PGS Đinh Trọng Thịnh: ‘Thuế bảo vệ môi trường sẽ còn tăng nhiều lần nữa’
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:40, 02/10/2018
Trước sau gì cũng phải tăng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ là 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay. Dầu hỏa sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít từ đầu năm 2019, tăng 700 đồng so với hiện nay. Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng tăng lên 2.000 đồng/lít, từ mức 900 đồng hiện hành.
Điều này khiến dư luận khá bất ngờ vì trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) báo cáo về việc xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Như thế, ít nhất đến hết năm 2019, trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ chưa được xem xét đến.
Lý giải điều này với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chắc chắn phải diễn ra, tuy nhiên, thời điểm tăng thì cần tính toán thời điểm hợp lý để hạn chế thấp nhất những tác động có thể xảy ra.
“Nhiều người cho rằng việc tăng thuế thời điểm này do lạm phát, nhưng tôi nghĩ cũng chưa hoàn toàn như vậy”.
Theo ông Thịnh, so sánh với thuế bảo vệ môi trường chung của các nước trên thế giới thì mức thuế của Việt Nam khá thấp. Việc tăng thuế thì trước sau gì cũng phải làm và việc cải cách hệ thống thuế không thể dừng được.
“Nhiều người dân khi nói đến tăng thuế thì tâm lý chắc chắn sẽ không thích, điều đó là dễ hiểu, nhưng nếu không tăng thuế thì không thể giải quyết được những vấn đề khác”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh nêu, từ khi xem xét tăng thuế đến nay, áp lực về lạm phát rất cao, nên các loại tăng thuế, phí thì cơ quan chức năng đều cố gắng không tăng trong giai đoạn cuối năm nay.
Tuy nhiên, với thuế bảo vệ môi trường trước sau gì cũng phải tăng, nên nếu tăng vào 1.1.2019 thì hầu hết các doanh nghiệp đều có tích trữ trong cuối năm âm lịch. Các khâu chuẩn bị cho sản xuất, kinh doanh đã ổn định. Các loại hàng hóa cũng sẽ có tăng giá do nhu cầu của cuối năm do thông lệ nên mức tăng của thuế xăng dầu sẽ nằm trong mức tăng chung, áp lực đối với lạm phát sẽ không cao như ở dịp khác.
Ông Thịnh đồng tình rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường thì khiến hàng hóa sẽ tăng giá vì nó ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển của các ngành kinh tế. Do đó, Chính phủ mong muốn việc tăng vào cuối năm không gây nên mức tăng thái quá, gây tác động lớn đến nền kinh tế.
“Việc cải cách thuế nói chung và tăng thuế môi trường chắc chắn là chưa dừng ở mức này, rồi sẽ còn tăng nữa. Ví dụ như hiện nay, các DNVVN của Việt Nam đang có thuế suất bằng các doanh nghiệp lớn. Chúng ta đang muốn đưa mức thuế của DNVVN xuống, nhưng nếu đưa mức này xuống thì phải có nguồn khác bù đắp, miễn sao phù hợp với thông lệ thế giới”, ông Thịnh nói.
Không phải thời gian thích hợp để tăng thuế
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đây không phải là thời gian thích hợp để tăng thuế môi trường với xăng dầu, vì sẽ khiến giá cả các mặt hàng đều tăng theo. Việc này khiến chi phí và giá sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam trở nên đắt đỏ, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường.
“Thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu là mặt hàng dễ thu nhất, đây là lựa chọn dễ dàng nhất để tăng thu ngân sách. Hơn nữa, việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì phải sử dụng vào đúng mục đích bảo vệ môi trường chứ cứ hòa cả vào ngân sách thì cũng chẳng chi bao nhiêu cho môi trường”, ông Doanh nói.
Cũng theo chuyên gia này, hiện ngân sách đang căng thẳng nhưng điều quan trọng là không chỉ nghĩ đến thu mà phải nghĩ đến nhiều hơn đến vấn đề chi để cân bằng lại. Theo đó, thay vì chỉ tập trung vào tăng thuế xăng dầu - một cách dễ làm nhất, thì Bộ nên có biện pháp mở rộng thu khác, tái cơ cấu thu - chi xăng dầu, bởi trong tái cơ cấu, không chỉ có tăng thu mà giảm chi nhiều khoản.
Ông Doanh nêu, việc chi thường xuyên đã chiếm tới 70% tổng chi, tại sao không cắt giảm các khoản chi thường xuyên, cắt các khoản chi lãng phí, không cần thiết để bù vào khoản ngân sách thiếu hụt mà lại tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu?
Mới đây, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nên cân nhắc về thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Theo Thứ trưởng Hải, thời điểm trên sẽ rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu, tác động tới điều hành CPI của năm 2019. Do đó, Thứ trưởng Hải kiến nghị cần thực hiện tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào thời điểm khác thích hợp.
Cũng tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo giá hồi tháng 7, chính Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu vấn đề này và đề nghị chưa tăng ngay thuế bảo vệ môi trường với xăng. Với chỉ tiêu lạm phát năm 2019 được dự kiến là 4%, ông Hải dự báo việc tăng giá cả hàng hóa ngay từ đầu năm 2019 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc thì chỉ tiêu lạm phát này sẽ khó được bảo đảm.
Lam Thanh