Israel - Hamas chấp thuận tạm ngừng bắn để tạo điều kiện triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em

Chuyển động - Ngày đăng : 10:11, 30/08/2024

The Times of India dẫn lời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo: Quân đội Israel và nhóm Hamas vừa đạt thỏa thuận ngừng bắn 3 đợt riêng biệt - mỗi đợt kéo dài 3 ngày - để tạo điều kiện triển khai chiến dịch tiêm vắc xin bại liệt cho khoảng 640.000 trẻ em tại Dải Gaza.
Chuyển động

Israel - Hamas chấp thuận tạm ngừng bắn để tạo điều kiện triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em

Cẩm Bình 30/08/2024 10:11

The Times of India dẫn lời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo: Quân đội Israel và nhóm Hamas vừa đạt thỏa thuận ngừng bắn 3 đợt riêng biệt - mỗi đợt kéo dài 3 ngày - để tạo điều kiện triển khai chiến dịch tiêm vắc xin bại liệt cho khoảng 640.000 trẻ em tại Dải Gaza.

Đợt ngừng bắn đầu tiên dự kiến bắt đầu vào ngày 1.9, từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều mỗi ngày trên địa bàn miền Trung Gaza. Sau đó, miền Bắc và Nam cũng có 1 đợt ngừng bắn tương tự, nếu cần thiết, lệnh tạm dừng giao tranh có thể gia hạn thêm 1 ngày.

screenshot-2024-08-30-084530.png
Trẻ em Gaza sắp được tiêm vắc xin bại liệt - Ảnh: CNN

Thỏa thuận trên đạt được khi WHO ghi nhận ca bại liệt đầu tiên ở Gaza sau 25 năm (một trẻ 10 tháng tuổi). Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chuẩn bị nhóm họp để tìm cách giải quyết các quan ngại về tình hình nhân đạo tại vùng lãnh thổ này.

COGAT - cơ quan nhân đạo trực thuộc quân đội Israel - đảm bảo chiến dịch tiêm chủng sẽ được phối hợp với nỗ lực quân sự nhằm đảm bảo vắc xin đến được các cơ sở y tế. Tuy nhiên Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh đây không phải ngừng bắn hoàn toàn.

Hamas tỏ rõ sự ủng hộ dành cho chiến dịch tiêm chủng. Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình bệnh bại liệt bùng phát. WHO có kế hoạch cung cấp vắc xin dạng uống bảo vệ trẻ dưới 5 tuổi – nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

Bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ dưới 5 tuổi, có thể gây ra khuyết tật không thể hồi phục hay thậm chí tử vong. WHO xác định bệnh rất dễ lây lan và không có cách chữa trị, nhưng có thể phòng ngừa bằng vắc xin.

Để phòng ngừa, Israel đã tiêm chủng cho lực lượng tham gia hoạt động quân sự ở Gaza. Nhiều trẻ em tại vùng lãnh thổ này lại không được may mắn như vậy.

Trước khi giao tranh nổ ra, Gaza đạt được tỷ lệ tiêm chủng gần như 100%. Giờ đây, xung đột khiến tỷ lệ tiêm chủng giảm còn 80%. WHO khuyến nghị mức bao phủ vắc xin cần đạt hơn 90% mới an toàn.

Cẩm Bình