Cận cảnh nhà máy thép ‘chết yểu’ để lại cho ngân hàng đống sắt rỉ

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:26, 02/12/2018

Theo Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cơ quan chức năng đang kiểm kê tài sản của Nhà máy thép Vạn Lợi sau nhiều năm bỏ hoang, bị UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi dự án.
Sau nhiều năm bị bỏ hoang, các hạng mục máy móc, thiết bị đang thi công dở dang tại dự án Nhà máy thép Vạn Lợi bị xuống cấp, hư hỏng như những đống sắt rỉ

>> Liên quan đến Trần Bắc Hà: Cận cảnh siêu dự án nuôi bò hoang phế ở Hà Tĩnh

Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi do Công ty CP gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Hai cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Vạn Lợi (Ba Đình, Hà Nội) góp vốn 64% và Công ty đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Đống Đa, Hà Nội) góp 34%.

Dự án nhà máy thép Vạn Lợi có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, được xây dựng trên vùng đất rộng 25,8 ha tại khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Dự án này được triển khai theo hình thức các ngân hàng hùn vốn cho dự án với mức độ ngân hàng cho vay 85% (trên tổng mức đầu tư dự án) và chủ đầu tư chỉ 15%.

Nhà máy thép Vạn Lợi được xây dựng trên vùng đất rộng 25,8 ha tại khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

Theo chứng nhận đầu tư, trong giai đoạn 1 thực hiện dự án, có 3 ngân hàng tham gia cho Công ty gang thép Hà Tĩnh vay vốn và đã giải ngân gần 1.000 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hơn 600 tỉ đồng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gần 50 tỉ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 70 tỉ đồng.

Năm 2008, dự án Nhà máy thép Vạn Lợi được khởi công với công suất 500.000 tấn/năm. Theo cam kết của chủ đầu tư, tháng 8.2010, dự án sẽ cho ra thương phẩm đầu tiên, kết thúc giai đoạn 1 đầu tư.

Do trục trặc về nguồn lực tài chính của chủ đầu tư, việc thi công dự án nhà máy thép Vạn Lợi bị bỏ dở từ năm 2010.

Đến cuối năm 2010, vì nguồn lực tài chính, dự án này bị bỏ dở việc thi công. Tỉnh Hà Tĩnh rốt ráo tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn để dự án này triển khai tiếp. Thậm chí, tỉnh này còn đưa ra “tối hậu thư” là nếu dự án tiếp tục “đắp chiếu” thì sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Sau nhiều năm chủ đầu tư không có phương án khả thi, vào tháng 5.2015, tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận giấy phép đầu tư Nhà máy thép Vạn Lợi, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý việc thanh lý dự án, tháo dỡ máy móc, thiết bị.

Hiện tại, sau khi tòa án đã xét xử dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh đang phối hợp cùng một số cơ quan chức năng thực hiện kiểm kê tài sản của Nhà máy thép Vạn Lợi để bán đấu giá công khai theo quy định của pháp luật.

Để nắm thông tin về phương án thu hồi nợ của ngân hàng cho vay trong dự án này, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo VDB chi nhánh Hà Tĩnh nhưng được cho biết chi nhánh không có quyền phát ngôn với báo chí.

Còn phía chi nhánh Vietcombank và BIDV Hà Tĩnh đều cho biết họ chỉ là đơn vị đồng tài trợ, toàn bộ hồ sơ thẩm định đều ở bên VDB.

Một lãnh đạo chi nhánh BIDV Hà Tĩnh nói tài sản thế chấp vay vốn của chủ đầu tư để triển khai dự án Nhà máy thép Vạn Lợi là tài sản hình thành sau đầu tư. Như vậy có nghĩa là bây giờ tài sản thế chấp của chủ đầu tư chỉ còn là một đống sắt rỉ bị bỏ hoang.

Hình ảnh Nhà máy thép Vạn Lợi đang được cơ quan chức năng kiểm kê tài sản:

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.200 lao động địa phương nhưng từ năm 2010 công ty đã dừng việc thi công và bỏ hoang từ đó đến nay.

Nhà máy thép nghìn tỉ bị "đắp chiếu" nhiều năm đã trở thành những khối bê tông hoang phế và những đống sắt rỉ giữa um tùm cỏ lau.

Cả chủ đầu tư và ngân hàng cho vay vốn không khỏi xót xa khi nhìn hàng đống tài sản đã đầu tư trở thành sắt rỉ giữa trời.

Tài sản thế chấp vay vốn của chủ đầu tư để triển khai dự án nhà máy thép Vạn Lợi là tài sản hình thành sau đầu tư. Như vậy có nghĩa là bây giờ tài sản thế chấp của chủ đầu tư chỉ còn là một đống sắt rỉ bị bỏ hoang

Đây là tài sản của Công ty CP gang thép Hà Tĩnh mà cơ quan chức năng đang kiểm kê để thanh lý.

Ngân hàng cho vay sẽ thu hồi được bao nhiêu phần trăm số tiền đã giải ngân từ tài sản thế chấp là những đống sắt vụn này?

Bài, ảnh: Quang Cường - Hà Văn