Gần 5,2 tỉ USD kiều hối về TP.HCM, nhiều nhất từ châu Á

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:49, 18/07/2024

Lượng kiều hối đổ về TP.HCM trong nửa đầu năm nay đạt gần 5,2 tỉ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kiều hối chuyển về từ châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Gần 5,2 tỉ USD kiều hối về TP.HCM, nhiều nhất từ châu Á

Tuyết Nhung 18/07/2024 15:49

Lượng kiều hối đổ về TP.HCM trong nửa đầu năm nay đạt gần 5,2 tỉ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kiều hối chuyển về từ châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất.

Ngày 18.7, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết lượng kiều hối chuyển về thành phố trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 5,2 tỉ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính riêng quý 2/2024, kiều hối đổ về TP.HCM đạt hơn 2,3 tỉ USD, giảm 19,5% so với quý 1 nhưng vẫn tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ.

kieu-hoi.jpg
6 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối chảy về TP.HCM vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: IT

Theo ông Lệnh, yếu tố nguồn nhân lực và thị trường lao động tiếp tục là các yếu tố tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh các yếu tố mang tính khách quan tác động đến lượng kiều hối chuyển về như yếu tố kinh tế chính trị, xã hội, lao động việc làm và thu nhập... thì việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối cũng có vai trò hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh đề xuất một số giải pháp để tiếp tục thu hút kiều hối. Đó là TP.HCM tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về ngoại hối, về thu hút kiều hối; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối.

Thực hiện tốt hoạt động này, không chỉ bảo đảm mang lại lợi ích tối đa cho người thụ hưởng, người nhận kiều hối mà cả với người gửi tiền, thân nhân, kiều bào và người lao động ở nước ngoài.

Ngoài ra, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối, trong đó định hướng tập trung nguồn lực kiều hối để phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính để mang lại hiệu quả lớn hơn, sẽ là giải pháp có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thành phố: kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn hoạt động du lịch dịch vụ và các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư; phù hợp với nhu cầu người lao động ở nước ngoài quan tâm để cải thiện đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh.

"Trong đó, mô hình tài chính vi mô đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhờ nguồn kiều hối chuyển về đã và đang phát huy hiệu quả", ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.

Mới đây nhất, Thành ủy TP.HCM đã thông qua Đề án về chính sách kiều hối trên địa bàn TP.HCM thời kỳ 2024-2030. Theo đó, TP không can thiệp hành chính vào việc chuyển, nhận kiều hối mà định hướng phát triển hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các quỹ sản xuất như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài...

Mục tiêu của đề án là nhằm tạo cơ hội cho cá nhân, tổ chức nhận kiều hối có thêm lựa chọn tham gia đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng như trường học, bệnh viện, công trình thể dục thể thao, trung tâm hội chợ, triển lãm...

Tuyết Nhung