Thủ tướng Phạm Minh Chính: Doanh nghiệp nhà nước thực hiện 5 tiên phong
Sự kiện - Ngày đăng : 20:19, 15/06/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Doanh nghiệp nhà nước thực hiện 5 tiên phong
Mong muốn mỗi ngành có một doanh nghiệp như Viettel, mỗi địa phương có một doanh nghiệp như Becamex, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu doanh nghiệp nhà nước thực 5 tiên phong.
Chiều 15.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, có chủ đề “Doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.
Cùng dự Hội nghị có các Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và hơn 150 tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhà nước.
Đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước
Tại Hội nghị, lãnh đạo các các bộ ngành, nhất là lãnh đạo các doanh nghiệp tập trung đánh giá tình hình, vai trò, sự đóng góp của doanh nghiệp nhà nước đối với phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt, hiến kế, đề xuất các nhiệm vụ giải pháp để cả nước thực hiện hiệu quả 2 mục tiêu quan trọng là vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng.
Hội nghị nhận định trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi trong nước, nền kinh tế vẫn có những vấn đề nội tại, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao. Do đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 52,8% dự toán năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính chung 5 tháng tăng 16,6% so với cùng kỳ; xuất siêu 8,01 tỉ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ.
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Trong kết quả chung của cả nước có đóng góp quan trọng của doanh nghiệp nhà nước.
Riêng năm 2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 1,652 triệu tỉ đồng, đạt 104% kế hoạch; lợi nhuận hơn 125.000 tỉ đồng. Trong số đó, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu. Tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp nhà nước là hơn 166.000 tỉ đồng, đạt 108% so với kế hoạch phê duyệt.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt hơn 823.000 tỉ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 28 ngàn tỉ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 70.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn còn thua lỗ; kết quả giải ngân vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chưa đạt kế hoạch; tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, sản xuất chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... chưa được xem xét, ưu tiên; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chúc sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các đại biểu tham dự hội nghị; mong muốn các doanh nghiệp nhà nước phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ của doanh nghiệp và đối với đất nước, nhân dân.
Cảm ơn, tri ân các doanh nghiệp nhà nước đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2024, góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ năm 2024 là năm có ý nghĩa tăng tốc, hết sức quan trọng đối với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Từ nay đến cuối năm, bên cạnh một số thuận lợi cơ bản, dự báo tình hình sẽ còn diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức hơn nữa.
Trong bối cảnh đó, để phát huy tối đa lợi thế nguồn lực và huy động tối đa sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước trong thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty quán triệt một số quan điểm, định hướng về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn; yêu cầu phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo và tinh thần yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả này, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước một cách căn cơ, toàn diện, bài bản, bền vững; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống các động lực tăng trưởng mới, cũng như 3 đột phá chiến lược; ưu tiên hình thành phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa điện hóa hiện đại hóa đất nước.
Doanh nghiệp nhà nước thực hiện 5 tiên phong
Mong muốn mỗi ngành có một doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); mỗi địa phương có một doanh nghiệp như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước thực 5 tiên phong gồm: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0; Tiên phong trong hội nhập quốc tế và đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả; Tiên phong trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đi đôi với tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá để phát triển đất nước, trong đó có phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm an sinh xã hội; Tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực như: cung ứng điện, xăng dầu; lương thực, thực phẩm; các dịch vụ công ích..., Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; sát sao, hỗ trợ, phối hợp và đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật” và “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả thiết thực, cụ thể".
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, trong đó, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý doanh nghiệp nhà nước; có cơ chế đặc thù đặt hàng doanh nghiệp nhà nước; xác định rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu cho một số doanh nghiệp quy mô lớn; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp; có một số ưu đãi về tài chính, thủ tục hành chính, gắn với vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước; xem xét có gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là "doanh nghiệp đầu đàn," doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như: chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm…
Cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn cầu thị, lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng với vai trò nòng cốt của các tập đoàn, tổng công ty trong quản lý, sử dụng những nguồn lực khổng lồ của đất nước; với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổng quát của năm 2024 là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế theo đúng tinh thần “đi lên từ bàn tay, khối óc, chân trời cửa biển của mình; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; bàn làm, không bàn lùi”.