Hướng đi chiến lược cho cá tra Việt Nam

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:10, 26/06/2024

Lựa chọn chiến lược kinh doanh hàng chế biến giá trị gia tăng là hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hướng đi chiến lược cho cá tra Việt Nam

Tuyết Nhung 26/06/2024 17:10

Lựa chọn chiến lược kinh doanh hàng chế biến giá trị gia tăng là hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Cá tra có giá trị gia tăng (cá tra GTGT) Việt Nam đang ngày càng được chú ý trên thị trường quốc tế. Do sự đa dạng trong cách chế biến tạo thành nhiều món ăn phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu nên được nhiều người tiêu dùng tại các quốc gia ưa chuộng.

ca-tra.jpg
Chả cá tra đang là một trong những sản phẩm của Việt Nam được người nước ngoài ưa chuộng - Ảnh: IT

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) ngày 26.6 cho biết, trong tháng 5.2024, xuất khẩu các sản phẩm cá tra GTGT (mã HS16) đạt hơn 2 triệu USD, giảm 3% so với tháng 5.2023. Tính đến hết tháng 5.2024, xuất khẩu các sản phẩm này đạt hơn 13 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Top 5 điểm đến hàng đầu của cá tra GTGT Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay bao gồm: Singapore với 3 triệu USD chiếm 23% tỷ trọng; Thái Lan với 2,6 triệu USD chiếm 20% tỷ trọng; Nhật Bản với 1,4 triệu USD chiếm 10% tỷ trọng; Úc với 1,1 triệu USD chiếm 9% tỷ trọng và Mỹ với 1 triệu USD chiếm 8% tỷ trọng.

Hiện tại, có khoảng hơn 50 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra GTGT sang các thị trường. Trong đó, sản phẩm được ưa chuộng nhất là cá tra tẩm bột chiên/cá tra phile tẩm bột đông lạnh (mã HS 16041990), chiếm 82% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu các sản phẩm GTGT sang các thị trường trong 5 tháng đầu năm nay, với giá trị xuất khẩu đạt gần 11 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Top 5 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra mã HS 16041990 bao gồm: Singapore chiếm 25%, Thái Lan chiếm 24%, Nhật Bản chiếm 11%, Mỹ chiếm 9%, Australia chiếm 8% tỷ trọng.

Ngoài ra, sản phẩm snack da cá tra chiên giòn/chả cá basa chiên đông lạnh mã HS 16042099 cũng được người tiêu dùng tại các thị trường ưa thích. Xuất khẩu sản phẩm này đạt gần 400.000USD trong tháng 5.2024 và gần 2 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay.

Xuất khẩu một số sản phẩm cá tra GTGT khác như cá tra cắt miếng tẩm bột, chiên đông lạnh mã HS 16042091, chả cá basa viên rau củ đông lạnh mã HS 16042030... cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng trong 5 tháng đầu năm nay, lần lượt là gần 300.000USD (tăng 52%) và 113.000USD (tăng 33%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối tháng 4.2024, gần 40 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã mang loạt sản phẩm chế biến giới thiệu với các đối tác nước ngoài thông qua Triển lãm Thủy sản toàn cầu 2024 tại Tây Ban Nha. Các sản phẩm ăn liền thu hút nhiều khách tham quan thưởng thức ngay tại các gian hàng. Các sản phẩm chế biến rất phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu được khách hàng đánh giá cao.

Theo Vasep, bên cạnh sản phẩm chủ lực là phile cá tra đông lạnh, cá tra GTGT Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế tại thị trường quốc tế. Biến động thị trường những năm qua cho thấy, lựa chọn chiến lược kinh doanh hàng chế biến GTGT là hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Tiềm năng xuất khẩu cá tra GTGT sẽ còn nhiều cơ hội hơn nữa tại các thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động thích ứng để kịp nắm bắt nhu cầu và cơ hội.

Đặc biệt, thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản.

Dự kiến, vào tháng 7.2024, Bộ Tài chính Mỹ (DOC) sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra...

Tuyết Nhung