Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khuyến khích nông dân canh tác nông nghiệp xanh giảm phát thải

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 22:25, 09/08/2024

Chiều 9.8, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các lãnh đạo tỉnh, Sở NN-PTNT khảo sát tình hình thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” tại huyện Long Phú.
Bảo vệ môi trường

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khuyến khích nông dân canh tác nông nghiệp xanh giảm phát thải

Lương Xuân Cao {Ngày xuất bản}

Chiều 9.8, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các lãnh đạo tỉnh, Sở NN-PTNT khảo sát tình hình thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” tại huyện Long Phú.

cao-1.jpg
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khảo sát vùng lúa chất lượng cao, giảm phát thải - Ảnh: C.X.L

Đoàn đã khảo sát thực tế tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức. Đây là HTX thực hiện thí điểm trong Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao). Mô hình được thực hiện với diện tích 50ha; giống lúa được chọn canh tác là ST25; có 46 hộ tham gia, thực hiện liên tục trong 3 vụ hè - thu 2024, đông - xuân 2024-2025 và hè - thu 2025. Mô hình được xuống giống từ ngày 20 - 24.5 bằng hình thức sạ hàng (hàng biên và hàng đều) và sạ cụm có bón vùi phân theo quy trình của Cục trồng trọt. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn trổ đòng, phát triển tốt.

cao-2.jpg
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thăm mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải - Ảnh: L.X.C

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, đây là mô hình thí điểm, rút kinh nghiệm trong Đề án, hiện các diện tích trà lúa đang phát triển tốt và đầy triển vọng. Ông cũng đề nghị, thời gian tới, khi thực hiện tại các địa phương, Đề án triển khai phải chuyên nghiệp và bài bản hơn, đặc biệt khâu tổ chức sản xuất phải khoa học, quản trị phải hiệu quả.

Ông Lâu cũng lưu ý các địa phương phải rà soát, quan tâm về hạ tầng giao thông, thủy lợi, đặc biệt các công trình phải tránh xung đột với quy hoạch của tỉnh, để mang tính bền vững lâu dài. Ngoài ra, Sở NN-PTNT tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa phương, đồng ruộng hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho HTX, nông dân trực tiếp trồng lúa… để hướng tới việc sản xuất phải thực sự chuyên nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng đến mục tiêu tạo ra giá trị mới, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.

cao-3.jpg
Vùng lúa của HTX Nông nghiệp Hưng Lợi - Ảnh: L.X.C

"Mô hình này là thí điểm ở cấp tỉnh, các địa phương cũng phải làm mô hình thí điểm ở huyện. Mỗi huyện nên làm ít nhất từ 1 - 3 mô hình để thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu suất, so sánh giữa sản xuất trồng lúa chuyên canh chất lượng cao với sản xuất truyền thống, xem lại các mặt về giá trị, giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, lượng nước, thất thoát sau thu hoạch, giá thành và ô nhiễm môi trường như thế nào… để thấy cái nào hiệu quả, có lợi cho người nông dân thì nên khuyến khích nông dân làm", ông Trần Văn Lâu nhấn mạnh.

Dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đã trao tặng quà cho HTX nông nghiệp Hưng Lợi, là đơn vị thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại tỉnh Sóc Trăng, nhằm động viên, khích lệ HTX tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới.

Lương Xuân Cao