Hơn 41.500 đơn vị sự nghiệp vẫn sống dựa vào ngân sách

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:38, 18/10/2018

Cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập với tổng biên chế khoảng 2,4 triệu viên chức, trong đó có 41.539 đơn vị do ngân sách nhà nước nuôi.
Cả nước hiện có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập - Ảnh: Internet

Theo nội dung dự thảo Đề cương Nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Bộ Tài chính mới công bố thì hiện trên phạm vi cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập (chưa tính tổ chức và biên chế sự nghiệp trong quân đội, công an và khu vực doanh nghiệp nhà nước). Trong đó, khối do Chính phủ quản lý có 57.170 đơn vị với 2.425.665 người.

Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Trong đó, khối đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Chính phủ quản lý có 41.310 đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo (chiếm 72,26%); 605 đơn vị sự nghiệp dạy nghề (chiếm 1,06%); 6.134 đơn vị sự nghiệp y tế (chiếm 10,73%); 454 đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ (chiếm 0,79%); 1.774 đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch (chiếm 3,1%); 654 đơn vị sự nghiêp báo chí, xuất bản (chiếm 14,14%) và 6.239 đơn vị sự nghiệp khác (chiếm 10,92%).

Đánh giá về tình hình tự chủ tài chính trong khối đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quản lý hiện nay, Bộ Tài chính cho biết có 109 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (chiếm 0,19%); 1.878 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (chiếm 3,33%); 12.841 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (chiếm 22,78%) và có đến 41.539 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ (chiếm 73,7%).

Những con số trên cho thấy hiện việc triển khai lộ trình tính đủ chi phí trong giá dịch vụ sự nghiệp công lập còn khó khăn. Cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách về cơ bản vẫn thực hiện theo yếu tố đầu vào và theo biên chế; đầu tư phân tán, dàn trải chưa gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; việc sử dụng tài sản công còn phân tán, lãng phí, hiệu quả thấp.

Mặc dù đã có nhiều chính sách nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp nhưng việc thực hiện còn hạn chế, kết quả đạt được thấp và thiếu vững chắc.

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính cho rằng Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg, việc quy định đối tượng chuyển đổi thành công ty cổ phần vẫn chưa bao quát hết tất cả đối tượng đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể là chưa đề cập đến các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập.

Do đó, cơ quan này đề xuất bổ sung các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập là các bệnh viện và trường học là cơ sở giáo dục đào tạo sẽ thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học.

Đơn vị sự nghiệp công lập là bệnh viện, trường học trực thuộc các bộ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty TNHH MTV độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa có kế hoạch cổ phần hóa, trong giai đoạn đến năm 2021 sẽ chưa chuyển các đơn vị này thành công ty cổ phần.

Mục đích nhằm đẩy mạnh hoạt động các đơn vị này theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán kế toán theo quy định của các chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao.

Với các đơn vị sự nghiệp công lập là bệnh viện, trường học trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty TNHH MTV độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã có kế hoạch cổ phần hóa thì sẽ được cổ phần hóa cùng công ty mẹ tập đoàn kinh tế, công ty mẹ tổng công ty nhà nước, công ty TNHH MTV độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ từng phân tích: Cứ một đơn vị sự nghiệp công lập lại có 100 con người mà tự chủ được hoàn toàn là giảm được ngay 100 biên chế, đồng thời tạo điều kiện thu hút vài trăm lao động. Tự quyết định về tài chính sẽ quyết định được tổ chức bộ máy và biên chế, giảm gánh nặng cho Nhà nước, tạo điều kiện thu hút lao động xã hội cho nên cần từng bước xóa bao cấp đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Đánh giá tác động của đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng về mặt tích cực sẽ tạo cơ sở pháp lý để các đối tượng là đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện được phép chuyển thành công ty cổ phần, bao gồm cả các đối tượng được bổ sung.

Cùng với đó, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhiều đối tượng khác nhau được chuyển đổi thành công ty cổ phần giúp đẩy mạnh việc xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập, thu hút vốn đầu tư của các đối tượng trong xã hội để phát triển các dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện thu nhập và đời sống cho lao động của các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

Về mặt hạn chế, Bộ Tài chính nhận định, các đơn vị sự nghiệp là trường học, bệnh viện thuộc các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện không thuộc đối tượng chuyển đổi. Tuy nhiên, việc chưa thực hiện chuyển đổi các đối tượng đơn vị sự nghiệp này thành công ty cổ phần chỉ quy định đến năm 2021. Mặc dù chưa chuyển các đơn vị này thành công ty cổ phần nhưng sẽ đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán kế toán như quy định của các chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp.

Tuyết Nhung