Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 'một đời thanh bạch, chẳng vàng son'

Góc bình luận - Ngày đăng : 15:52, 22/07/2024

Bức ảnh dịp Tết cổ truyền Kỷ Hợi năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng đã được truyền thông và nhiều người dân chia sẻ trên mạng xã hội với sự xúc động.
Góc bình luận

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 'một đời thanh bạch, chẳng vàng son'

Quốc Phong 22/07/2024 15:52

Bức ảnh dịp Tết cổ truyền Kỷ Hợi năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng đã được truyền thông và nhiều người dân chia sẻ trên mạng xã hội với sự xúc động.

Một chính khách có lối sống thanh bạch, giản dị

Ở thời điểm này vào năm 2019, ông đang kiêm 2 chức là Tổng bí thư và Chủ tịch nước.

Một chính khách lớn trong tấm hình khi ông đang gói bánh chưng cùng phu nhân và các cháu sao mà bình dị đến vậy. Tôi thật kính trọng ông vô cùng!

cong-dong-mang-xuc-dong-chia-se-anh-tong-bi-thu-cung-gia-dinh-goi-banh-2-5195.jpg
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Xuân Kỷ Hợi 2019 - Ảnh: Văn phòng Tổng bí thư

Trước đây, cũng có người cho rằng ông không muốn rời bỏ quyền lực nên mới làm việc, ngay cả lúc trọng bệnh.

Tôi tuyệt đối không nghĩ như vậy bởi một người sống thanh bạch, giản dị đến như thế thì tham quyền lực để làm gì? Đến ngay như những người con của ông, có người "vận động" ông đưa lên chức này chức nọ nhưng ông cũng cười rồi gạt đi. Tôi còn nghe có câu chuyện rằng, ông còn bảo (chưa được kiểm chứng): “Nếu tôi mà cũng làm như vậy thì tôi đâu phải là tôi”.

Tôi nghĩ, đó là do ông chưa yên tâm khi chưa tìm ra người thay ông gánh vác giang sơn, đất nước…

Có lẽ đúng như vậy! Khi nhìn lại tấm hình ông sum vầy bên gia đình trong ngày Tết như trên thì có lẽ sẽ hiểu rõ ông là một người như thế nào. Đặc biệt nữa, khi Tết đến hay lễ lạp, ông không tiếp khách và cáo lỗi vắng nhà.

Một nhà lãnh đạo mà thường tiếp những người thân quý của mình bằng rượu Đông Hội ở quê mà ông mang lên cùng ít hạt lạc rang, táo ta (cũng từ quê mang ra) là ít nhiều đủ hiểu ông đâu muốn hưởng thụ vật chất mà cố làm việc như suy nghĩ của một số người.

Có lần, một người bạn thân của tôi hỏi ông: "Sao anh không mở rộng cửa đón mọi người đến chúc mừng sinh nhật?" và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời: "Mình không có thói quen tổ chức sinh nhật. Bây giờ còn đang làm việc, sẽ có nhiều người đến chúc mừng. Khi không làm nữa, chẳng có ai đến, lại suy nghĩ. Cứ thế này cho bình thường"…

"Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống"

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đảm nhiệm 3 chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, nhưng chiếc xe công mà ông sử dụng hiện vẫn là chiếc xe có tuổi đời hơn 20 năm (1998). Đó là một chiếc Toyota Crown cũ, chiếc xe mà nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từng sử dụng khi ông giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội rồi ông trả lại Văn phòng Quốc hội khi sang Văn phòng Trung ương. Như vậy, Tổng bí thư đâu mong được hưởng gì cao sang, mà trái lại, ông cực kỳ giản dị trong lối sống.

Cách nghĩ của mỗi cá nhân trong đời sống thì luôn luôn phong phú và đa dạng. Song, có thể nhận xét một điều, nó cũng được đúc rút từ thực tiễn cuộc sống ngày hôm nay: việc ông chủ động lường trước cả những chuyện tế nhị ở đời như thế này là rất ý tứ…

Lúc sinh thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hơn một lần chia sẻ một ý được ông phát triển từ câu nói của nhân vật Pavel Korchagin trong tác phẩm của Nga Thép đã tôi thế đấy!: “Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”.

*****

Pavel Korchagin là nhân vật chính của tác phẩm Thép đã tôi thế đấy! của Ostrovsky. Ostrovsky đã xây dựng thành công nhân vật Pavel (chính là hóa thân của tác giả), khiến cho nhiều độc giả yêu quý nhân vật này và phương châm sống của nhân vật cũng đã trở thành phương châm sống của nhiều thanh niên thế hệ Pavel: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...".

Quốc Phong