Chăm sóc sức khỏe cộng đồng để góp phần phát triển bền vững ĐBSCL
Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:23, 28/06/2024
Chăm sóc sức khỏe cộng đồng để góp phần phát triển bền vững ĐBSCL
Ngày 28.6 tại Trường đại học Cần Thơ, Ban Chỉ đạo SDMD 2045 tổ chức tọa đàm chủ đề “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng - Nền tảng cho phát triển bền vững ĐBSCL”
GS-TS Hà Thanh Toàn (Ban Chỉ đạo SDMD 2045) cho biết, trong khuôn khổ diễn đàn Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL) tầm nhìn 2045, SDMD 2045 Trường đại học Cần Thơ
phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tọa đàm SDMD trực tuyến hằng quý. Ban Tổ chức JICA Việt Nam, CSIRO (Úc), Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Bộ KH-ĐT, Bộ Công Thương, UBND và các sở y tế, sở KH-CN, sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL, các viện/trường đại học và cao đẳng... đã tham gia vào những buổi tọa đàm.
TS Phạm Kiều Anh Thơ, Trưởng phòng Đào tạo đại học Trường Đại học Y dược Cần Thơ trình bày tham luận "Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng". Theo đó, hiện nay tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành y tế đang gây khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong tình hình như vậy, nhân lực cho ngành y tế ở các tỉnh ĐBSCL là vấn đề cần được quan tâm bởi vùng này so với cả nước thì nhân lực về y tế chưa đáp ứng nhu cầu.
PGS-TS Nguyễn Nguyên Minh (CSIRO, Úc) trình bày tham luận “Dinh dưỡng trong sức khỏe cộng đồng”, đặc biệt quan tâm vấn đề dinh dưỡng trong cộng đồng. PGS lưu ý, nguồn dinh dưỡng ngoài vấn đề cần thiết cho sức khỏe, cũng là nguồn gốc gây ra bệnh tật nếu con người sử dụng không đúng cách trong ăn uống, sinh hoạt.
GS Ang Hak Seng (Đại học Khoa học và nhân văn Singapore) với tham luận “Đồng hành và sáng tạo trong lĩnh vực y tế cộng đồng cho mọi người” đã đi sâu phân tích về tình trạng sức khỏe của người dân Singapore. Đây là quốc gia có tuổi thọ trung bình rất cao. Tuy nhiên, tình trạng thức ăn nhanh tại các siêu thị đang là "vấn đề" đối với thế hệ trẻ Singapore.
Cuộc tọa đàm còn tập trung vào các vấn đề: Môi trường và sức khỏe cộng đồng; y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng; giáo dục và phát triển thể dục, giáo dục thể chất - nền tảng cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng; vai trò của phụ nữ trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng; y tế học đường; đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; vắc xin và kiểm soát bệnh tật đảm bảo sức khỏe cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng; bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Đặc biệt hội thảo cũng chú trọng chuyển đổi số trong chăm sóc y tế - IoT (phần mền tích hợp dữ liệu). IoT cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân thông qua giám sát theo thời gian thực, chẩn đoán nâng cao, điều trị cá nhân hóa; giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giảm quá tải bệnh viện thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa và các công nghệ tiên tiến khác. IoT giúp các nhà cung cấp dịch vụ y tế cải thiện chăm sóc bệnh nhân và quản lý các nhu cầu chăm sóc phức tạp, tối ưu quy trình chăm sóc sức khỏe thông qua các công nghệ tự động hóa, an toàn.
GS-TS Hà Thanh Toàn cho rằng đây là cuộc tọa đàm lần thứ 10, với nhiều vấn đề phải bàn. Hai nội dung chính là "nhà thuốc" và "nhà giáo", là vấn đề bàn mãi không hết. Qua cuộc tọa đàm, có thể thấy vấn đề nhân lực y tế cho ĐBSCL còn thiếu và yếu. Ban tổ chức sẽ có báo cáo gửi các cấp có trách nhiệm để từng bước có chính sách chăm sóc sức khỏe người dân, làm nền tảng phát triển bền vững ĐBSCL. Vì vậy việc nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường đầu tư cho giáo dục và từng bước đầu tư cho y tế trong vùng là những vấn đề gắn liền với sự phát triển của ĐBSCL.