Cá ngừ sang EU tăng chóng mặt, doanh nghiệp kỳ vọng gỡ được thẻ vàng IUU
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:02, 25/06/2024
Cá ngừ sang EU tăng chóng mặt, doanh nghiệp kỳ vọng gỡ được thẻ vàng IUU
Gỡ "thẻ vàng" thủy sản IUU không chỉ tiếp tục mở ra cánh cửa cho thủy sản Việt vào thị trường EU mà còn là cơ hội mở ra sự phát triển bền vững của ngành này.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) ngày 25.6 cho biết trong số các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu sang EU (châu Âu) 5 tháng đầu năm 2024, cá ngừ đóng hộp đang là sản phẩm chủ lực, chiếm gần 49% tổng kim ngạch xuất khẩu.
So với năm 2023, xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam tăng gần 33%, đạt hơn 43 triệu USD. So với 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang khối thị trường này ngày càng tăng.
Hiện Đức, Ba Lan, Hà Lan, Italy, Sip và Đan Mạch là 6 thị trường nhập khẩu nhiều nhất. Trong đó, Ba Lan và Đan Mạch là 2 nước đang tăng mạnh nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam so với cùng kỳ, lần lượt là 300% và 246%. Trái lại, Hà Lan lại giảm nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo Vasep, nguyên nhân của sự sụt giảm này là từ sau khi chi phí vận chuyển tăng cao, các nước EU có xu hướng giảm nhập khẩu cá ngừ qua các cảng trung chuyển của Hà Lan, tăng nhập khẩu trực tiếp để giảm bớt chi phí.
Tuy nhiên, trong khi EU tăng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp từ Việt Nam, lại đang giảm nhập khẩu từ hầu hết các nguồn cung chính. Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của EU trong quý đầu năm đang giảm 34% về khối lượng so với cùng kỳ.
Những lo ngại về lạm phát và giá cả tăng cao đang khiến cho các nhà nhập khẩu EU giảm nhập khẩu.
Ecuador, Bờ Biển Ngà và Seychelles đang là 3 nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn nhất cho EU, chiếm 44% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của EU.
Ecuador là nước duy nhất có sự tăng trưởng xuất khẩu sang EU trong những tháng đầu năm 2024. Quốc gia Nam Mỹ này với lợi thế về mặt thuế quan theo FTA với EU, đang ngày càng gia tăng thị phần. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là một nguồn cung rất nhỏ cho thị trường này.
Theo các doanh nghiệp, để giải quyết vấn đề thẻ vàng IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) mà EU dành cho Việt Nam là bài toán phức tạp và lâu dài. Tuy nhiên, nếu các cơ quan ban ngành đẩy nhanh tiến độ để gỡ rối cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay sẽ là cơ hội để tăng xuất khẩu sang khối thị trường EU.
Việc gỡ "thẻ vàng" IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, việc gỡ được thẻ vàng sẽ phụ thuộc vào kết quả mà chúng ta đang triển khai từ nay đến lúc phía bạn sang, phụ thuộc vào kết quả thanh tra thực tế tại các địa phương, tại doanh nghiệp và tại các cơ quan quản lý và phụ thuộc vào những nỗ lực cao điểm của cả hệ thống chính trị, 28 tỉnh, thành phố ven biển và các bộ, ngành liên quan.
Theo Thứ trưởng, phải quyết liệt làm sao từ thời điểm này đến lúc phái đoàn EC sang Việt Nam, sẽ không còn phát sinh vụ việc nào tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. "Từ thời điểm này đến lúc đó, nếu không phát sinh vụ việc nào nữa thì khả năng gỡ cảnh báo thẻ vàng của Việt Nam sẽ khả quan", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh, chống được khai thác IUU là điều kiện cần chúng ta phải vượt qua và để trong thời gian tới sản phẩm thủy sản Việt Nam có thị trường tốt hơn ở châu Âu.