OpenAI thắt chặt chặn nhà phát triển Trung Quốc truy cập dịch vụ, giúp Mỹ mở rộng khoảng cách về AI

Thế giới số - Ngày đăng : 19:26, 25/06/2024

Theo thông báo gửi tới các nhà phát triển Trung Quốc, OpenAI đang thắt chặt các biện pháp để ngăn chặn nỗ lực truy cập các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) từ "các quốc gia và vùng lãnh thổ không được hỗ trợ", gồm cả Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Thế giới số

OpenAI thắt chặt chặn nhà phát triển Trung Quốc truy cập dịch vụ, giúp Mỹ mở rộng khoảng cách về AI

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Theo thông báo gửi tới các nhà phát triển Trung Quốc, OpenAI đang thắt chặt các biện pháp để ngăn chặn nỗ lực truy cập các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) từ "các quốc gia và vùng lãnh thổ không được hỗ trợ", gồm cả Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Động thái này có thể đào sâu thêm khoảng cách về AI giữa Mỹ với Trung Quốc. Hồi tháng 4, Joe Tsai (đồng sáng lập và Chủ tịch gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba) cho rằng các hãng công nghệ Trung Quốc đang đi sau Mỹ 2 năm trong cuộc đua phát triển AI, khi tiếp tục phải vật lộn với những hạn chế xuất khẩu do chính quyền Biden áp đặt.

Dù OpenAI đã triển khai các dịch vụ AI của mình tại hơn 160 quốc gia nhưng các sản phẩm này vẫn chưa khả dụng ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Người dùng ở đó phải nhờ mạng riêng ảo (VPN) hoặc ứng dụng bên thứ ba để truy cập ChatGPT, chatbot AI đình đám của OpenAI, trong khi các nhà phát triển cần sử dụng các proxy và máy chủ outbound để vượt qua hạn chế.

Máy chủ outbound là máy chủ hoạt động như trung gian để kết nối mạng cục bộ (LAN) với internet. Nó hoạt động bằng cách chuyển tiếp lưu lượng truy cập internet từ các thiết bị trong mạng LAN, che giấu địa chỉ IP thực của chúng khỏi internet.

Theo một số chuyên gia, biện pháp mới nhất của OpenAI (dự kiến ​​có hiệu lực vào ngày 9.7) có thể ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc đang phát triển dịch vụ AI riêng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn của “cha đẻ ChatGPT”.

Được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu văn bản để học cách hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên, mô hình ngôn ngữ lớn là nền tảng hỗ trợ cho ChatGPT cùng các chatbot AI khác.

Theo một chuyên gia giấu tên trong ngành chia sẻ với trang SCMP, động thái của OpenAI về cơ bản thể hiện việc Mỹ hạn chế hơn nữa việc người Trung Quốc truy cập vào công nghệ AI tiên tiến,

Người này cho biết một số công ty khởi nghiệp AI ở Trung Quốc đang xây dựng ứng dụng dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, điều này cũng tạo ra doanh thu cho công ty khởi nghiệp Mỹ. Chuyên gia giấu tên nói thêm rằng nếu OpenAI thắt chặt quy định của mình, các nhà phát triển Trung Quốc sẽ phải chuyển sang lựa chọn thay thế trong nước.

openai-that-chat-bien-phap-chan-nha-phat-trien-trung-quoc-dai-luc-va-hong-kong-truy-cap-cac-dich-vu-ai.jpg
OpenAI cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4o, chatbot ChaGPT, trình tạo ảnh AI từ văn bản Dall-E và các dịch vụ khác - Ảnh chụp màn hình

Zhipu AI, một trong những công ty khởi nghiệp về AI hàng đầu Trung Quốc, cho biết sẽ giúp các nhà phát triển bị ảnh hưởng chuyển sang mô hình ngôn ngữ lớn của mình.

“Chúng tôi đang triển khai một kế hoạch di chuyển đặc biệt sang mô hình ngôn ngữ lớn cây nhà lá vườn”, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) tuyên bố hôm 25.6, kèm theo đặc quyền như 150 triệu token miễn phí, cũng như các khóa đào tạo phù hợp để hỗ trợ việc đó.

Token là đơn vị dữ liệu được mô hình ngôn ngữ lớn xử lý. Với mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Trung, 1 token thường tương đương với từ 1 đến 1,8 ký tự tiếng Trung.

Sự phát triển nhanh chóng của AI đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Chính quyền Biden đang hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chất bán dẫn tiên tiến và hạn chế đầu tư từ Mỹ vào lĩnh vực AI ở cường quốc châu Á.

Mỹ cũng được cho là đang lên kế hoạch ban hành các quy định mới nhằm hạn chế xuất khẩu các mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến.

Trước đây, OpenAI đã lưu ý đến việc nước ngoài lạm dụng các dịch vụ của mình.

Vào tháng 5, công ty có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ) thông báo đã phá vỡ 5 “hoạt động gây ảnh hưởng bí mật”, gồm cả các mạng lưới ở Trung Quốc, Nga, Iran và Israel sử dụng các sản phẩm AI của mình để thao túng dư luận hoặc định hình kết quả chính trị trong khi che giấu danh tính thực sự.

Trong một động thái riêng biệt, OpenAI hồi tháng 12.2023 cho biết đã chặn ByteDance (chủ sở hữu TikTok) truy cập vào các dịch vụ của mình với lý do vi phạm chính sách. Công ty Trung Quốc sau đó cho biết một nhóm nhỏ kỹ sư của họ đã sử dụng dịch vụ API OpenAI trong một mô hình thử nghiệm không nhằm mục đích ra mắt công chúng.

OpenAI cung cấp một số công nghệ đằng sau Apple Intelligence, bộ tính năng AI được nhà sản xuất iPhone ra mắt hôm 11.6. Thế nhưng, OpenAI dự kiến ​​sẽ không hỗ trợ các tính năng AI mới của Apple tại Trung Quốc.

Apple đang tìm kiếm đối tác địa phương như Baidu (công ty tìm kiếm internet số 1 Trung Quốc) và Alibaba để cung cấp các dịch vụ tuân thủ các quy định AI khác nhau của Trung Quốc, gồm cả những quy định do Viện Tiêu chuẩn Điện tử Trung Quốc đưa ra năm ngoái để thực thi các tiêu chuẩn mô hình ngôn ngữ lớn quốc gia.

Đã giới thiệu hơn 200 mô hình ngôn ngữ lớn tự phát triển, các hãng công nghệ Trung Quốc vẫn đang chạy đua để bắt kịp các đối thủ toàn cầu về AI.

Một số ứng cử viên sáng giá của Trung Quốc là hãng công nghệ lớn Baidu, ByteDance, Alibaba cùng những công ty khởi nghiệp Zhipu AI, Baichuan, Minimax và Moonshot AI.

Khó vượt qua OpenAI, các hãng công nghệ lớn Trung Quốc tham gia cuộc chiến giảm giá khốc liệt

Trong 18 tháng kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT, các hãng công nghệ lớn và nhỏ của Trung Quốc đã tập trung vào mục tiêu đánh bại công ty Mỹ được Microsoft hậu thuẫn bằng các chatbot riêng.

Các kết quả còn trái ngược nhau, với một số gã khổng lồ công nghệ tuyên bố đạt kết quả tốt hơn GPT-4, mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến của OpenAI, với những truy vấn tiếng Trung. Có hơn 200 mô hình ngôn ngữ từ nhiều công ty Trung Quốc đang tranh giành thị phần. Dù khó vượt qua OpenAI, các công ty AI của Trung Quốc có thể tự hào thông báo sở hữu ít nhất một lợi thế rõ ràng so với đối thủ ở Mỹ là giá cả của mô hình ngôn ngữ lớn.

Những tuần gần đây, ByteDance, Baidu, Alibaba và gã khổng lồ truyền thông xã hội Tencent Holdings đều đã giảm giá mạnh việc đăng ký sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn của họ.

Dịch vụ cao cấp từ mô hình ngôn ngữ lớn Doubao Pro của ByteDance có giá chỉ 0,0008 nhân dân tệ cho 1.000 token, giảm 99,8% so với mức phí OpenAI tính cho quyền truy cập GPT-4.

Với mức giá này, 1 nhân dân tệ có thể mua được 1,25 triệu token đầu vào. Để so sánh, sẽ tốn khoảng 37,50 USD (tương đương 272 nhân dân tệ) để mua 1,25 triệu mã token đầu vào của GPT-4.

Ngay cả khi đang tận hưởng “khu vườn có tường bao quanh” đằng sau Great Fireawall (tường lửa vĩ đại kiểm duyệt các dịch vụ internet nước ngoài), các công ty Trung Quốc vẫn phải đối mặt với thách thức lớn do Mỹ hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến của Nvidia. Họ cũng có sức chi tiêu doanh nghiệp ít hơn so với các công ty cùng ngành tại thị trường Mỹ với nguồn tiền dồi dào.

Cung cấp bộ xử lý đồ họa (GPU) mạnh mẽ cho máy chủ, Nvidia đóng vai trò quan trọng trong việc các hãng lớn phát triển các mô hình AI.

“Việc giảm giá với các dịch vụ AI của Trung Quốc chủ yếu nhằm mục đích thu hút nhiều khách hàng hơn và giống như một hoạt động xây dựng thương hiệu hơn”, Xu Li, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập SenseTime (công ty AI niêm yết tại Hồng Kông), nói với trang SCMP.

ByteDance đã mở đầu cuộc chiến giá cả mô hình ngôn ngữ lớn vào giữa tháng 5 khi công bố mức giá cho các dịch vụ AI Doubao của mình giảm mạnh so với các đối thủ trong nước. Các hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng.

Alibaba Cloud, đơn vị đám mây của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đã công bố giảm giá đến 97% cho hàng loạt mô hình ngôn ngữ lớn Tongyi Qwen. Ví dụ, Alibaba giảm giá mô hình Qwen-Long từ 0,02 nhân dân tệ trên 1.000 token xuống 0,0005 nhân dân tệ, tức rẻ hơn 0,0003 nhân dân tệ so với ByteDance.

Baidu nhanh chóng chạy theo Alibaba Cloud khi thông báo rằng mô hình ngôn ngữ lớn Ernie Speed và Ernie Lite sẽ được miễn phí cho tất cả người dùng doanh nghiệp.

Các công ty như Tencent và iFlytek (chuyên gia AI nổi tiếng với công nghệ nhận dạng âm thanh) cũng giảm giá mạnh mô hình ngôn ngữ lớn của họ.

openai-that-chat-bien-phap-chan-nha-phat-trien-trung-quoc-dai-luc-va-hong-kong-truy-cap-cac-dich-vu-ai1.jpg
Giá dịch vụ các mô hình ngôn ngữ lớn từ 4 hãng công nghệ lớn Trung Quốc so với GPT-4 và GPT-4o của OpenAI tính theo đơn vị token, trong đó input là đầu vào và output là đầu ra - Ảnh: SCMP

Wang Sheng, nhà đầu tư của hãng InnoAngel Fund có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), cho biết kiểu cạnh tranh giá “ác liệt” này đang gây tổn hại cho các công ty khởi nghiệp AI địa phương.

Wang Sheng nói: “Khi nói đến việc phát triển mô hình ngôn ngữ lớn, các hãng công nghệ lớn không nhất thiết phải giỏi hơn các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, chiến lược giảm giá của họ để giành thị phần sẽ gây bất lợi cho các công ty khởi nghiệp”.

Alain Le Couedic, đối tác cấp cao tại Artificial Intelligence Quartermaster (công ty đầu tư AI), cho rằng cuộc cạnh tranh về giá sẽ mang lại kết quả theo thời gian.

Ông nói: “Cuộc đua giành quyền thống trị thị trường là dấu hiệu cho thấy nhiều công ty nhìn thấy các cơ hội hấp dẫn trong tương lai, ngay cả khi điều đó gây ra một số khó khăn trong ngắn hạn đến trung hạn”.

Mô hình ngôn ngữ lớn tiêu tốn nhiều năng lượng, khiến chúng tốn kém khi vận hành, do đó chi phí biên để thêm người dùng mới có thể cao hơn so với các dịch vụ trực tuyến khác. Điều này làm cho việc mở rộng quy mô nhanh chóng trở nên phức tạp hơn với các dịch vụ AI. Tuy nhiên, một cuộc đua để làm cho mô hình ngôn ngữ lớn hiệu quả hơn cuối cùng có thể thay đổi điều này.

Chi phí biên (marginal cost) là chi phí phát sinh thêm khi sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ. Cụ thể, nó là sự thay đổi trong tổng chi phí khi tăng sản lượng thêm một đơn vị.

Bill MacCartney, Giám đốc công nghệ của công ty đầu tư mạo hiểm SignalFire và là giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ), chia sẻ với SCMP tại Hội nghị Đầu tư châu Á UBS: “Việc vận hành những mô hình ngôn ngữ lớn này tốn rất nhiều tiền và mọi hãng có động lực kinh tế mạnh mẽ để tìm cách làm cho nó rẻ hơn”.

Một số công ty cho biết hiệu quả được cải thiện trong đào tạo và vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn là lý do chính để họ giảm giá. OpenAI ghi nhận những hiệu quả như vậy là lý do đằng sau mức giá thấp hơn nhiều của mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4o ra mắt hôm 14.5.

Robin Li Yanhong, người sáng lập và Giám đốc điều hành Baidu, nói hồi tháng 4 rằng hiệu quả đào tạo Ernie, mô hình ngôn ngữ lớn hàng đầu của hãng, đã cải thiện 5,1 lần trong vòng một năm. Hiệu suất suy luận của Ernie tăng 105 lần, giảm 99% chi phí suy luận.

ByteDance cho biết giảm giá mô hình ngôn ngữ lớn vì tự tin có thể giảm chi phí thông qua cải tiến kỹ thuật.

Sơn Vân