Loạt giải pháp làm mát không máy lạnh của các trường học Singapore
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:02, 05/06/2024
Loạt giải pháp làm mát không máy lạnh của các trường học Singapore
Trang Straits Times giới thiệu loạt giải pháp làm mát dễ thực hiện và không quá tốn kém mà các trường học ở Singapore triển khai giữa mùa nắng nóng.
Nắng nóng cực đoan cùng chỉ số tia cực tím (UV) đạt mức cực cao khiến không ít trường học châu Á phải đóng cửa để đảm bảo sức khỏe cho học sinh lẫn giáo viên. Từ đầu năm đến nay, Singapore cũng từng ghi nhận chỉ số UV lên đến 14 (tối đa 15) vào ngày 15.2 và nhiệt độ cao nhất trong ngày chạm mức 36,4 độ C (ngày 26.4) ở khu vực Paya Lebar.
Tại đảo quốc sư tử, hầu hết trường tiểu học lẫn trung học đều không lắp máy lạnh, thay vào đó, họ chọn triển khai giải pháp xanh và bền vững hơn.
Đồng phục thoáng mát
Năm 2020, trường trung học Beatty ra mắt bộ đồng phục với áo thun có cổ làm bằng chất liệu thoáng mát và thấm hút mồ hôi. Đây là một trong số ít trường có đồng phục thứ hai thoải mái hơn khi mặc.
Học sinh Lucas Tan chia sẻ: “Bộ đồng phục chính thức hạn chế chuyển động của em, hơn nữa lại dính vào cơ thể khi em đổ mồ hôi. Khi mặc nó với cà vạt trong thời tiết nóng bức, em cảm thấy rất chật chội, thường xuyên đổ mồ hôi nên rất khó tập trung trong giờ học”.
Theo Tan, chất liệu của áo thun có cổ thoáng mát đồng thời giúp mồ hôi khô nhanh hơn. Kể từ tháng 4, trường cho phép học sinh mặc đồng phục mới mỗi ngày. Trước đó các em phải mặc đồng phục truyền thống (sơ mi cùng cà vạt) vào ngày thứ Hai.
Giáo viên cũng được mặc đồng phục áo thun có cổ để đi dạy hằng ngày thay vì chỉ mặc lúc trường tổ chức sự kiện. Cô giáo tiếng Anh Toh Ji Rong nhận xét trang phục này rất thoải mái mà lại không xuề xòa.
“Là giáo viên, chúng tôi phải giữ hình tượng. Vì vậy người không phải giáo viên thể dục như chúng tôi không thể ăn mặc xuề xòa với áo thun được. Áo thun có cổ phù hợp hơn”, theo cô Toh.
Trồng thêm cây xanh và quạt hơi nước
Năm 2005, trường tiểu học Yu Neng bắt tay thực hiện nỗ lực trồng cây khắp khuôn viên. Straits Times ghi nhận hầu hết không gian ngoài trời không dùng làm lối đi hay phục vụ hoạt động vui chơi/ tập thể dục đều trở thành mảng xanh mát mẻ.
Trường có cây cao su, cây xoài cùng cây cọ cao tạo bóng mát. Họ lựa chọn cây dựa trên mức độ phát triển và dễ chăm sóc.
Học sinh Ashton Choo xem mảng xanh như một phần bản sắc của trường: “Chúng em có khu vườn sinh thái nơi có thể ngắm nhìn nhiều loại cây khác nhau cũng như tận hưởng bóng mát. Cảm giác của chúng em là cây cối thuộc về trường, không có chúng trường không còn bình thường nữa”.
Ở nơi không thể phủ xanh, trường tìm đến giải pháp công nghệ. Mười chiếc quạt công suất lớn do một nhà hảo tâm tặng năm 2015 được đặt ở căng tin, hội trường, lối đi. Giám đốc điều hành Lim Yew Chai cho biết quạt giúp lưu chuyển không khí mát và tạo ra gió xa khoảng 10 mét.
Sơn chống nóng, quạt trần, rèm cửa
Trường trung học Tampines sử dụng sơn chống nóng và bố trí quạt trần, rèm cửa, ghế có lỗ thoáng khí một cách hợp lý để học sinh lẫn giáo viên thấy mát mẻ hơn.
Lớp sơn chống nóng được sơn lên mái có tác dụng phản xạ nhiều bức xạ mặt trời hơn, khiến nhiệt độ bề mặt mái giảm tối đa 12 độ C, còn nhiệt độ trần lớp học giảm trung bình 1,8 độ C.
Tám quạt điện một chiều thông minh đặt so le trong lớp học cải thiện tốc độ luồng không khí lưu thông đồng thời phân phối không khí đồng đều hơn. Ngoài ra tấm chắn mưa ngoài cửa sổ được cải biến thành rèm che tạo bóng khiến nhiệt độ sàn giảm 1,2 độ C.
Còn ghế có lỗ thoáng khí tăng khả năng truyền nhiệt bề mặt lên 37%, giúp học sinh thấy thoải mái hơn vì mồ hôi khô nhanh hơn.