Châu Âu đang hứng chịu cơn địa chấn kép
Góc bình luận - Ngày đăng : 10:47, 13/06/2024
Châu Âu đang hứng chịu cơn địa chấn kép
Có lẽ lời tiên tri của bà Vanga về tương lai của “lục địa già” đang dần đúng.
Những năm gần đây, sau Brexit, nước Anh - nền kinh tế lớn Top 5 toàn cầu ra khỏi Liên minh châu Âu đã suy yếu, suy thoái khó có khả năng phục hồi như trước năm 2000. Hàng loạt các nền kinh tế lớn của châu lục nằm trong G7 đã giảm tăng trưởng, bước vào chu kỳ suy thoái khó cưỡng như Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… Điều gì đã xảy ra? Chắc chắn là mô hình tăng trưởng và phát triển đã lỗi thời, lạc hậu.
Khoa học - công nghệ - đòn bẩy và động lực thúc đẩy kinh tế xã hội ở các quốc gia trong liên minh EU đã có vấn đề, nếu không nói là suy thoái do chính sách vĩ mô, do cơ chế và chảy máu chất xám. Gần 20 năm qua nguồn cung năng lượng từ Nga đã tiếp sức cho các quốc gia này với giá “mềm” cũng góp phần làm cho kinh tế và đời sống khá hơn. Nhưng từ khi xảy ra cuộc chiến với Ukraine mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, còn phương Tây nói là “cuộc xâm lược” từ ngày 24.2.2022 thì mọi chuyện đã khác.
NATO mà chủ yếu là Mỹ và các nước lớn Anh, Pháp, Đức… đã áp đặt cho Nga hơn 13.000 lệnh trừng phạt kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, hình sự… khiến Nga điêu đứng, và chính các nước trong khối cũng gánh chịu cuộc tổng suy giảm kinh tế xã hội. Vô tình phương Tây đã đẩy Nga hợp tác mạnh với Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, Iran, Triều Tiên, Cuba cùng các nước châu Phi, Mỹ Latinh… Khối BRICS mạnh lên thách thức vị trí của G7. Hậu quả là dân chúng mất niềm tin, biểu tình. Những đảng đối lập của các quốc gia trong NATO trỗi dậy, nắm cơ hội tạo thế thay đổi cục diện trong tâm lý ý thức xã hội.
Nga cắt cung cấp năng lượng dầu mỏ khí đốt, nông sản… khiến châu Âu phải mua dầu khí của Mỹ với giá cao hơn gấp 4 lần. Các nước trong NATO phải chi 2% GDP hằng năm cho quân sự mà phần không nhỏ “viện trợ” cho Ukraine. Đất nước Ukraine tan hoang, hàng chục triệu người di tản sang châu Âu (có gần 2,7 triệu sang Nga). Các nước châu Âu đang khó lại khó hơn vì phải cưu mang gần 8 triệu người di tản từ Ukraine sang và hàng triệu người từ các nước châu Phi, Trung Đông… tới nhập cư. Nồi cơm đã nhỏ nay lại chia sẻ ra.
Kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng, giá cả sinh hoạt, chi phí sản xuất tăng cao... dẫn đến phá sản, thất nghiệp. Vấn đề ngấm ngầm nay bùng nổ là lòng dân và lá phiếu của dân qua các cuộc bầu cử ở các nước với kết quả làm náo loạn châu Âu. Các cuộc bầu cử nghị viện ở châu Âu thời gian qua làm cho các đảng cầm quyền lung lay vị thế, có nguy cơ mất quyền lãnh đạo tại Pháp, Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Slovakia, Czech, Áo, Bỉ… Tổng thống Pháp Macron vừa tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào ngày 30.6.2024; khả năng đảng cực hữu Mặt trận quốc gia RN của bà Le Pen thân Nga liên minh với đảng cánh hữu sẽ thắng cử. Liệu ông Macron có từ chức? Ông nói là không. Nhưng hãy chờ xem.
Cộng hòa Liên bang Đức cũng đang rối loạn về mọi mặt khi đảng cầm quyền thua xa các đảng cánh hữu. Cử tri Đức đang làm thay đổi giới lãnh đạo Đức bởi những gì mà đảng cầm quyền mang lại cho dân cho nước Đức như hiện nay. Họ yêu cầu Thủ tướng Olaf Scholz phải từ chức. Sắp bầu cử, hai đảng AfD và BSW rất có khả năng thắng cử áp đảo.
Dư luận cho rằng Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã nản chí do thất bại mấy năm cầm quyền nước Anh. Ông đã đề nghị bầu cử sớm 2 năm.
Tại Nga, đảng Nước Nga thống nhất vẫn trụ lại và ông Putin đã đắc cử tiếp với nhiệm kỳ 6 năm (2024-2030). Ông Putin tuyên bố Nga sẽ thành nền kinh tế thứ 4 thế giới.
Ở Ukraine, Tổng thống Zelensky theo luật định thì đến ngày 20.5 vừa qua đã hết nhiệm kỳ, nhưng trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh với lệnh “thiết quân luật” thì ông vẫn tại vị, chưa biết sẽ kéo dài tới khi nào.
Tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.2024 đang là cuộc đua khốc liệt. Dư luận cho rằng nếu ông Donald Trump thắng cử thì châu Âu sẽ diễn biến khó lường, cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ chuyển theo chiều hướng khác.
Thế giới có quá nhiều điều kinh khủng đã, đang và sẽ diễn ra. Hãy làm nguội những cái đầu đang quá nóng, chỉ tính chuyện hơn thua, thắng thua, được mất! Kinh tế suy thoái, chiến tranh căng thẳng là cơn địa chấn kép với châu Âu và thế giới. Chịu khổ vẫn là dân thôi!
TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ