Áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm đang lớn dần?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:30, 08/07/2024

Mặc dù lạm phát đã được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ những tháng đầu năm. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm đang lớn dần?

Tuyết Nhung 08/07/2024 06:30

Mặc dù lạm phát đã được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ những tháng đầu năm. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ.

Áp lực lạm phát đang lớn dần?

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12.2023, CPI tháng 6 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với quý 2/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

gia-hang-hoa-1126.jpg
Chỉ số giá tiêu dùng CPI 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: IT

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo thời gian tới, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm và công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo.

Về thị trường trong nước những tháng cuối năm cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá; giá mặt hàng năng lượng biến động khó lường; chính sách cải cách tiền lương từ 1.7.2024.

Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng từ nay đến cuối năm còn nhiều biến động khó lường, tình hình địa chính trị trên thế giới sẽ tác động tới giá cả thế giới và tác động trực tiếp đến Việt Nam. Vì vậy, rất khó để dự báo về lạm phát cả năm của Việt Nam, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% là khá thách thức.

Nói rõ hơn về những yếu tố tác động đến tình hình lạm phát cuối năm, vị chuyên gia này nhìn nhận khi lương được điều chỉnh thì các nhà sản xuất kinh doanh sẽ điều chỉnh giá cả hàng hóa và giá nhiều mặt hàng sẽ tăng.

Dù vàng không nằm trong rổ hàng hóa, dịch vụ để tính CPI nhưng giá vàng ảnh hưởng tới tâm lý lạm phát. Hiện nay, giá vàng đang ở mức 77 triệu đồng/lượng, thị trường vàng đã dần ổn định nhưng Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo nguồn cung dồi dào, ổn định cung cầu, tạo sự bình ổn trên thị trường vàng. Thị trường vàng ổn định sẽ không tác động đến lạm phát.

Xăng dầu là một trong những yếu tố quan trọng trong giỏ hàng hóa CPI. Giá xăng dầu của Việt Nam đang chịu tác động mạnh từ giá xăng dầu thế giới, hiện giá dầu thế giới vẫn đứng ở mức 84 USD/thùng. Nhiều dự báo cho rằng từ nay đến cuối năm giá dầu trên thế giới sẽ tăng, vì vậy giá xăng dầu trong nước cũng sẽ tăng theo. Điều này sẽ tác động đến lạm phát và dự báo lạm phát có thể cao hơn mức mục tiêu đặt ra là 4%.

Trước tình hình trên, TS Hiếu đề xuất từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần có những biện pháp để kiểm soát lạm phát tốt hơn. Một trong những yếu tố thuận lợi cho lạm phát đó là tiêu dùng trong năm nay thấp. Tiêu dùng chiếm tỷ lệ khoảng 64% trên tổng GDP. Tiêu dùng thấp sẽ giúp kiểm soát được CPI tốt hơn.

Từ nay đến cuối năm, TS Hiếu dự báo còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới giá cả thị trường, đặc biệt là tỷ giá. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hiện vẫn chưa đưa ra lộ trình giảm lãi suất. Trong khi đó, lãi suất qua đêm ở Việt Nam vẫn ở mức 4,5%, chênh lệch lãi suất với Mỹ khoảng 1%, do đó có thể đẩy tỷ giá lên.

"Trong những ngày qua, tỷ giá ổn định, nhưng từ nay đến cuối năm, dự báo có thể tăng, do chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ. Tỷ giá USD từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 5%, dự báo tới cuối năm có thể tăng 2%. Từ nay đến cuối năm còn nhiều ẩn số trên thị trường tài chính thế giới và nền kinh tế Việt Nam. Đây là thời điểm khó dự báo lạm phát cả năm của Việt Nam, nhưng tôi nghĩ rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% là khá thách thức", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá dù về mặt tổng thể lạm phát đã được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ. Bởi lẽ, trong năm 2023, lạm phát kiểm soát được dưới mục tiêu phần lớn là do kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế trong nước không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra.

"Còn trong 6 tháng đầu năm, kinh tế trong nước đã có nhiều điểm sáng về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút FDI,... tạo ra kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng GDP sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu (6 - 6,5%) mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Điều này cũng tạo ra áp lực cho lạm phát trong năm 2024", ông Việt cho hay.

Kiểm soát chặt chẽ các giá cả các mặt hàng hết sức có thể

Trước lo ngại này, Bộ Tài Chính cho biết, 6 tháng đầu năm mặt bằng giá hàng hóa diễn biến theo quy luật hằng năm, tăng vào dịp lễ Tết đầu năm và giảm dần và tương đối ổn định ở các tháng tiếp theo. Sang tháng 3, nhu cầu mua sắm của người dân giảm sau Tết và yếu tố thời tiết ổn định thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào khiến mặt bằng giá giảm.

Tháng 4 và tháng 5, mặt bằng giá tương đối ổn định, chỉ số CPI tăng nhẹ 0,05 - 0,07% so với tháng trước chủ yếu do một số yếu tố như thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại địa phương cũng như làm tăng nhu cầu sử dụng điện nước, mua sắm các mặt hàng điện lạnh và nhu cầu tiêu dùng đồ giải khát tăng, từ đó đẩy giá các nhóm hàng này tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm từ cuối tháng 4 đến nay góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin về chủ trương cải cách tiền lương, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.

Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét. Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam. Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý", Bộ Tài chính nêu rõ.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát và đề xuất để làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4-4,5%.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.

Tuyết Nhung