'Bạn đang nghịch gì với đời mình': Nếu yêu hoa, hãy trở thành người làm vườn
Văn hóa - Ngày đăng : 11:51, 12/06/2024
'Bạn đang nghịch gì với đời mình': Nếu yêu hoa, hãy trở thành người làm vườn
Dù chúng ta gán cho tham vọng bất kỳ ý nghĩa nào, nhìn chung tham vọng là kết quả của nỗi sợ hãi.
Làm điều bạn yêu
Giờ đây, nếu tôi vô tư như đứa trẻ hứng thú với việc trở thành một kỹ sư vì tôi yêu công việc đó, vì tôi muốn xây những ngôi nhà lộng lẫy nhất, vì tôi muốn tạo nên những hệ thống dẫn nước tuyệt nhất, vì tôi muốn thi công những con đường tốt nhất... điều đó có nghĩa là tôi yêu thích công việc ấy và vì vậy đó không phải là tham vọng, trong nó không tồn tại nỗi sợ nào cả.
Thế nên, tham vọng và sự hứng thú là hai điều tách biệt hẳn với nhau. Tôi hứng thú với việc vẽ tranh và tôi yêu công việc đó; tôi không có nhu cầu trở thành họa sĩ giỏi nhất hay nổi tiếng nhất, tôi chỉ đơn giản là yêu thích vẽ tranh. Bạn có thể vẽ tranh đẹp hơn tôi, nhưng tôi không so sánh bản thân mình với bạn. Tôi yêu từng khoảnh khắc khi mình được vẽ tranh; tự thân chuyện ấy là đủ đối với tôi rồi.
Thế nhưng, điều đang diễn ra trên thế giới này là tất cả chúng ta so đo người này yếu kém, hèn mọn hơn người kia. Thế là chẳng còn chỗ cho tình yêu thương, sự quan tâm hay lo nghĩ cho nhau nữa. Mỗi người ham muốn trở thành một ai đó, và cứ thế mọi người mải miết chinh phục những nấc thang cao hơn trong đời mình. Đó là cuộc chiến không ngừng nghỉ, xã hội là một chiến trường nơi người này không ngừng tranh đấu chống lại kẻ kia, và sự tranh đấu này được gọi là lòng khát khao, tham vọng.
Những người lớn xung quanh luôn khuyến khích bạn sống như vậy - bạn phải giàu tham vọng, bạn phải giành lấy địa vị, bạn phải cưới một người đàn ông hay một người đàn bà giàu có, bạn phải biết chọn bạn mà chơi... Thế hệ đi trước - những người ôm trong mình quá nhiều nỗi sợ hãi, những người đã chai sạn trong tâm hồn - luôn cố biến bạn trở thành người giống họ. Và chính bạn cũng muốn giống họ vì sức mê hoặc quá lớn của những viễn cảnh họ bày ra cho bạn.
Đó là lý do mà việc tìm ra thiên hướng nghề nghiệp của mình là hết sức quan trọng. Tìm được thiên hướng nghề nghiệp nghĩa là bạn tìm thấy một công việc mà bạn sẽ rất hứng thú để làm, bạn say sưa với nó một cách tự nhiên. Nếu yêu hoa thì bạn hãy trở thành người làm vườn. Một người đầy tham vọng có lẽ sẽ không bao giờ thấy được thiên hướng nghề nghiệp đích thực của mình.
Chúng ta luôn so sánh mình với người khác. Nếu tôi trì độn thì tôi muốn trở nên thông minh hơn. Nếu tôi nông cạn thì tôi muốn trở nên sâu sắc hơn. Nếu tôi ngu dốt thì tôi muốn trở nên sáng suốt và hiểu biết nhiều hơn. Tôi luôn so sánh mình với người khác và lấy những gì họ có làm thước đo cho mình: xe hơi đẹp hơn, món ăn ngon hơn, nhà cửa tiện nghi hơn, thậm chí là một bộ não sắc sảo hơn. Chúng ta cho rằng so sánh là cần thiết để thúc đẩy sự tiến độ, sự hiểu biết, sự phát triển trí năng. Nhưng Krishnamutri không nghĩ vậy: “Khi bạn so sánh bức tranh này với bức tranh khác, bạn đang không thật sự chiêm ngưỡng cả hai bức tranh”.
Hãy lưu ý điều này, nếu ở trong lớp học, một đứa bé bị so sánh với đứa bé khác khi giáo viên bảo rằng “con không thông minh như những bạn khác”, giáo viên ấy đã vô tình hủy hoại đứa bé bị mang ra so sánh. Toàn thể diễn trình so sánh này sẽ đeo bám đứa bé suốt cả cuộc đời.
Thành công và thất bại
Chừng nào sự thành công còn là mục tiêu của chúng ta thì chừng ấy chúng ta vẫn chưa thể vượt qua nỗi sợ hãi, vì ham muốn thành công tất yếu sẽ dẫn đến trạng thái sợ thất bại.
Đó là lý do vì sao chúng ta không nên dạy cho trẻ em sùng bái sự thành công. Hầu hết mọi người theo đuổi sự thành công dưới dạng này hay dạng khác, dù đó là trên sân quần vợt, trong thế giới kinh doanh, hay trong chính trường. Tất cả chúng ta đều muốn leo lên đỉnh thành công. Ham muốn này gây ra sự xung đột thường xuyên trong nội tâm ta và xung đột với những người bên cạnh; nó dẫn tới sự cạnh tranh, ganh ghét, thù địch và cuối cùng là chiến tranh.
Giống như các thế hệ tiền bối, thế hệ trẻ cũng tìm kiếm sự thành công và cảm giác an toàn; dẫu cho lúc đầu họ đầy tinh thần phản kháng, chẳng mấy chốc họ bắt đầu trở nên kính trọng và sợ phải từ chối xã hội. Các bức tường ham muốn bắt đầu vây hãm họ, họ nằm trong vòng kiềm tỏa và chấp nhận sự thống trị của uy quyền. Sự bất mãn của họ - ngọn đèn soi tỏ cho họ trên hành trình truy vấn, tìm kiếm và thấu hiểu - mỗi lúc một leo lét rồi lụi tàn, và thay vào đó là ước muốn có một công việc tốt hơn, cưới được người giàu có, có một sự nghiệp xán lạn, tất cả những thứ ấy đều là mong ước thủ đắc sự an toàn ngày càng chắc chắn hơn.
Không có sự khác biệt cơ bản nào giữa người già và người trẻ, vì cả hai đều là nô lệ cho những ham muốn và thỏa mãn của chính họ. Độ chín chắn không liên quan gì đến tuổi tác, nó đi cùng với sự hiểu biết. Tinh thần truy vấn một cách háo hức có lẽ dễ dàng nảy sinh hơn đối với người trẻ, vì những người già đã bị cuộc sống làm cho bầm dập, các cuộc xung đột đã làm họ kiệt sức, và cái chết dưới nhiều hình thức khác nhau đang chờ đợi họ. Điều này không có nghĩa là họ không còn đủ sức truy vấn có mục đích, chỉ là đối với họ, việc đó sẽ khó khăn hơn mà thôi.
Cuộc sống là một nguồn nước sâu. Người ta có thể đến với nó với những cái xô nhỏ và chỉ múc được một ít nước, hoặc người ta có thể đến với nó với những cái thùng lớn, múc nhiều nước để sinh hoạt và dự trữ. Thời trẻ là quãng thời gian lý tưởng để người ta tìm tòi và trải nghiệm mọi thứ. Nhà trường nên giúp học sinh phát hiện ra những thiên hướng và trách nhiệm của mình, chứ không chỉ đơn thuần nhồi nhét các dữ kiện và kiến thức kỹ thuật vào đầu các em. Nhà trường nên là mảnh đất để học sinh có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, toàn diện và không có bóng dáng của nỗi sợ hãi.