Để ngân hàng và SJC bán vàng trực tiếp là hợp lý
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:43, 06/06/2024
Để ngân hàng và SJC bán vàng trực tiếp là hợp lý
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện chỉ còn 3,98 triệu đồng mỗi lượng. Điều này có thể thấy mục tiêu bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thành công.
Ngày 6.6, NHNN công bố giá bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC là 75,98 triệu đồng/lượng, lập tức các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt giảm giá mua vào gần 2 triệu đồng, giá bán ra giảm 1 triệu đồng/lượng so với phiên hôm qua.
Theo đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết giá vàng miếng SJC bán ra là 76,98 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với phiên hôm qua và cao hơn mức giá nhập từ NHNN là 1 triệu đồng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào là 74,98 triệu đồng/lượng, giảm 1,8 triệu đồng so với ngày 5.6. Giá bán ra là 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán là 2 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường, các doanh nghiệp như Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý... điều chỉnh giá vàng miếng SJC ngày 6.6 bằng mức giá của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC là 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại một số doanh nghiệp như Doji, giá vàng miếng mua vào giảm tới 1,9 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng miếng SJC đã giảm tới 4 triệu đồng/lượng so với thời điểm trước khi 4 ngân hàng trên chính thức tham gia bán vàng miếng.
NHNN khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng việc NHNN Việt Nam cho phép 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC mua vàng bán cho người dân đã góp phần rất quan trọng giảm giá bán vàng trong thời gian vừa qua.
Phương án bán vàng cho các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp hiện nay của NHNN là một bước đi hợp lý vì mức giá sàn NHNN Việt Nam đưa ra chỉ cao hơn một chút so với giá thế giới cộng với chi phí, giảm khâu trung gian, bảo đảm tính công khai minh bạch hơn rất nhiều bởi với các yêu cầu có hóa đơn thanh toán, chuyển khoản nếu vượt 400 triệu đồng phải báo cáo nguồn tiền, mục đích sử dụng,...
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng đây vẫn là giải pháp tình thế để giải quyết các vấn đề trước mắt theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN Việt Nam sớm bình ổn thị trường.
Về lâu dài, TS Lực nhìn nhận cơ quan quản lý nên cho phép một số doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện nhập khẩu vàng để tăng lượng cung cho thị trường. Bên cạnh đó, khi sửa đổi Nghị định 24 cần xóa bỏ độc quyền về sản xuất, độc quyền về nhập khẩu đối với vàng miếng của NHNN Việt Nam cũng như độc quyền của SJC.
"Chúng ta cần sớm xem xét sửa nghị định theo hướng bỏ yếu tố độc quyền, và phân vai nhiệm vụ chức năng cụ thể hơn, nhất là sự phối kết hợp giữa cơ quan bộ ngành cùng điều tiết quản lý thị trường vàng tốt hơn", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ngày 6.6, NHNN tiếp tục hạ giá bán vàng còn 75,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch vàng trong nước và quốc tế về gần 4 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng hồi tháng trước, giá vàng SJC đã "bốc hơi" hơn 16 triệu đồng/lượng, tương đương giảm gần 18%.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: "Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời".
Về lâu dài, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, ngăn chặn tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế.
Ngày hôm nay, giá vàng trên thị trường thế giới đang được niêm yết ở mức 2.370 USD/ounce, tăng 40 USD/ounce so mở phiên 5.6. Quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 72,67 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra khoảng gần 4 triệu đồng/lượng.