Mẹ dùng chai nhựa là nguyên nhân khiến con mắc chứng tự kỷ?
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 14:55, 12/08/2024
Mẹ dùng chai nhựa là nguyên nhân khiến con mắc chứng tự kỷ?
Theo Elisa Hill-Yardin, Giáo sư và Trưởng phòng Thí nghiệm Trục não-ruột, Đại học RMIT thì chai nhựa có thể là nguyên nhân gián tiếp gây ra chứng tự kỷ.
Một nghiên cứu gần đây đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông về vai trò của nhựa trong việc phát triển chứng bệnh tự kỷ.
Đặc biệt, nghiên cứu tập trung vào việc tiếp xúc với một thành phần của nhựa cứng là bisphenol A hay BPA trong tử cung và nguy cơ trẻ trai mắc chứng rối loạn phát triển thần kinh.
Nghiên cứu không cho thấy nhựa có chứa BPA gây ra chứng tự kỷ. Nhưng nghiên cứu cho thấy BPA có thể đóng vai trò trong nồng độ estrogen ở trẻ sơ sinh và trẻ trai trong độ tuổi đi học, từ đó có thể ảnh hưởng đến khả năng được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ của trẻ.
BPA là gì?
Bisphenol A (BPA) là một hợp chất tổng hợp hữu cơ có công thức hóa học (CH3)2C(C6H4OH)2 thuộc nhóm các dẫn xuất của diphenylmethane và bisphenol, với hai nhóm hydroxyphenyl. BPA là nguyên liệu ban đầu để tổng hợp chất dẻo, chủ yếu là một số polycarbonat và nhựa epoxy, cũng như một số polysulfone và các vật liệu thích hợp nhất định. Nhựa sử dụng trên BPA chắc chắn và dai, và được sản xuất thành nhiều loại hàng tiêu dùng phổ biến, như chai nhựa, dụng cụ thể thao, đĩa CD và DVD. Trong năm 2015, ước tính có khoảng 4 triệu tấn hóa chất BPA được sản xuất để sản xuất nhựa polycarbonate, khiến nó trở thành một trong những hóa chất được sản xuất nhiều nhất trên toàn thế giới.
BPA là một thành phần của nhựa cứng đã được sử dụng trong vài thập niên qua. Vì BPA có trong nhựa dùng để đựng thực phẩm và một số đồ uống nên nhiều người tiếp xúc với BPA ở mức độ thấp mỗi ngày. BPA có thể làm yếu tác động của hormone estrogen trong cơ thể chúng ta.
Mặc dù tác động này yếu, nhưng vẫn có những lo ngại về sức khỏe vì chúng ta tiếp xúc với đồ nhựa trong suốt cuộc đời. Một số quốc gia đã cấm BPA trong bình sữa trẻ em, như một biện pháp phòng ngừa; Úc đang tự nguyện loại bỏ BPA trong bình sữa trẻ em.
Tự kỷ là gì và nguyên nhân gây ra bệnh là gì?
Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh được chẩn đoán dựa trên những khó khăn trong giao tiếp xã hội. Những người mắc chứng tự kỷ có thể gặp các vấn đề khác như co giật, khó khăn trong phối hợp vận động phức tạp, chẳng hạn như cầm bút chì hoặc vặn chìa khóa để mở cửa, lo lắng, các vấn đề về cảm giác, vấn đề về giấc ngủ cũng như rối loạn đường ruột...
Có nhiều mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này, vì vậy những người mắc chứng tự kỷ trải nghiệm cuộc sống hằng ngày theo những cách rất khác nhau.
Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu đều mô tả những người tự kỷ vẫn có thể tương tác rất tốt trong cộng đồng và trên thực tế có khả năng thể hiện các kỹ năng nổi bật trong một số lĩnh vực nhất định. Nhưng có một khoảng trống lớn trong kiến thức của chúng ta về số lượng lớn những người mắc chứng tự kỷ nghiêm trọng, những người cần được chăm sóc 24 giờ.
Có một ảnh hưởng mạnh mẽ của di truyền đối với chứng tự kỷ với hơn 1.000 gien liên quan đến nó. Nhưng chúng ta không biết nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ trong hầu hết các trường hợp. Có một số lý do giải thích cho điều này.
Trước hết, việc thực hiện giải trình tự gien chi tiết cho trẻ tự kỷ không được thực hiện một cách hoàn chỉnh vì điều này rất phức tạp. Mặc dù rõ ràng có một số gien riêng lẻ chịu trách nhiệm cho một số loại tự kỷ nhất định, nhưng chứng tự kỷ thường có thể là kết quả của sự tương tác phức tạp của nhiều gien, rất khó phát hiện, ngay cả trong các nghiên cứu quy mô lớn.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường cũng có thể góp phần gây ra chứng tự kỷ. Ví dụ, một số loại thuốc chống co giật không còn được kê đơn cho phụ nữ mang thai do chúng làm tăng nguy cơ trẻ em mắc các rối loạn phát triển thần kinh, trong đó có tự kỷ.
Nghiên cứu mới nhất này xem xét một yếu tố môi trường khác có thể xảy ra: tiếp xúc với BPA trong tử cung. Nghiên cứu được tách làm một số phần, gồm các nghiên cứu trên người và chuột.
Họ đã tìm thấy gì ở người?
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát một nhóm gồm 1.074 trẻ em Úc; khoảng một nửa là bé trai. Họ phát hiện ra 43 trẻ em (29 bé trai và 14 bé gái) được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ ở độ tuổi từ 7 đến 11 (trung bình là 9 tuổi).
Họ đã thu thập nước tiểu từ 847 bà mẹ vào cuối thai kỳ và đo lượng BPA. Sau đó, họ tập trung phân tích vào các mẫu có mức BPA cao nhất.
Họ cũng đo các thay đổi gien bằng cách phân tích máu từ dây rốn khi sinh. Điều này nhằm kiểm tra hoạt động của enzyme aromatase, có liên quan đến nồng độ estrogen. Trẻ em có những thay đổi gien có thể biểu hiện mức estrogen thấp hơn được phân loại là có "hoạt động aromatase thấp".
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa mức BPA cao ở mẹ và nguy cơ mắc chứng tự kỷ cao hơn ở những bé trai có hoạt động aromatase thấp.
Riêng các bé gái, có quá ít bé được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cộng với mức aromatase thấp để phân tích. Vì vậy, kết luận của họ chỉ giới hạn ở bé trai.
Họ đã thấy gì ở chuột?
Nhóm nghiên cứu cũng đã nghiên cứu tác động của việc bào thai chuột tiếp xúc với BPA trong tử cung. Ở những con được tiếp xúc với BPA theo cách này, sau đó có hành vi chải chuốt tăng lên (được cho là biểu thị hành vi lặp đi lặp lại – dấu hiệu của tự kỷ) và hành vi tương tác xã hội giảm.
Nhóm nghiên cứu cũng thấy những thay đổi ở vùng hạnh nhân của não ở chuột được cho tiếp xúc với BPA. Vùng não này rất quan trọng để xử lý các tương tác xã hội.Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nồng độ BPA cao có thể làm giảm enzyme aromatase để thay đổi quá trình sản xuất estrogen và thay đổi cách các tế bào thần kinh trong não chuột phát triển.
Tất nhiên, chúng ta nên thận trọng về những kết quả trên chuột này vì một số lý do. Chẳng hạn như chúng ta không thể cho rằng hành vi của chuột có thể chuyển trực tiếp sang hành vi của con người
Ngoài ra, không phải tất cả chuột đều được tiếp xúc BPA theo cùng một phương pháp – một số được tiêm dưới da, những con khác ăn BPA trong thạch có đường. Điều này có thể ảnh hưởng đến mức BPA mà chuột thực sự hấp thụ hoặc cách nó được chuyển hóa
Cũng phải nói thêm rằng, liều dùng cho chuột trong thí nghiệm hằng ngày (50 microgam trên kilôgam) cao hơn mức mà người dân Úc tiếp xúc và cũng cao hơn nhiều so với mức được tìm thấy trong nước tiểu của các thai phụ trong nghiên cứu.
Thông điệp rút ra là gì?
Việc tìm ra mối liên hệ giữa hai yếu tố - trong trường hợp này là tiếp xúc với BPA trong tử cung và chứng tự kỷ - không có nghĩa là BPA có tác động trực tiếp đến chứng tự kỷ của trẻ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu dựa trên nghiên cứu trên chuột, đã đưa ra vấn đề rằng mức BPA cao có thể làm giảm enzyme aromatase để thay đổi quá trình sản xuất estrogen và thay đổi cách các tế bào thần kinh trong não chuột phát triển.
Chúng ta đã tìm ra nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ chưa? Chỉ dựa trên nghiên cứu này thì chưa. Không phải tất cả trẻ sơ sinh của những bà mẹ có BPA trong nước tiểu đều mắc chứng tự kỷ. Vì vậy, việc tiếp xúc với những loại nhựa này không đủ để kết luận chúng là tác nhân gây ra chứng tự kỷ. Có thể có một loạt các yếu tố, gồm cả di truyền, góp phần gây ra chứng tự kỷ.
Tuy nhiên, nghiên cứu này gợi ý rằng có thể có sự tương tác giữa gien với môi trường. Điều đó có thể trẻ sơ sinh có một số biến thể gien nhất định dễ bị ảnh hưởng bởi BPA hơn và có nguy cơ mắc chứng tự kỷ cao hơn. Nhưng một lần nữa, chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ vấn đề.
Điều quan trọng là phải hiểu rằng có nhiều tác nhân khác có thể gây ra chứng tự kỷ. Chơ đến giờ, chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ ở hầu hết các trường hợp. Tuy vậy, phòng tránh bất kỳ nguy cơ nào cũng tốt hơn là không làm gì.