Cứu bé trai 11 tuổi thoát khỏi tình trạng chân trái ngày càng teo

Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:40, 10/06/2024

Gia đình hoang mang, lo lắng khi chân trái của bé trai 11 tuổi ngày càng teo, dù em không hề cảm thấy đau đớn khi vận động. Sau khi bệnh nhi được đưa đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ phát hiện em bị trật xương bánh chè tái hồi.
Thông tin Y học

Cứu bé trai 11 tuổi thoát khỏi tình trạng chân trái ngày càng teo

Hồ Quang 10/06/2024 17:40

Gia đình hoang mang, lo lắng khi chân trái của bé trai 11 tuổi ngày càng teo, dù em không hề cảm thấy đau đớn khi vận động. Sau khi bệnh nhi được đưa đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ phát hiện em bị trật xương bánh chè tái hồi.

Ngày 10.6, BSCK2 Phan Văn Tiếp - chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình nhi - cho biết ông vừa tiếp nhận và phẫu thuật cứu thành công bé trai 11 tuổi thoát khỏi tình trạng chân trái ngày càng teo do trật xương bánh chè tái hồi.

cuu-betrai-11-tuoi-thoat-khoi-tinh-trang-chan-trai-ngay-cang-teo-hinh-anh.png
BSCK2 Phan Văn Tiếp (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình trạng chân trái của bệnh nhi sau khi phẫu thuật - Ảnh: BVCC

Trước đó, gia đình phát hiện bé trai P.T.G.B (11 tuổi, ngụ An Giang) có những bất thường ở đầu gối chân trái. Mỗi khi bé co duỗi chân thì xương bánh chè gối trái lật vào trong ra ngoài. Đặc biệt, cẳng chân trái của B. ngày càng nhỏ và teo dần lên đến vùng mông trái, mặc dù bé không hề có cảm giác đau đớn khi vận động hay di chuyển.

Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con, chị Nh. (mẹ bé B.) liền đưa con đến TP.HCM thăm khám. Qua lời giới thiệu của người thân, chị tìm đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á với mong muốn được gặp gỡ và điều trị bởi BSCK2 Phan Văn Tiếp - một trong những chuyên gia chỉnh hình nhi hàng đầu Việt Nam. Bác sĩ Tiếp từng là trưởng ê kíp chỉnh hình nhi trong ca đại phẫu lịch sử tách rời 2 bé gái song sinh dính liền phức tạp là Trúc Nhi và Diệu Nhi.

Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, bác sĩ Tiếp nhận định đây là trường hợp trật xương bánh chè tái hồi. Theo đó, khi chân bé duỗi thẳng thì xương bánh chè về vị trí ban đầu, nhưng khi gập gối thì xương bánh chè trật ra ngoài, nếu cố gắng duỗi xương bánh chè thì không thể gập gối thêm do xương bánh chè lên trên.

Trước tình hình trên, các bác sĩ hội chẩn để đánh giá tổn thương và đưa ra phương pháp điều trị là phẫu thuật. “Trong quá trình mổ, thám sát dây chằng cánh trong bị rách thành sẹo to và dây chằng cánh ngoài bị co rút, dính sát vào dãy chậu chày. Ê kíp tiến hành phẫu thuật cắt giải phóng thành phần co rút vùng gối, cắt cơ rộng giữa, đặt lại xương bánh chè vào vị trí cơ thể học, khâu gân cánh trong, khâu gân cơ rộng trong vào xương bánh chè, chuyển phân nửa dây chằng bánh chè vào trong. Sau đó, ê kíp kiểm tra lại xương bánh chè vững khi gối gập duỗi rồi rửa vết thương, may da, bó bột đùi bàn chân. Sau bó bột, bệnh nhi được hướng dẫn tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng đi lại”, bác sĩ Tiếp cho biết.

Theo bác sĩ Tiếp, về lâm sàng, trường hợp bệnh nhi này giống như trật xương bánh chè bẩm sinh. Có lẽ cháu bé tổn thương đã lâu mà người nhà phát hiện trễ nên ca phẫu thuật phức tạp hơn trật xương bánh chè do chấn thương.

“Trong sinh hoạt hằng ngày hay trong các hoạt động vui chơi thể thao của trẻ khó tránh khỏi các nguy cơ té ngã, chấn thương. Do đó, khi thấy trẻ đau bất thường ở hệ thống xương khớp, phụ huynh nên đưa bé đến các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình nhi để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời. Các trường hợp bị chấn thương nếu điều trị trễ sẽ khiến các mặt khớp biến dạng. Cho dù có điều trị tốt ban đầu nhưng về sau vẫn có những biến chứng muộn khi lớn tuổi, hoặc thoái hóa khớp”, bác sĩ Tiếp khuyến cáo.

Hồ Quang