Doanh nghiệp đề xuất cải tạo sông Tô Lịch để khai thác du lịch
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:17, 05/12/2018
Theo văn bản, trước đây, sông Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm. Tuy nhiên đến nay, do hệ thống nước thải của thành phố đổ về sông liên tục ngày càng nhiều nên sông ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
“Sau khi tham khảo một số con sông chảy qua thủ đô ở các nước trên thế giới như sông Seine ở Pháp hay sông Thames ở Anh và các thành phố khác ở châu Âu… thì việc cải tạo sông Tô Lịch là vấn đề bức thiết và vô cùng quan trọng”, văn bản nêu.
Theo đó, mục tiêu cải tạo là để giữ môi trường trong sạch cũng như vẻ đẹp của thủ đô, phát triển du lịch và cải thiện đời sống; giúp thủ đô văn minh, hiện đại và phát triển bền vững; thoát nước mưa, chống ngập; thu hút khách du lịch và khai thác du lịch; làm cho phong thủy thủ đô tốt hơn.
Theo đó, nhà đầu tư sẽ cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng (có tính đến phương án xử lý nước thải trong tương lai). Nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên.
Đồng thời, xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian, quỹ đất. Trồng cây và các vật liệu kiến trúc mang đến cho thành phố vẻ đẹp đặc sắc văn hóa riêng, phù hợp với phong thủy như vốn có trước đây.
Nạo vét đáy sông tạo dòng chảy tự nhiên đảm bảo nguồn nước sạch cho các sinh vật sinh sống. Kết nối với sông Hồng và một số hồ hiện có như Hồ Tây… tạo thành hệ thống sông - hồ hài hòa (giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối với sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và các sông khác xung quanh để thoát nước mưa và chống ngập cho thành phố).
Xây dựng hệ thống du lịch sông Tô Lịch, bao gồm du lịch đường sông và các quán cafe nổi trên sông để cho nhà đầu tư khai thác một thời gian. Phương Bắc xin tham gia đầu tư hệ thống quán cafe nổi trên sông.
Do đó, Phương Bắc đề nghị UBND Thành phố Hà Nội đồng ý chủ trương cho cải tạo lại sông Tô Lịch.
Hình thức đầu tư là đối tác công tư (PPP), kết hợp giữa xây dựng – chuyển giao (BT) và xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT). Cụ thể, hình thức BT: UBND TP Hà Nội sẽ thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư. Hình thức BOT: Nhà đầu tư sẽ đầu tư để kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch. Cùng với đó là ưu đãi một số loại thuế cho doanh nghiệp.
Nguồn vốn một phần vốn đối ứng của UBND TP Hà Nội và vốn của nhà đầu tư (bao gồm vốn tự có, vốn vay và các nguồn vốn huy động từ quỹ đầu tư khác).
Lam Thanh