Apple chỉ cung cấp AI cho những chiếc iPhone đắt nhất khiến nhiều người Trung Quốc bớt hào hứng

Thế giới số - Ngày đăng : 08:10, 13/06/2024

Việc Apple đưa các khả năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh vào các thiết bị của mình nhận được phản ứng trái chiều ở Trung Quốc, nơi một số chuyên gia kỳ cựu trong ngành smartphone cho rằng việc thúc đẩy AI này là thiếu tính mới lạ.
Thế giới số

Apple chỉ cung cấp AI cho những chiếc iPhone đắt nhất khiến nhiều người Trung Quốc bớt hào hứng

Sơn Vân 13/06/2024 08:10

Việc Apple đưa các khả năng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh vào các thiết bị của mình nhận được phản ứng trái chiều ở Trung Quốc, nơi một số chuyên gia kỳ cựu trong ngành smartphone cho rằng việc thúc đẩy AI này là thiếu tính mới lạ.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ hôm 11.6 đã tiết lộ kế hoạch chi tiết về AI được chờ đợi từ lâu của mình tại hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWCD) thường niên, vạch ra kế hoạch đưa hàng loạt tính năng AI vào iPhone, iPad và máy tính Mac.

Apple cũng đã hợp tác với OpenAI để sử dụng ChatGPT xử lý các truy vấn của người dùng thông qua trợ lý kỹ thuật số Siri.

Động thái từ Apple làm nhiều người hâm mộ iPhone ở Trung Quốc hào hứng, dù vẫn chưa rõ khi nào các tính năng AI này sẽ xuất hiện trên các thiết bị ở thị trường dịch vụ internet bị kiểm soát chặt chẽ của nước này.

Li An, người điều hành một studio phát triển ứng dụng gồm 5 người ở thành phố Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), ca ngợi việc tích hợp AI của Apple là bước đi lớn và tích cực với các nhà phát triển ứng dụng iOS ở Trung Quốc. Ông nói các bản cập nhật với AI này sẽ thuyết phục người dùng iPhone ở lại hệ sinh thái Apple.

Thế nhưng, sự chậm trễ của Apple trong cuộc đua AI đang diễn ra ở Thung lũng Silicon (Mỹ) hiện tại đã dẫn đến nhiều lời chỉ trích rằng công ty không thực sự đổi mới.

Li Nan, người đồng sáng lập thương hiệu smartphone Meizu (Trung Quốc) nhưng đã rời công ty vào năm 2019, nhận thấy các tính năng AI của Apple đáng thất vọng vì công ty chỉ sao chép từ hãng khác và tích hợp các mô hình ngôn ngữ lớn hiện có. Các smartphone của Trung Quốc đã có các tính năng AI tương tự Apple, doanh nhân này viết trên nền tảng tiểu blog Weibo.

Apple không trả lời ngay lập tức các câu hỏi về nhận xét của Li An.

Mô hình ngôn ngữ lớn là một loại AI được đào tạo trên lượng lớn dữ liệu văn bản để có thể xử lý và tạo ra ngôn ngữ một cách phức tạp, tinh vi. Mô hình ngôn ngữ lớn có thể thực hiện nhiều tác vụ khác nhau, bao gồm:

- Hiểu ngôn ngữ tự nhiên: Hiểu nghĩa của văn bản, bao gồm ngữ nghĩa, cú pháp và ngữ cảnh.

- Tạo văn bản: Tạo ra văn bản mới, bao gồm các bài báo, bài thơ, kịch bản, email…

- Dịch ngôn ngữ: Dịch văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

- Tóm tắt văn bản dài thành các đoạn ngắn hơn, giữ nguyên ý chính.

- Trả lời các câu hỏi về một đoạn văn bản hoặc một chủ đề cụ thể.

- Phân loại văn bản thành các chủ đề hoặc thể loại khác nhau.

Những người dùng khác trên Weibo cũng lập luận rằng có thể tìm thấy loạt tính năng AI mà Apple vừa công bố trên các smartphone Trung Quốc giá rẻ hơn. Apple hiện chỉ cung cấp loạt tính năng AI mới của mình cho iPhone 15 Pro/Pro Max, dòng iPhone 16 sắp tới, cùng iPad và MacBook dùng chip dòng M.

Giống như phần lớn ngành công nghệ, các thương hiệu Trung Quốc đã tích cực áp dụng AI với hy vọng trở nên nổi bật trong một thị trường smartphone đông đúc và đang trì trệ. Công ty tư vấn Canalys dự báo doanh số smartphone Trung Quốc sẽ tăng trưởng chỉ 1% trong năm 2024.

Nhà phân tích Lucas Zhong của Canalys viết trong ghi chú vào tháng 4: “Smartphone có khả năng AI tạo sinh sẽ mang lại cơ hội quan trọng cho các công ty Trung Quốc tạo ra sự khác biệt trong phân khúc cao cấp vào năm 2024 nhằm thách thức Apple tại thị trường quê nhà”.

Các nhà cung cấp Trung Quốc, từ Xiaomi đến Vivo, Oppo và Huawei, đang chạy đua để bổ sung nhiều tính năng AI vào smartphone của họ để giúp người dùng viết tin nhắn văn bản, chỉnh sửa ảnh tốt hơn, trả lời cuộc gọi và ghi chú.

Tương tự mối quan hệ đối tác giữa Apple với OpenAI, họ từng hợp tác với các nhà phát triển mô hình ngôn ngữ lớn Trung Quốc.

Xiaomi đã tích hợp mô hình ngôn ngữ lớn Tongyi Qianwen của Alibaba vào các smartphone hàng đầu mới nhất thuộc dòng Xiaomi 14, bên cạnh những tính năng khác liên quan đến AI, chẳng hạn nâng cao chất lượng ảnh. Xiaomi cũng sử dụng AI tạo sinh để cải thiện chatbot Xiao Ai trên smartphone và xe điện.

Đầu tháng 6, Oppo đã thông báo đang tìm cách “dân chủ hóa smartphone AI lần đầu tiên trong ngành”, cam kết đưa các chức năng AI vào tất cả sản phẩm của mình, gồm cả thiết bị giá cả phải chăng hơn.

Nicole Zhang, Tổng giám đốc sản phẩm AI của Oppo, nói trong một sự kiện trực tuyến được phát trực tiếp: “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên AI, và smartphone là thiết bị AI cá nhân quan trọng nhất”.

Nicole Zhang thông báo Oppo dự kiến ​​​​sẽ cung cấp các tính năng AI tạo sinh cho khoảng 50 triệu người dùng smartphone vào cuối năm nay. Bà cho biết: “Lần đầu tiên trong ngành, chúng tôi đang dân chủ hóa điện thoại AI”, đồng thời tiết lộ Oppo sẽ không chỉ bổ sung AI tạo sinh cho dòng smartphone Find hàng đầu của mình mà cả các dòng Reno, F và A với giá cả phải chăng hơn.

Theo một báo cáo hồi tháng 4 của công ty tư vấn Canalys, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ dẫn đầu thế giới về việc áp dụng thiết bị cầm tay hỗ trợ AI, với phân khúc này chiếm 12% doanh số smartphone ở đại lục năm 2024, vượt xa tỷ lệ chấp nhận trung bình toàn cầu là 9%.

Do mô hình ngôn ngữ lớn nước ngoài như GPT của OpenAI hay Google Gemini bị cấm ở Trung Quốc, Samsung Electronics đã ký thỏa thuận với Baidu để cung cấp khả năng AI cho dòng Galaxy S24 tại quốc gia này. Apple đã đàm phán với gã khổng lồ tìm kiếm internet Trung Quốc về mối quan hệ đối tác tương tự.

Apple chọn sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn Ernie của Baidu cho iPhone 16, Mac OS và iOS 18 tại Trung Quốc, sau khi tổ chức các cuộc đàm phán với các công ty Trung Quốc, gồm cả Alibaba và một hãng AI liên kết với Đại học Thanh Hoa, trang China Star Market đưa tin hồi tháng 3. China Star Market cho biết Apple sẽ sử dụng mô hình AI riêng bên ngoài Trung Quốc nhưng chuyển sang công nghệ của Baidu cho thị trường đại lục dựa trên những cân nhắc về tuân thủ luật.

Những năm gần đây, Apple đã tìm cách tạo sự khác biệt so với các đối thủ bằng cách nhấn mạnh vào quyền riêng tư. Đây được coi là thách thức khi sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn đòi hỏi nhiều dữ liệu, đặc biệt là mô hình do bên thứ ba phát triển.

Ivan Lam, nhà phân tích tại công ty tư vấn thị trường Counterpoint, cho biết: “Việc áp dụng AI rất được mong đợi của Apple đã bị trì hoãn do những lo ngại lâu dài về quyền riêng tư xung quanh AI tạo sinh. Đây là lý do tại sao AI đã được sử dụng trong nhiều tính năng trên các thiết bị của Apple, nhưng chỉ ở vai trò hỗ trợ chứ không phải theo cách toàn diện”.

apple-chi-cung-cap-ai-cho-nhung-chiec-iphone-dat-nhat-khien-nhieu-nguoi-trung-quoc-bot-hao-hung-2-.jpg
Apple trình diễn Siri được tích hợp ChatGPT trên iPhone tại WWDC 2024 - Ảnh: YouTube

Tại WWDC 2024, Apple đã công bố hàng loạt tính năng AI trên các ứng dụng và hệ điều hành, đồng thời hợp tác với OpenAI để đưa ChatGPT và công nghệ khác từ công ty khởi nghiệp này lên các thiết bị của mình.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đóng gói bộ công cụ AI thành Apple Intelligence và sẽ mang đến trải nghiệm liền mạch với những thứ có sẵn trên thiết bị đầu cuối.

Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook gọi đây là hệ thống trí thông minh cá nhân, giúp thiết bị trở nên hữu ích và thú vị hơn. Craig Federighi, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Kỹ thuật Phần mềm của Apple, gọi Apple Intelligence là "AI cho phần còn lại của chúng ta". Từ khóa mà các lãnh đạo Apple muốn nhấn mạnh ở đây là khả năng xử lý tự động trên thiết bị đầu cuối gồm iPhone, iPad và MacBook. Apple làm được điều này bởi họ quản lý từ phần cứng đến hệ điều hành.

Nguồn dữ liệu phục vụ Apple Intelligence được lấy từ chính thiết bị của người dùng. Tuy nhiên, việc AI có quyền tiếp cận luồng thông tin cá nhân tạo ra mối lo về bảo mật dữ liệu. Nổi tiếng với việc tập trung vào sự an toàn của người dùng, Apple cũng báo hiệu rằng có kế hoạch tạo sự khác biệt với các đối thủ Microsoft và Google bằng cách đặt quyền riêng tư "làm cốt lõi" trong các tính năng của mình.

Apple đảm bảo việc xử lý hầu hết tính năng của Apple Intelligence chỉ diễn ra trên thiết bị để tránh rò rỉ thông tin, trừ một số tác vụ phức tạp, yêu cầu năng lực xử lý mạnh hơn mới được đưa lên đám mây.

Apple cho biết việc tích hợp ChatGPT sẽ ra mắt vào cuối năm nay và các tính năng AI khác sẽ trình làng sau đó, đồng thời cho biết thêm rằng có thể truy cập chatbot của OpenAI miễn phí và thông tin người dùng sẽ không được ghi lại.

Vẫn dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn, công ty tối ưu hóa Apple Intelligence bằng cách tích hợp sâu AI vào các ứng dụng của họ.

Ví dụ, Smart Reply có cốt lõi vẫn là một mô hình khởi tạo văn bản từ câu lệnh. Tuy nhiên, giải pháp lại nằm trong ứng dụng Mail mặc định trên iPhone, cho người dùng lấy tùy chọn như đáp án trắc nghiệm thay vì phải gõ. Mỗi khi bổ sung thông tin, mẫu phản hồi được tùy chỉnh ngay lập tức. Cách tương tác mà Apple cung cấp đơn giản và hiệu quả hơn hẳn phương pháp AI truyền thống.

Apple cung cấp giải pháp dùng AI tổng hợp nội dung email tự động, chỉ cần lướt qua cũng nắm đầy đủ thông tin để dễ dàng phân loại.

Giải pháp tương tự cũng được áp dụng cho phần thông báo. Toàn bộ nội dung của các cuộc trò chuyện nhóm dài sẽ được tóm tắt trong vài dòng để người dùng nắm rõ. Điều tưởng chừng đơn giản này sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho nhiều người.

AI cũng hiểu nội dung thông báo, để cung cấp các nội dung quan trọng, ngay cả lúc thiết bị được đặt ở chế độ Tập trung, Không làm phiền.

Ngoài các giải pháp mới, Apple Intelligence cũng học hỏi không ít tính năng đã phổ biến trước đó ở Microsoft Copilot hay Galaxy AI. Công cụ hỗ trợ soạn thảo nội dung với câu lệnh có sẵn, cho phép lựa chọn văn phong phù hợp nhu cầu. Tóm tắt nội dung hay sửa lỗi chính tả cũng cũng nằm trong khả năng của các AI tạo sinh hiện đại.

Tính năng nghe bản ghi âm, cuộc gọi để chuyển thành văn bản trên iOS 18 đã có mặt trước đó trong Galaxy AI của Samsung.

Việc tạo ảnh, tùy biến sticker là những giải pháp thú vị trên Apple Intelligence, nhưng mức độ ứng dụng không cao.

Tại WWDC 2024, các lãnh đạo Apple đã giới thiệu cách trợ lý giọng nói Siri có thể tương tác với tin nhắn, email, lịch cũng như các ứng dụng của bên thứ ba. Siri sẽ có thể viết email và thay đổi giọng nói cho phù hợp với hoàn cảnh.

Siri được cải tiến sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn, giúp thực hiện những việc đã được chứng minh là khó khăn trong quá khứ vì trợ lý này cần hiểu chính xác ý định của người dùng cũng như cách ứng dụng hoạt động.

Ngoài ra, Siri sẽ khai thác kiến ​​thức chuyên môn của ChatGPT và xin phép người dùng trước khi truy vấn dịch vụ OpenAI như một phần trong mối quan hệ hợp tác giữa Apple với công ty khởi nghiệp được Microsoft hậu thuẫn. Đó là một tính năng bảo mật mà Apple nhấn mạnh.

Sơn Vân