Ngân sách nhiều địa phương còn phụ thuộc vào bán tài sản công
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:30, 15/10/2018
Theo báo cáo, mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) hiện ở mức thấp nhất trong 3 năm gần đây, tiến độ thu khá hơn so với chi. Lũy kế đến 30.9.2018, thu NSNN ước đạt 962,5 nghìn tỉ đồng, bằng 73% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017 trong khi chi NSNN ước đạt 989,2 nghìn tỉ đồng, bằng 64,9% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm trước.
Mức thu NSNN đạt khá chủ yếu do nguồn thu từ dầu thô tăng mạnh (đạt 134% dự toán, tăng 42,5% so với cùng kỳ) nhờ giá và sản lượng tăng. Giá dầu thô thanh toán bình quân 9 tháng đạt 73,5 USD/thùng, tăng 23,5 USD/thùng so với giá dự toán trong khi sản lượng khai thác dầu 9 tháng ước đạt 9,3 triệu tấn, bằng 82% kế hoạch.
Dự báo giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng cao trong 3 năm tới và có thể đạt ngưỡng 180 USD/thùng (giá dầu thô cuối năm 2018 đạt hơn 73 USD/thùng và tăng bình quân 25-30% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2020) sẽ hỗ trợ tích cực cho nguồn thu từ dầu thô trong 3 năm tới.
Một lý do khác là nguồn thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu (đạt 82% dự toán, tăng 3,2% so cùng kỳ 2017) tích cực do hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc chủ yếu do tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng điện thoại của công ty Samsung và tăng giá - sản lượng mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Tính đến 30.9.2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 352,4 tỉ USD, xuất siêu 5,39 tỉ USD. Ước tính cả năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 475 tỉ USD, xuất siêu 1 tỉ USD sẽ tiếp tục là nhân tố hỗ trợ tích cực tới thu hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.
Ủy ban Giám sát tài chính cũng lưu ý, cấu trúc thu NSNN chưa thực sự bền vững, còn phụ thuộc ở những mức độ nhất định vào khoản thu không bền vững như thu từ dầu thô.
Trong ngắn hạn, thu từ dầu thô bị ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới và sản lượng khai thác, do đó sự biến động giá dầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp tới thu từ dầu thô trong những năm qua, từ đó gây tác động không nhỏ lên thu NSNN. Trong dài hạn, thu dầu thô cũng không bền vững do giới hạn về trữ lượng khai thác.
Tăng thu nội địa chủ yếu đến từ các khoản thu có tính bền vững không cao như thu từ nhà, đất trong khi các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt thấp so dự toán.
Tính đến hết tháng 9.2018, các khoản thu về nhà, đất đạt 104,4% dự toán; thu từ khu vực DNNN đạt 65,3% dự toán, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,8% dự toán, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 68,7% dự toán.
Thu NSNN ở nhiều địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công, trong đó đặc biệt là bán quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt mức dự toán thấp (50,2% dự toán). Do đó, theo ủy ban này, cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nghiên cứu cắt giảm thuế suất thuế thu nhập DNVVN kết hợp mở rộng cơ sở thuế để từ đó tăng cường nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào các khoản thu kém bền vững.
Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác cổ phần hoá DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quyết liệt thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 3.8.2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Cũng theo cơ quan này, việc phát hành trái phiếu chính phủ chậm so với kế hoạch. Lũy kế đến 30.9.2018, huy động trái phiếu Chính phủ đạt gần 122 nghìn tỉ đồng, hoàn thành 61% kế hoạch năm (thấp hơn nhiều so với mức 90,45% của cùng kỳ 2017).
Tỷ lệ trúng thầu tuy có tăng trong tháng 9.2018 (đạt 63,3% là mức cao nhất trong 6 tháng gần đây) nhưng chủ yếu do mức gọi thầu điều chỉnh giảm (tháng 9.2018 ở mức 24,8 nghìn tỉ đồng là mức thấp nhất trong vòng 5 tháng gần đây).
Kho bạc Nhà nước đã chủ động giãn tiến độ phát hành trái phiếu chính phủ để phù hợp với tiến độ giải ngân chậm từ vốn huy động trái phiếu Chính phủ.
Lam Thanh - Tuyết Nhung