Số người siêu giàu: Mỹ tăng mạnh, Trung Quốc giảm hai năm liền, châu Á có thể vượt châu Âu trong tương lai

Thế giới gia đình - Ngày đăng : 19:15, 24/07/2024

Số lượng người siêu giàu (những cá nhân có giá trị tài sản ròng trên 30 triệu USD) ở Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp vào 2023 do nền kinh tế trì trệ và thị trường bất động sản suy thoái sâu rộng, theo báo cáo từ công ty tư vấn Altrata có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ).
Thế giới gia đình

Số người siêu giàu: Mỹ tăng mạnh, Trung Quốc giảm hai năm liền, châu Á có thể vượt châu Âu trong tương lai

Sơn Vân24/07/2024 19:15

Số lượng người siêu giàu (những cá nhân có giá trị tài sản ròng trên 30 triệu USD) ở Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp vào 2023 do nền kinh tế trì trệ và thị trường bất động sản suy thoái sâu rộng, theo báo cáo từ công ty tư vấn Altrata có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ).

Báo cáo World Ultra Wealth Report 2024 của Altrata dự đoán rằng sự bùng nổ tạo ra nhiều cá nhân siêu giàu ở châu Á đang dần suy yếu. Song trong dài hạn, châu Á có thể vượt qua châu Âu để trở thành khu vực có dân số giàu có lớn thứ hai.

Hiện tại, Trung Quốc có 46.060 cá nhân siêu giàu với tổng tài sản đạt 5.200 tỉ USD, giảm so với con số 47.190 trong năm 2022 khi tổng tài sản là 5.300 tỉ USD.

Hồng Kông (đặc khu hành chính thuộcTrung Quốc) cũng ghi nhận sự giảm nhẹ số người siêu giàu. Số người siêu giàu của Hồng Kông đã giảm 0,4% xuống còn 12.545 người, với tổng tài sản đạt 1.480 tỉ USD, theo Altrata.

Công ty tư vấn Mỹ cho biết Hồng Kông cho thấy một sự tương phản rõ rệt so với các thành phố siêu giàu hàng đầu khác. Thế nhưng, Altrata cho rằng Hồng Kông sẽ vẫn là trung tâm quyền lực khu vực châu Á nhờ vào vị thế không thể so sánh được của mình như điểm kết nối cho dòng tài chính giữa Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu.

so-luong-nguoi-sieu-giau-o-trung-quoc-giam-hai-nam-lien-nhung-van-nhieu-hon-my.jpg
Theo báo cáo của Altrata, Hồng Kông đã ghi nhận sự sụt giảm về số lượng người siêu giàu - Ảnh: Shutterstock

Phát hiện mới nhất từ Altrata phần lớn tương tự báo cáo vào tháng 1 từ Hurun, cho biết Mỹ đã thêm 109 tỉ phú vào dân số của mình, nâng tổng số lên 800, trong khi ở Trung Quốc giảm 155 tỉ phú nhưng vẫn là quốc gia có số lượng cá nhân như vậy nhiều nhất thế giới (814).

Hurun là công ty nghiên cứu, truyền thông và đầu tư tư nhân được thành lập vào năm 1999 tại Anh. Hurun chuyên tạo ra các danh sách và báo cáo chất lượng cao về các cá nhân và tổ chức giàu có, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Sản phẩm nổi tiếng nhất của Hurun là Bảng xếp hạng Người giàu Hurun (Hurun Rich List), được phát hành lần đầu tiên vào năm 1999. Bảng xếp hạng này liệt kê những cá nhân giàu có nhất ở Trung Quốc và được coi là một nguồn thông tin uy tín về sự giàu có cũng như đầu tư ở nước này.

Báo cáo của Altrata cho thấy số lượng người siêu giàu ở Mỹ tăng lên 147.950 trong năm 2023 từ 121.465 vào 2022. Họ tích lũy khối tài sản trị giá 17.150 tỉ USD trong 2023, tăng 28% so với 2022.

Việc gia tăng số lượng này là nhờ hiệu suất tốt của thị trường chứng khoán Mỹ năm qua, với cả ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng trưởng hai con số, từng trải qua các chuỗi 8 tuần tăng giá liên tục, khoảng thời gian tăng dài nhất từ 2017.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc năm 2023 với vốn hóa hơn 40.000 tỉ USD, chiếm 40% quy mô toàn cầu.

Chỉ số Dow Jones là chỉ số quan trọng trên thị trường chứng khoán Mỹ, được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Biến động của Dow Jones thường được báo chí và các nhà đầu tư theo dõi sát sao.

Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones chỉ bao gồm 30 công ty nên chỉ phản ánh một phần nhỏ của thị trường chứng khoán Mỹ.

S&P 500 là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng và phổ biến nhất ở Mỹ. Nó được xem là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất về hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ.

S&P 500 gồm 500 công ty lớn nhất và có vốn hóa thị trường lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ, đến từ nhiều ngành khác nhau, gồm cả công nghiệp, công nghệ, y tế, tài chính. Việc sử dụng số lượng lớn công ty giúp đảm bảo rằng chỉ số này là biểu hiện toàn diện hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.

Chỉ số S&P 500 được sắp xếp và duy trì bởi Standard & Poor's, công ty cung cấp các dịch vụ thông tin tài chính và chỉ số chứng khoán. Việc theo dõi và đánh giá hiệu suất của chỉ số này thường được sử dụng để đo lường sức khỏe tổng thể của thị trường chứng khoán Mỹ.

Nasdaq Composite là chỉ số chính của sàn giao dịch Nasdaq, theo dõi giá trị của tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn.

“Trung tâm tài sản hàng đầu New York (Mỹ) đã ghi nhận mức tăng 14% về số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng siêu cao (UHNW). Các danh mục tài sản trong trung tâm tài chính lớn nhất thế giới được củng cố bởi sự phục hồi mạnh mẽ của cổ phiếu Mỹ và toàn cầu, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và sự bền bỉ tổng thể của nền kinh tế Mỹ”, theo báo cáo.

Khối tài sản đó được thúc đẩy bởi “sự tăng trưởng của thị trường vốn nhờ công nghệ và hiệu quả kinh tế vượt trội so với các thị trường phát triển khác, làm lu mờ sự suy yếu nhẹ tiền tệ và sự bất ổn chính trị gia tăng”, Altrata cho biết.

Ba công ty có giá trị nhất thế giới hiện nay đều là hãng công nghệ Mỹ, đứng đầu là Apple, tiếp theo là Microsoft rồi đến Nvidia. Vốn hóa thị trường của ba công ty này đều vượt qua mốc 3.000 tỉ USD. Hai hãng công nghệ Mỹ khác là Alphabet và Amazon cũng nằm trong top 5 công ty có giá trị nhất thế giới.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng với sự mở rộng tài sản đáng kể của châu Á từ năm 2000 đến 2020, tỷ lệ tầng lớp UHNW trong khu vực này được dự báo sẽ tăng lên 27% vào năm 2028, tăng 1% so với 2023. Khi đó, châu Á có thể sẽ là nơi có nhóm người siêu giàu lớn thứ hai sau Bắc Mỹ (39%), còn châu Âu sẽ bị đẩy xuống vị trí thứ ba (24,8%).

Tuy nhiên, báo cáo cho biết châu Á đã gần hoàn thành giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về việc tạo ra của cải và sẽ không còn phát triển nhanh như trước nữa.

“Tăng trưởng của châu Á đang ổn định ở mức thấp hơn xu hướng trước đại dịch COVID-19, dù triển vọng tổng thể cho việc tạo ra tài sản vẫn tích cực”, trích báo cáo.

Nhìn chung, số lượng người giàu trên thế giới đã tăng 7,6% lên mức kỷ lục là 426.330 cá nhân vào năm 2023. Số lượng người thuộc nhóm đặc biệt này hiện lớn hơn 20% so với 5 năm trước và tổng giá trị tài sản ròng của họ đã tăng 7,1% lên 49.200 tỉ USD.

Với tài sản tăng cao nhờ thắng lớn trên thị trường chứng khoán, giới siêu giàu đã chi 118 tỉ USD cho hàng xa xỉ, tương đương 1/3 chi tiêu cho hàng xa xỉ toàn cầu năm 2023; dành ra 190 tỉ USD làm từ thiện, chiếm 38% ngân sách từ thiện thế giới; trong khi chi khoảng 38.000 tỉ USD để đầu tư.

Người siêu giàu sống nhiều nhất tại 4 thành phố là New York, Hồng Kông, Los Angeles (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản), với con số lần lượt 16.630, 12.546, 8.955 và 6.445 người.

Altrata cho rằng việc các ngân hàng trung ương lớn dự kiến cắt giảm lãi suất và tăng trưởng của các ngành công nghiệp mới nổi có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy tài sản của những người siêu giàu vào năm 2024, 2025.

Ngoài ra, các xu hướng như chuyển đổi năng lượng xanh, số hóa, đô thị hóa và việc áp dụng rộng rãi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh sẽ tạo ra các cơ hội mới để tạo dựng và đa dạng hóa tài sản.

AI tạo sinh là một nhánh của AI, tập trung vào việc tạo ra nội dung mới, sáng tạo như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, hoặc mã lập trình. Nó hoạt động bằng cách học hỏi từ lượng lớn dữ liệu hiện có, sau đó sử dụng kiến thức đó để tạo ra những nội dung mới dựa trên dữ liệu gốc.

Sơn Vân