16,6 triệu tài khoản đã được xác thực sinh trắc học

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:47, 04/07/2024

16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được xác thực sinh trắc học kể từ những ngày đầu tháng 7.
Kinh tế - đầu tư - dự án

16,6 triệu tài khoản đã được xác thực sinh trắc học

Tuyết Nhung {Ngày xuất bản}

16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được xác thực sinh trắc học kể từ những ngày đầu tháng 7.

Thông tin trên được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại Hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng" vào ngày 4.7.

Theo đó, Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết việc triển khai xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến đã được thiết lập từ tháng 3.2023 và chính thức ban hành vào tháng 12.2023, tuy nhiên, ngành ngân hàng đã có sự chuẩn bị.

xac-thuc-sinh-trac-hoc-ngan-hang.png
Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh công tác xác thực sinh trắc học để đảm bảo quyền lợi của người dân - Ảnh: IT

NHNN đã có chỉ thị, liên tục có văn bản chỉ đạo và gần đây nhất là Quyết định số 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345).

Phó thống đốc NHNN cho biết trước đây nhiều người lo sợ giấy tờ của mình bị các đối tượng xấu chụp lại và mở tài khoản bằng giấy tờ giả, hoặc thậm chí mở tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ thật của mình. Tuy nhiên, với Quyết định 2345, tình trạng này sẽ được giải quyết dứt điểm, việc mở tài khoản sẽ đúng người, mở bằng chính căn cước công dân đã được cơ quan chức năng công nhận.

"Quyết định 2345 bản chất là để làm sạch tài khoản ngân hàng, xóa các tài khoản không chính chủ. Chúng ta có thể yên tâm rằng sẽ không có tài khoản ngân hàng sử dụng giấy tờ giả", Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Khi đã có tài khoản chính danh thì sẽ không có trường hợp một số đối tượng mở tài khoản rồi cho thuê tài khoản bất hợp pháp. Bởi lẽ, trong Quyết định 2345, khi khách hàng giao dịch trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học, đúng thông tin người mở tài khoản.

Ông Phạm Tiến Dũng thông tin thêm, đến 17 giờ ngày 3.7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được các ngân hàng kiểm tra đối chiếu với Bộ Công an, tương đương khối lượng 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Trong khi đó, ngày 2.7 số lượng giao dịch trên 10 triệu đồng/giao dịch chỉ có 1,8 triệu tài khoản. Điều này cho thấy, việc phải xác thực khuôn mặt đối với món chuyển khoản trên 10 triệu đồng là hoàn toàn thông suốt.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV, cho biết tính đến ngày 3.7, đã có 1,7 triệu khách hàng của BIDV xác thực thông tin sinh trắc học thành công. Trong đó, có 166.000 khách hàng đã xác thực qua quầy; 1,6 triệu khách hàng thu thập qua kênh số.

Còn tại Agribank, ông Lê Hồng Phúc - Phó tổng giám đốc - cho biết tại ngân hàng này đã có trên 1 triệu khách hàng xác thực thông tin sinh trắc học, trung bình 1 ngày có 200.000 khách thực hiện, trong đó 8 - 10% khách hàng thực hiện tại quầy.

Theo thống kê của các ngân hàng, sau ba ngày thực hiện (từ 1.7.2024), đến nay, giao dịch về cơ bản đã thông suốt.

"Không có nhiều vướng mắc nếu nhìn vào số liệu. Cuộc sống không có gì bị gián đoạn. Phòng chống lừa đảo, bảo vệ khách hàng giao dịch ngân hàng trên không gian mạng là mục đích cao nhất của hệ thống", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Phó thống đốc NHNN Việt Nam, việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm 1 lớp bảo vệ nên chắc chắn là an toàn hơn cho khách hàng. Trường hợp khách hàng có làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ hay không.

Thời gian tới, nhằm thúc đẩy, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật cho dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng, NHNN tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản, Thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung về quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet… triển khai hiệu quả Quyết định số 2345 nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán nói riêng và sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán; đồng thời nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, kết nối liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác (như dịch vụ công, y tế, giáo dục, thương mại điện tử...) và kết nối thanh toán xuyên biên giới nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.

NHNN phối hợp với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06, trong đó chú trọng khai thác thông tin căn cước công dân gắn chip và tài khoản VNeID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách tiện lợi, an toàn, đảm bảo phòng ngừa rủi ro, tội phạm lợi dụng dịch vụ thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thể hiện, ứng dụng công nghệ 4.0 và phương tiện truyền thông hiện đại; hướng đến người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, giới trẻ, học sinh, sinh viên...

Tuyết Nhung