Trung Quốc tiến tới công nhận livestream là một nghề

Thế giới số - Ngày đăng : 14:30, 17/06/2024

Đài Channel News Asia dẫn lời giới chuyên gia nhận định việc công nhận livestream là một nghề sẽ góp phần nâng cao tiêu chuẩn ngành, giúp nhà nước dễ thu thuế cũng như giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Thế giới số

Trung Quốc tiến tới công nhận livestream là một nghề

Cẩm Bình 17/06/2024 14:30

Đài Channel News Asia dẫn lời giới chuyên gia nhận định việc công nhận livestream là một nghề sẽ góp phần nâng cao tiêu chuẩn ngành, giúp nhà nước dễ thu thuế cũng như giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Mỗi ngày trong văn phòng ở thành phố Thẩm Quyến, Qian Yongjing đứng trước ống kính livestream 4 giờ trên nhiều nền tảng như Douyin, Kuaishou, Xiaohongshu. Số người hâm mộ của Qian đạt 5 triệu và không ngừng tăng. Cô tiết lộ thu nhập mỗi tháng của mình khoảng vài trăm nghìn Nhân dân tệ.

Qian thành lập công ty sáng tạo nội dung Homeland vào năm 2015. Đại dịch COVID-19 buộc cô phải chuyển hướng sang hoạt động trực tuyến. Hai năm đầu chuyển hướng là khoảng thời gian công ty trải qua nhiều thử nghiệm lẫn thất bại, nhưng cuối cùng vẫn vượt qua được.

Theo Hiệp hội Dịch vụ giải trí Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023 toàn quốc có hơn 15 triệu streamer. Tuy nhiên, công việc này chưa được công nhận chính thức nên người làm trong ngành không đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ nhà nước ở một số lĩnh vực.

trung.jpg

Tình hình có thể sớm thay đổi. Ngày 24.5 vừa qua, Bộ Nhân lực và An ninh xã hội Trung Quốc công bố danh sách 19 ngành nghề dự kiến ​​được công nhận chính thức. Bước lấy ý kiến toàn dân bắt đầu từ ngày 7.6, nếu cần sẽ điều chỉnh để cho ra danh sách chính thức. Tuy nhiên, không rõ toàn bộ quá trình này sẽ kéo dài bao lâu. Theo kinh nghiệm trước đó thì có thể mất đến 3 - 5 năm.

Ngoài livestream, giới chức Trung Quốc còn muốn công nhận công việc vận hành hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, thử nghiệm phương tiện kết nối thông minh, bảo trì hệ thống sản xuất thông minh. Nhưng sự xuất hiện của livestream trong danh sách thu hút sự chú ý lớn nhất, khiến dư luận tranh luận mạnh mẽ nhất.

Khảo sát do trang Sina News thực hiện cho kết quả 57% trong số 1.756 người được hỏi xem livestream là nghề kiếm ra tiền. Một cư dân mạng để lại bình luận nhận 143 lượt thích: “Đừng làm việc bán thời gian hay làm nông để kiếm sống nữa, giờ đây mọi người nên trở thành streamer và hưởng lợi từ chính sách quốc gia”.

Một người khác viết: “Ngày nay ngoài xã hội có rất nhiều streamer. Công nhận nghề này là chuyện tất nhiên”. Đặc biệt có người chú ý đến tác động của quyết định công nhận: “Vậy là ngoài tốn tiền mua thiết bị thì giờ đây bạn còn phải đóng thuế”.

Bộ Nhân lực và An ninh xã hội Trung Quốc định nghĩa streamer là người tham gia dịch vụ tương tác hoặc phát sóng thời gian thực thông qua phương tiện như âm thanh, hình ảnh, đồ họa. Tiêu chuẩn tham gia công việc không cao.

Khi công bố danh sách 19 ngành nghề, bộ tuyên bố công nhận nghề mới góp phần nâng cao ý thức nghề nghiệp của người hành nghề, cho phép họ hưởng lợi từ chính sách quốc gia đồng thời giúp gia tăng việc làm.

Theo giáo sư Liu Erduo (Viện nghiên cứu Việc làm Trung Quốc), cập nhật danh sách ngành nghề được công nhận rất có ích cho lao động tìm kiếm công việc mới. Họ có thể tham khảo để biết tình trạng ngành nghề hiện tại. Về phía nhà nước, công nhận một nghề giúp giám sát hoạt động thu thuế tốt hơn.

“Ngoài ra làm vậy còn kéo giảm số người thất nghiệp. Trước đây streamer có thể khai báo rằng mình thất nghiệp, nhưng khi nghề của họ được công nhận thì họ không khai như vậy được nữa”, ông Liu phân tích.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu năm nay tạo ra 12 triệu việc làm mới ở thành thị và giữ tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 5,5%. Số liệu chính thức chỉ ra trong tháng 4 tỷ lệ thất nghiệp của nhóm dân số 16 - 24 tuổi lên đến 14,7%.

Streamer Qian đồng ý rằng công nhận nghề livestream giúp nâng cao tiêu chuẩn ngành, vì người hành nghề phải tuân thủ quy định chặt chẽ hơn. Cô nhận xét: “Trường hợp làm tự phát sẽ bị loại bỏ”.

Chen, một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kế toán cũng làm streamer. “Ngành sẽ được hợp pháp hóa hơn nếu chính quyền mạnh tay loại bỏ nội dung lan truyền thứ tiêu cực chẳng hạn như khoe khoang sự giàu có. Khi số người sản xuất nội dung không phù hợp ít đi, phụ huynh sẽ thấy an toàn hơn lúc cho con xem”, người này nói.

Nhà sáng lập công ty tư vấn giáo dục Xinlu (chuyên đào tạo streamer) Yang Wenwen cho biết công nhận nghề mới giúp đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo dễ tiếp cận nguồn tài trợ hơn, xin giấy phép mở lớp cũng dễ dàng hơn.

Nhà quay phim tự do thường chia sẻ nội dung về du lịch Lu Haoran còn chỉ ra khi livestream được công nhận, người hành nghề sẽ thu hút được nhiều quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo từ đơn vị nhà nước.

Cẩm Bình