Đặc khu kinh tế: Chính phủ và thị trường phải ‘bắt tay’ nhau

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:42, 19/05/2018

Hai xu thế cần tránh đó là bỏ qua vai trò của chính phủ và chủ nghĩa can thiệp quá sâu. Nếu chính phủ can thiệp quá sâu sẽ mất đi tính điều tiết của thị trường”, bà Liu RongXin - Giám đốc Trung tâm phát triển kế hoạch khu vực thuộc Viện phát triển Trung Quốc chia sẻ.
Hội thảo Đặc khu-thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công - Ảnh: VTV

Dù đã được chuẩn bị nhiều năm qua, nhưng có thể thấy đường hướng phát triển các đặc khu kinh tế tại Việt Nam hiện rất lúng túng.

Tại Hội thảo "Đặc khu-thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công" do Đài truyền hình Việt Nam mới tổ chức, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng dự thảo luật đặc khu chưa thỏa mãn được mong muốn của ông.

“Việt Nam cần thay đổi, dám chơi, tự cho dịch chuyển, thách thức. Dám chơi thì không bàn tới vì chúng ta đã quyết lập đặc khu. Nhưng về biết chơi thì dù có rủi ro và thách thức, chúng ta đã nhập cuộc muộn thì phải dám đánh cuộc vào một cuộc chơi”, ông Thành nói.

Theo đó, đặc khu cần thể chế, cải cách và mở cửa. Đây là 3 câu hỏi quan trọng cần được làm rõ, trong đó quan trọng hơn cả là vấn đề "tự do dịch chuyển các loại quyền lực”. Đối chiếu với một hiệp định tự do như CPTTP, ông Thành cho rằng đặc khu cần phải vượt hơn thế nữa. “Việt Nam muốn vượt lên trên các hiệp định thương mại tự do cần có tự do dịch chuyển lao động chất lượng cao”, ông Thành nói.

Ông cũng nhận định dù không cần hoàn hảo, nhưng luật đặc khu cần giải quyết được các vấn đề như: thông lệ tốt, cương quyết, giải trình, minh bạch, xử lý tranh chấp cần phải nhanh nhất, từ Trung ương xuống.

Theo ông Thành, hiện nay chơi với đặc khu kinh tế không còn chỉ là ưu đãi hỗ trợ về thuế. Hay đúng hơn là "chúng ta đang quá chú trọng tới ưu đãi thuế mà chưa để ý tới việc dựa vào nền tảng, chiến lược cho tương lai của Việt Nam".

Ông Sebastian Eckardt - chuyên gia Kinh tế trưởng WB khuyến cáo, Việt Nam nên khuyến khích đầu tư theo quy hoạch tổng thể các ngành, tập trung vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và ít tiêu thụ năng lượng.

Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư cho những doanh nghiệp tạo mức lương cao hơn, thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ và R&D trong nước; khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên; tạo cơ hội cho các doanh nhân và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời không nên sử dụng quá nhiều ưu đãi thuế và phân mảnh quản lý.

Bà Liu RongXin - Giám đốc trung tâm phát triển kế hoạch khu vực thuộc Viện phát triển Trung Quốc chia sẻ, điểm cốt lõi trong cơ chế quản lý đặc khu kinh tế của Trung Quốc chính là sự kết hợp giữa chính phủ và thị trường được phát huy.

Qua đó, chính phủ cần thành lập cơ chế hạ tầng tôn trọng quy tắc thị trường. Còn thị trường cần phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, sách lược đầu tư.

Bà Liu RongXin - Giám đốc trung tâm phát triển kế hoạch khu vực, Viện phát triển Trung Quốc - Ảnh: VTV

Theo bà có 2 hai xu thế cần tránh đó là bỏ qua vai trò của chính phủ và chủ nghĩa can thiệp quá sâu. Nếu chính phủ can thiệp quá sâu sẽ mất đi tính điều tiết của thị trường.

“Quản lý đặc khu là sự kết hợp giữa quản lý kinh tế và quản lý xã hội, liên quan đến các lĩnh vực đất đai, phê duyệt dự án, đầu tư, thuế, ngoại hối, lao động, môi trường và hàng loạt những chính sách ưu đãi. Quan trọng nhất là nắm bắt được mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường”, bà nói và cho rằng mỗi quốc gia cần có cách thức quản lý phù hợp dựa trên sự kết hợp với kinh nghiệm trên thế giới.

Do tính chất phức tạp của cơ chế quản lý đặc khu, bà Liu RongXin cho rằng vấn đề lập pháp ở cấp quốc gia không nên quá chi tiết mà có thể có thêm các quy định hỗ trợ chi tiết khi thực hiện, để điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu phát sinh trong quá trình vận hành.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV viên BASICO, đã đặt ra đặc khu thì phải đặt ra mục tiêu đột phá phát triển gấp hàng chục lần so với không có đặc khu. Nếu chỉ tập trung vào việc tạo ra ưu đãi về tiền thuế, đất, tài nguyên… thì chỉ tạo ra sự dịch chuyển kinh tế chứ không phải là tạo ra sự phát triển kinh tế.

“Đặc khu cần tạo ra môi trường tự do, thuận lợi, thông thoáng về chính quyền, thủ tục hành chính, chính trị và giải quyết tranh chấp để phát triển mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhằm thu được nhiều thuế, chứ không phải là miễn giảm thuế, tiền đất”, ông Đức nêu.

“Về hành chính, tuy tên gọi là khu hành chính - kinh tế đặc biệt nhưng thực chất chỉ là nhằm tạo ra khu kinh tế đặc biệt chứ không phải nhằm tạo ra khu hành chính đặc biệt. Sự đặc biệt của hành chính chỉ nhằm phục vụ cho sự đặc biệt về kinh tế chứ không có mục đích tự thân. Vì vậy, cần thiết kế cơ chế hành chính vì kinh tế chứ không phải là ngược lại”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo ông, đặc khu cần phải áp dụng một trong hai cơ chế. Thứ nhất, nếu có HĐND thì không có UBND; chỉ có thị trưởng, chế độ thủ trưởng lãnh đạo thay vì chế độ tập thể lãnh đạo. Thứ hai, nếu có UBND thì không có HĐND. Nếu có cả hai và bó buộc trong khuôn khổ bất hợp lý thì không có gì đáng gọi là đặc khu.

Ông Đức cũng cho rằng Nhà nước cần phải chấp nhận đặc khu có sự đặc biệt cả về chính trị, chứ không chỉ có sự đặc biệt về kinh tế và hành chính.

Chẳng hạn, đặc khu cần không có cán bộ mà chỉ có công chức, tập trung gần như toàn bộ vào phát triển kinh tế, không tổ chức các cơ quan, đoàn thể đầy đủ ban bệ như các cấp chính quyền khác.

Lam Thanh