Đặc khu kinh tế: Lo ngại ‘cuộc đua xuống đáy’ của chính sách, ưu đãi
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:19, 18/05/2018
Khảo sát mô hình đặc khu ở 13 quốc gia
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, số lượng các đặc khu tăng nhanh qua từng thời kỳ. Từ 9 khu tại 9 quốc gia vào những năm 1960, cho đến nay đã có khoảng 4.500 khu tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, và hiện nay vẫn đang tiếp tục phát triển.
Theo Bộ trưởng, việc phát triển thành công hay không thành công của mỗi đặc khu phụ thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, mô hình này đã mang lại cho các quốc gia và vùng lãnh thổ cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; các tri thức, công nghệ mới, phương thức quản lý hiện đại; thúc đẩy trao đổi thương mại và mở cửa nền kinh tế trong nước để hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Dũng cho biết, các đặc khu được định hướng phát triển với mục đích hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thppu hút công nghệ cao; là nơi thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội.
Bên cạnh đó, các đặc khu tạo ra một "sân chơi mới" với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.
Theo Bộ trưởng, để kiểm chứng thực tiễn và chỉnh lý các nội dung tại dự thảo luật, Bộ KH-ĐT đã thực hiện nghiên cứu mô hình đặc khu ở 13 quốc gia thành công trên thế giới và đi học tập kinh nghiệm phát triển đặc khu của nhiều quốc gia khác.
"Luật quy định quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm gắn với những chính sách vượt trội, cạnh tranh. Do đó, không phải chỉ là những ưu đãi về thuế và đất đai, mà chủ yếu là tổ chức chính quyền, thẩm quyền người đứng đầu, cam kết của Chính phủ giữ ổn định và lâu dài về chính sách; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường kinh doanh minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Do đó, luật đặc khu ra đời sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để phát triển 3 khu vực này. Tuy nhiên, việc xây dựng dự án luật đặc khu là vấn đề mới, vấn đề khó, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Vì thế, nên xây dựng một bộ luật thận trọng, phải cập nhật với thông lệ quốc tế, nhưng cũng không nên quá cầu toàn. Trong quá trình thực tế, nếu cần bổ sung hoàn thiện thì sẽ bổ sung hoàn thiện.
Nếu áp dụng mô hình cũ sẽ gặp rủi ro
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, để tối đa hóa lợi ích và hạn chế rủi ro, việc thành lập và thiết kế các đặc khu kinh tế nên được gắn chặt với chiến lược toàn diện về phát triển công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập trung vào việc lựa chọn vị trí, tính kết nối, dịch vụ hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh.
Chuyên gia WB nhấn mạnh 3 điểm thành công của đặc khu trên thế giới là địa điểm tốt, kết nối hạ tầng tốt và là nơi có môi trường chính sách tốt. Các đặc khu này có các chức năng chính: Cải cách môi trường kinh doanh, và thay đổi chính sách phát triển.
Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình cũ, Việt Nam sẽ gặp các rủi ro từ việc phân mảnh môi trường pháp quy, tạo ra sân chơi không bằng phẳng, chỉ có ở địa phương chứ phải là mô hình toàn quốc.
"Chúng tôi lo ngại là Việt Nam xây dựng ra và làm nhiều đặc khu khác nhau, điều này có thể phát sinh những "cuộc đua xuống đáy" của chính sách, ưu đãi. Thay vì đưa ra những chính sách bằng nhau thì các đặc khu cắt giảm khuôn khổ, xé rào chính sách. Điều này dẫn tới các ảnh hưởng không mong muốn, như tác động môi trường, thay đổi chuẩn mực môi trường", ông Sebastian nói.
Theo đó, chuyên gia này cho rằng những đặc khu kinh tế cũ thành công như ở Trung Quốc, Singapore... chưa chắc đã là kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam. "Chúng ta không muốn nhìn thấy đặc khu như một hòn đảo tách rời khỏi đất nước. Chúng ta cần chú ý, để đảm bảo đầu tư vào đặc khu có đóng góp cho phát triển tổng thể ở Việt Nam bền vững hơn".
"Đặc khu những năm 1960 xây dựng là lúc kinh tế thế giới đóng, vì thế mà các ưu đãi thuế phát huy hiệu quả. Nhưng hiện nay Việt Nam là mở nhất thế giới, chúng ta phải tìm kiếm nguồn đầu tư và tài nguyên phát triển trong tương lai trong mối quan hệ mới, cần những chính sách mới thay vì chỉ cởi bỏ thuế quan", ông nói.
Chuyên gia của WB cho rằng, Việt Nam đã có những cơ hội là nhân lực thấp, chế biến chế tạo. Trong tương lai, Việt Nam phải tìm kiếm nguồn lực mới, chiến lược phát triển giá trị gia tăng, thì tìm các nhà đầu tư này thì không cần phải giảm thuế mà là cần phải tìm hiểu cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chính sách bền vững, đồng nhất...
Teo Eng Cheong, Tổng giám đốc Tập đoàn Surbana jurong Singapore cho rằng điều đầu tiên phải xác định được mục tiêu một cách rõ ràng trong việc thiết lập các đặc khu là tạo ra việc làm, đặc biệt là khi tỉ lệ thất nghiệp đang cao; Thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra dự trữ ngoại tệ, đặc biệt khi đang bị thiếu hụt dữ trữ ngoại tệ và thâm hụt thương mại; Phát triển các ngành đặc thù, ví dụ như lĩnh vực du lịch; Chuyển giao công nghệ.
Theo doanh nhân này, đối với các nước đang phát triển, việc tạo công ăn việc làm cho số đông người dân là rất quan trọng. Một chiến lược phát triển được đặt ra rõ ràng là thu hút lao động cho các hoạt động sản xuất chuyên sâu, hoặc phát triển lĩnh vực dịch vụ tương đương với trình độ học vấn của người dân.
“Tuy nhiên, rất thường xuyên, nhiều cơ quan chính phủ bị ảnh hưởng bởi sự quyến rũ của việc thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, có mức độ tự động hóa cao và có thể không tạo ra nhiều việc làm. Do đó đánh bại mục đích thiết lập đặc khu trong trường hợp này”, ông Teo Eng Cheong nói.
Theo đó, việc xác định mục tiêu không rõ ràng ngay từ đầu và không có khả năng duy trì tính nhất quán của các mục tiêu, thường dẫn đến kết quả của một đặc khu không chỉ không hoàn thành các mục tiêu, mà còn không thành công.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng, WB khuyến cáo, Việt Nam nên khuyến khích đầu tư theo quy hoạch tổng thể các ngành, tập trung vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và ít tiêu thụ năng lượng; tập trung thu hút đầu tư cho những doanh nghiệp tạo mức lương cao hơn, thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ và R&D trong nước; khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên; tạo cơ hội cho các doanh nhân và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu và không nên sử dụng quá nhiều ưu đãi thuế và phân mảnh quản lý.
Lam Thanh