (tương ứng mức giảm 295 tỉ đồng) so với thời điểm 31.12.2017.
Tiền thuế nợ đang khiếu nại là 1.256 tỉ đồng tăng 3,4% (tương ứng mức 42 tỉ đồng) so với thời điểm 31.12.2017.
Ngành thuế cho biết, số nợ đọng thuế ở hầu hết các địa phương tăng so với thời điểm cuối năm 2017. Nguyên nhân khiến số nợ thuế tăng cao là sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, thiếu tích cực trong việc thu hồi nợ đọng thuế.
Bên cạnh đó, một số cục thuế, chi cục thuế chưa thực sự quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm, chưa thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý nợ, chưa chỉ đạo ráo riết, kịp thời và tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế... theo quy định của Luật Quản lý thuế, dẫn đến tình trạng nợ thuế trên địa bàn một số địa phương còn khá cao và kéo dài, ngày càng phức tạp, nhất là ở một số thành phố lớn.
Do đó, để giảm tỷ lệ nợ đọng thuế trong năm 2018 theo yêu cầu của chính phủ đối với Bộ Tài chính và ngành thuế là xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước, ngành thuế xác định một trong những giải pháp mang tính lâu dài là việc xây dựng cơ chế, chính sách pháp lý về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đồng bộ.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế, chi cục thuế phân công giao nhiệm vụ xử lý nợ đọng thuế, cụ thể: Cục thuế phân công, giao nhiệm vụ xử lý nợ đọng thuế cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân nợ thuế cho từng lãnh đạo cục thuế, lãnh đạo phòng, chi cục thuế và từng cán bộ tham gia quản lý nợ thuế, gắn trách nhiệm thực hiện xử lý nợ thuế với việc bình xét thi đua.
Định kỳ hàng tuần giao ban kiểm điểm, đánh giá, nắm bắt tình hình xử lý nợ thuế, áp dụng biện pháp cưỡng chế kịp thời. Trong đó, đối với các doanh nghiệp nợ thuế lớn trên địa bàn (kể cả các trường hợp đã ban hành quyết định cưỡng chế), cục thuế, chi cục thuế tổ chức phân công làm việc với từng doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết thì mời thêm thành viên Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ thuế làm việc để đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Theo đó, việc phân công đôn đốc thu nợ được thực hiện như sau:
Đối với nhóm nợ có khả năng thu: phương án do ngành thuế đưa ra chỉ rõ các giải pháp thực hiện khác nhau đối với 3 nhóm nợ đọng: (1) Thực hiện các biện pháp đôn đốc thu tiền thuế nợ; (2) Thực hiện các biện pháp cưỡng chế; (3) Thực hiện công khai thông tin người nộp thuế.
Ngoài ra, ngành thuế cũng đưa ra các giải pháp chi tiết đối với việc xử lý các khoản nợ thuế đang xử lý và các khoản tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh; rà soát phân loại tiền nợ thuế chính xác, đúng quy định; xử lý các khoản nợ thuế không còn khả năng thu ngân sách, phối hợp với các cơ quan chưc năng ở địa phương để xử lý nợ đọng thuế.
Tuyết Nhung