Nhiều hãng Trung Quốc tận dụng việc Nvidia vắng mặt ở Hội nghị AI Thế giới để quảng bá chip
Thế giới số - Ngày đăng : 12:28, 10/07/2024
Nhiều hãng Trung Quốc tận dụng việc Nvidia vắng mặt ở Hội nghị AI Thế giới để quảng bá chip
Nhiều nhà phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) Trung Quốc đang tận dụng sự vắng mặt của Nvidia tại hội nghị trí tuệ nhân tạo (AI) lớn nhất nước này để quảng bá sản phẩm của họ. Thế nhưng, các hãng này đang gặp phải những vấn đề liên quan đến sản xuất và hệ sinh thái phần mềm.
Iluvatar Corex, Moore Threads, Enflame Technology (được hỗ trợ bởi Tencent Holdings), Sophgo và Ascend của Huawei là tâm điểm chú ý trong Hội nghị AI Thế giới gần đây ở thành phố Thượng Hải, nơi Nvidia không có sự hiện diện trực tiếp. Tuy nhiên, cái tên Nvidia liên tục được nhắc đến tại các gian hàng của các nhà sản xuất chip Trung Quốc khi so sánh sản phẩm của họ với gã khổng lồ chip Mỹ.
“Các cụm máy tính của Trung Quốc đang thay đổi từ việc chủ yếu sử dụng GPU nước ngoài sang kết hợp giữa GPU Trung Quốc với nước ngoài. Vấn đề là thiếu nhu cầu, nên sức mạnh tính toán ở Trung Quốc vẫn chưa được sử dụng hết. Việc hạ thấp rào cản để sử dụng sức mạnh tính toán trong nước là chìa khóa để tăng cường ứng dụng của công nghệ ở Trung Quốc”, ông Li Xingyu, Giám đốc hệ sinh thái của Enflame Technology, cho biết.
Enflame Technology đã giới thiệu các chip đào tạo AI Cloudblazer T20 và T21 tại hội nghị. Một nhân viên cho biết lợi thế lớn nhất của Enflame Technology so với các đối thủ lớn hơn như Huawei, Moore Threads và Biren Technology là không bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại. Điều này đồng nghĩa Enflame Technology có thể tiếp cận các hãng sản xuất chip theo hợp đồng toàn cầu, chẳng hạn TSMC (công ty Đài Loan tạo ra khoảng 90% chip tiên tiến nhất thế giới), bất chấp các lệnh trừng phạt rộng rãi hơn nhằm hạn chế sức mạnh chip của hãng.
Các chip Nvidia giảm hiệu suất được điều chỉnh cho khách hàng Trung Quốc để tránh các biện pháp hạn chế của Mỹ vẫn rất phổ biến.
Nvidia (hãng chip có giá trị cao nhất thế giới) dự kiến sẽ giao hơn 1 triệu GPU H20 tại Trung Quốc năm nay, đạt doanh thu 12 tỉ USD, theo công ty nghiên cứu chất bán dẫn SemiAnalysis có trụ sở tại San Francisco (Mỹ).
Dylan Patel, nhà phân tích chính tại hãng SemiAnalysis, nói Nvidia H20 vẫn cung cấp hiệu suất tốt hơn so với Ascend 910B của Huawei.
“Trung Quốc là thị trường lớn với nhu cầu mạnh mẽ về AI, nhưng vấn đề lớn nhất là công nghệ nội địa vẫn tụt hậu so với các đối thủ toàn cầu và sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước”, theo Robert Cheng, Giám đốc nghiên cứu và phần cứng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng BofA Global Research.
“Các GPU mà Trung Quốc có được không mạnh bằng các giải pháp trên thế giới về mặt hiệu suất, và chuỗi cung ứng của Trung Quốc nói chung vẫn còn tụt hậu xa”, ông bình luận thêm.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ ba của Nvidia trong năm tài chính kết thúc vào ngày 28.1, với doanh thu từ nước này tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,3 tỉ USD.
Đầu tháng 6, một lãnh đạo Huawei cho biết chip AI mới nhất của công ty ngang bằng, nếu không nói là tốt hơn Nvidia A100 – một trong những GPU phổ biến được sử dụng trong ngành AI.
Đây là lời khoe khoang hiếm hoi từ gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, nhấn mạnh rằng hãng đang cố gắng phát triển trong một thị trường do Nvidia thống trị.
“Chip AI Huawei Ascend 910B trong một số thử nghiệm đã đạt được 80% hiệu suất của Nvidia A100 khi đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn, nhưng trong một số thử nghiệm khác thì có thể hơn A100 20%”, Wang Tao, Giám đốc điều hành của hệ sinh thái chip Huawei Ascend và Kunpeng, nói bên lề Hội nghị Bán dẫn Thế giới tại thành phố Nam Kinh.
Wang Tao cho biết thêm “không có nhiều khác biệt” giữa hiệu suất sức mạnh tính toán của Huawei 910B và Nvidia A100 trong quá trình đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn.
Dù vậy, theo một số thử nghiệm tính toán, Ascend 910B chỉ có thể đạt được khoảng 60 đến 70% hiệu suất của Nvidia A100, theo trang SCMP. Cần lưu ý là A100 là GPU đời cũ của Nvidia, ra mắt vào đầu năm 2023, có hiệu suất tính toán kém xa H100 (phiên bản tiếp sau A100) và Blackwell (phiên bản kế nhiệm H100).
Theo Nvidia, H100 có khả năng xử lý nhanh gấp 3 lần so với GPU thế hệ trước là A100 ở các chuẩn tính toán FP16, FP32 và FP64, trong khi nhanh hơn 6 lần ở chuẩn 8-bit. Hồi tháng 3, Nvidia tuyên bố GPU mới nhất của hãng là Blackwell có tốc độ xử lý một số tác vụ nhanh hơn 30 lần so với H100.
Wang Tao đưa ra bình luận trên khi Huawei đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực tự cung tự cấp chip của Trung Quốc, vì Nvidia không thể xuất khẩu các GPU tiên tiến sang nước này do hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt từ Mỹ.
Huawei lần đầu tiên giới thiệu dòng chip Ascend vào năm 2019, 4 tháng sau khi công ty này bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại. Kể từ đó, chiến lược AI của Huawei đã tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái gồm phần mềm và phần cứng độc quyền phục vụ các khách hàng trong nước đã mất khả năng tiếp cận công nghệ tương đương ở nước ngoài.
Zhang Dixuan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh điện toán Ascend của Huawei, tiết lộ vào tháng trước rằng hệ sinh thái Ascend có 40 đối tác phần cứng, 1.600 đối tác phần mềm và 2.900 giải pháp ứng dụng AI.
Bất chấp có tham vọng lớn, Huawei hiếm khi lên tiếng công khai về nỗ lực thoát khỏi sự kìm kẹp của các lệnh trừng phạt từ Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiến bộ trong lĩnh vực bán dẫn và AI.
Huawei kín tiếng về nguồn chip Kirin 9000s cung cấp năng lượng cho dòng smartphone Mate 60 ra mắt vào năm ngoái. Đó là những smartphone 5G đầu tiên của Huawei sau hơn 2 năm.
Các chuyên gia tin rằng Kirin 9000s được sản xuất bởi SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc đang bị Mỹ trừng phạt) theo tiến trình 7 nanomet bằng các kỹ thuật cải tiến dựa trên các thiết bị hiện có.
Thế nhưng, một số nhà phân tích cho rằng sẽ là thách thức với các công ty Trung Quốc trong việc sản xuất chip AI hiệu suất cao bằng hệ thống cũ. Lý do vì chip AI lớn hơn nhiều so với chip smartphone. Ví dụ, Nvidia A100 lớn hơn bộ xử lý di động A13 Bionic của Apple tới 8 lần.
Trong nửa đầu năm 2023, GPU của Nvidia chiếm 90% trong số 500.000 chip AI được bán ở Trung Quốc, còn Huawei chỉ chiếm 6% thị phần.
Song sau khi chính quyền Biden thắt chặt hạn chế xuất khẩu vào tháng 10.2023 gồm cả nhiều chip AI của Nvidia hơn, Giám đốc điều hành Jensen Huang nói vào đầu năm nay rằng Nvidia đang phải đối mặt với “rất nhiều sự cạnh tranh ở Trung Quốc” vì những hạn chế về công nghệ mà hãng có thể bán ở đó.
Nhìn chung, chip AI Huawei tốt nhất vẫn kém xa về mặt công nghệ và hiệu suất so với các GPU mới của Nvidia, chẳng hạn H100 và Blackwell. Tuy nhiên, chip Huawei Ascend 910B đã nổi lên như lựa chọn thay thế GPU Nvidia cho các công ty trong nước hoạt động ở lĩnh vực AI.
Hôm 4.7, một giám đốc cấp cao của Huawei bác bỏ ý kiến cho rằng việc thiếu chip AI tiên tiến nhất sẽ cản trở mục tiêu trở thành nước dẫn đầu về AI của Trung Quốc, nhưng cho biết cần có sự đổi mới để giải quyết vấn đề này.
Nhận xét của Zhang Ping'an, Giám đốc điều hành Huawei Cloud (đơn vị đám mây của Huawei), được đưa ra trong bối cảnh Mỹ hạn chế chặt chẽ hơn nữa việc xuất khẩu chip AI tiên tiến đến Trung Quốc, gồm cả sản phẩm của Nvidia.
Zhang Ping'an nói trong một diễn đàn thuộc Hội nghị AI Thế giới: “Không ai phủ nhận rằng chúng ta đang phải đối mặt với sức mạnh tính toán hạn chế ở Trung Quốc… Thế nhưng, chúng ta không thể chỉ dựa vào việc có chip AI với các quy trình sản xuất tiên tiến làm nền tảng cuối cùng cho cơ sở hạ tầng AI”.
“Nếu chúng ta tin rằng việc không có chip AI tiên tiến nhất đồng nghĩa Trung Quốc sẽ không thể dẫn đầu về AI thì cần phải từ bỏ quan điểm này”, Zhang Ping'an nhấn mạnh.
Huawei đã phát triển chip AI của riêng mình có tên Ascend, hiện được nhiều công ty ở Trung Quốc sử dụng để đào tạo các mô hình AI. Tuy nhiên, Ascend cùng nhiều chip của các công ty Trung Quốc khác được coi là kém hơn đáng kể về sức mạnh tính toán so với các sản phẩm Nvidia.
Zhang Ping'an kêu gọi các phương pháp tiếp cận đổi mới tập trung nhiều hơn vào đám mây. Theo ông, điều này có thể giúp bù đắp cho việc thiếu chip AI tiên tiến thông qua đổi mới trong kiến trúc điện toán.
Ông cho biết cần có cách tiếp cận hội tụ để kết hợp đám mây, biên và mạng theo những cách có thể sử dụng nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng và cải thiện hiệu quả tổng thể. Zhang Ping'an giới thiệu Huawei Cloud là một trong những công ty đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp sáng tạo như vậy. Trong ngữ cảnh này, biên là xử lý dữ liệu gần với nguồn dữ liệu như các thiết bị hoặc cảm biến trên mạng lưới, để giảm độ trễ và băng thông.
Không lạc quan như Zhang Ping'an, Joe Tsai (đồng sáng lập và Chủ tịch Alibaba) thừa nhận các hãng công nghệ Trung Quốc đang đi sau Mỹ 2 năm trong cuộc đua phát triển AI, khi tiếp tục phải vật lộn với những hạn chế xuất khẩu do chính quyền Biden áp đặt.
“Rõ ràng là Trung Quốc có phần tụt hậu”, Joe Tsai nói đầu tháng 4, trích dẫn cách OpenAI (công ty khởi nghiệp Mỹ) đã vượt qua phần còn lại của ngành công nghệ về đổi mới AI. Ông cho biết hạn chế xuất khẩu của Mỹ ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến, chẳng hạn các GPU được săn đón từ Nvidia. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các hãng công nghệ ở Trung Quốc, gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, theo Joe Tsai.
Đồng quan điểm với Joe Tsai, Eric Schmidt (cựu Giám đốc điều hành Google) cho rằng hiện Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng.
"Chúng ta (Mỹ) có thể đang dẫn trước Trung Quốc 2 hoặc 3 năm, điều đó gần như là cả một thế giới trong lĩnh vực của tôi. Tôi nghĩ chúng ta đang trong tình trạng khá tốt", Eric Schmidt nhận định.