Mê hồn trận phân hữu cơ trên thị trường
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:30, 10/09/2024
Mê hồn trận phân hữu cơ trên thị trường
Để thực hiện đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở đồng bằng sông Cửu Long", cần có số lượng rất lớn phân hữu cơ để bón. Tuy nhiên, thực tế thị trường phân bón hữu cơ còn nhiều vấn đề cần bàn.
Khuynh hướng sử dụng phân hữu cơ
Phân hữu cơ là những loại phân chứa hợp chất dinh dưỡng với thành phần chính là chất hữu cơ. Loại phân này được sử dụng chủ yếu trong nông nghiệp với nguồn: Phân người hoặc động vật, chế phẩm từ lá cây, cành cây, tro, than bùn, rác thải…
Theo cố GS-TS Võ Tòng Xuân, phân hữu cơ là phân bón cổ điển, lâu đời nhất mà con người dùng để bón cho cây trồng, đồng ruộng. Tuy nhiên, khi có phân bón vô cơ xuất hiện thì phân hữu cơ bị đưa xuống hàng thứ yếu. Phân hữu cơ có tác dụng làm cho đất tơi xốp, rất tốt cho cây trồng, cây lúa. So với phân hóa học (vô cơ) thì phân hữu cơ làm cho cây tốt chậm hơn. Vì vậy, nền nông nghiệp hiện đại phần lớn đã lạm dụng phân vô cơ.
Cũng theo cố GS Xuân, bên cạnh những ưu điểm, phân bón hóa học tác hại lớn đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người vì những tác dụng phụ của nó. Chính vì thế, các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đang có xu hướng cổ vũ việc canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Với nguồn gốc như đã nêu, phân bón hữu cơ sẽ giúp đất màu mỡ hơn, độ tơi xốp được tăng lên nhờ đất được cung cấp chất mùn cùng với nhiều chất dinh dưỡng khác. Sử dụng phân bón hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường.
Một số loại phân hữu cơ truyền thống hiện nay xuất hiện nhiều trên thị trường là: phân trùn quế, phân chuồng, phân gà, phân xanh, than bùn… Nhìn chung các loại phân này đều tác động đối với cây trồng chậm, hàm lượng dinh dưỡng ít hơn các loại phân bón vô cơ và mất nhiều thời gian xử lý ban đầu hơn.
Đối với phân hữu cơ công nghiệp, đây là loại phân bón được chế biến bằng quy trình công nghiệp với các chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau. Phân bón được chế biến từ công nghệ cao sẽ có chất lượng tốt hơn. Một số loại phân bón hữu cơ công nghiệp là phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học. Nhiều loại phân hữu cơ có dạng lỏng, đậm đặc, dùng pha chế để phun vào lá, gọi là phân bón lá.
Thị trường phân bón hữu cơ ở ĐBSCL
Ông Trương Hùng, Chủ nhiệm HTX Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết HTX có 50ha lúa sản xuất theo đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL. Ông nói: “HTX canh tác sử dụng một lượng phân hữu cơ của cơ sở sản xuất hữu cơ Quế Lâm và phân bón hóa học NPK. Hiện nay HTX sản xuất theo hướng hữu cơ, nhưng chưa có đủ phân hữu cơ nên phải sử dụng một lượng vô cơ NPK nhất định".
Ở ĐBSCL có một số nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ như: Công ty Phân bón Trường Xuân (tỉnh Vĩnh Long), Công ty Phân bón lá hữu cơ (Phụng Hiệp. TP.Ngã Bảy), Công ty Phân bón hữu cơ ở Hậu Giang. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này có sản lượng và uy tín chưa vươn xa, chưa "phủ sóng" phân bón hữu cơ cho ĐBSCL.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho rằng: "Xu hướng sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là tất yếu. Đón gió thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ ra đời. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần lập lại trật tự trên thị trường hàng hóa mới nổi này. Tại huyện Chợ Lách hiện nay phân bón có nguồn gốc hữu cơ chiếm khoảng 30% trên thị trường phân bón".
Một số loại phân bón hữu cơ đang được phổ biến và dần chiếm lĩnh thị trường ĐBSCL. Trong các loại phân bón hữu cơ, có thể kể đến phân hữu cơ ép viên công nghệ ép viên Nhật Bản, phân hữu cơ đầu trâu Trichoderma, phân trùn quế viên nén, phân hữu cơ viên nén của Hàn Quốc (nhập khẩu), phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh, phân hữu cơ khoáng Con Cá, phân hữu cơ nhập khẩu từ Pháp, phân hữu cơ vi sinh Quả Cầu Lửa 007...
Thị trường phân bón nguồn gốc hữu cơ khá đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa vẫn là vấn đề nổi cộm. Người mua, người dùng không biết đâu là hàng chất lượng tốt, đâu là hàng chất lượng kém. Sự lẫn lộn vàng thau của phân hữu cơ trên thị trường hiện nay không chỉ gây khó khăn cho nông dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng lúa, đến quá trình thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở ĐBSCL.
Ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: "Hiện nay trên thị trường có đến hàng chục loại phân bón hữu cơ, sản phẩm sản xuất trong nước có, sản phẩm nhập khẩu cũng có. Tuy nhiên, để sử dụng phân bón hữu cơ cho những HTX và các địa phương, ngành nông nghiệp thường hướng nông dân sử dụng phân bón hữu cơ đã được Cục Trồng trọt cấp phép. Những sản phẩm phân bón hữu cơ chưa được kiểm định, cấp phép thì chúng tôi khuyến cáo nông dân không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng".