Giá nhiên liệu tăng, ngư dân đối mặt mùa biển khó

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:40, 31/05/2024

Chi phí đầu vào tăng cao, sản lượng thủy sản đánh bắt giảm, đầu ra bấp bênh... là những khó khăn mà ngư dân Bạc Liêu đang phải đối mặt, nhiều tàu cá đã buộc phải nằm bờ vì thua lỗ.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Giá nhiên liệu tăng, ngư dân đối mặt mùa biển khó

Trần Khải 31/05/2024 16:40

Chi phí đầu vào tăng cao, sản lượng thủy sản đánh bắt giảm, đầu ra bấp bênh... là những khó khăn mà ngư dân Bạc Liêu đang phải đối mặt, nhiều tàu cá đã buộc phải nằm bờ vì thua lỗ.

Nếu như mọi năm, vào thời điểm này, tại cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) không khí lao động tất bật, tàu cá đầy khoang trở về sau những chuyến đánh bắt dài, thì nay không khí rất trầm lắng.

Theo nhiều ngư dân, hiện nay số lượng tàu đánh bắt ngoài khơi nhiều, ngư trường đang ngày càng cạn kiệt, cùng với giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, trong khi giá thành sản phẩm không tăng đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động đánh bắt của ngư dân.

anh-3-ngu-dan-huyen-dong-hai-boc-do-hai-san-tu-tau-ca-vao-cang-ganh-hao..jpg
Chi phí đầu vào tăng nhưng giá thành sản phẩm lại giảm khiến hoạt động đánh bắt của ngư dân gặp khó - Ảnh: N.D

Vừa cập bến bán hải sản sau nhiều ngày ra biển đánh bắt, ông Lê Minh Tiến ngụ thị trấn Gành Hào chia sẻ: “Chuyến biển này khó bù đủ chi phí do giá xăng dầu cao, trong khi lượng thủy sản thu được thì ít. Chi phí mỗi chuyến biển tăng hơn trước rất nhiều nhưng giá cả nhiều mặt hàng hải sản lại sụt giảm”.

Theo ước tính của ông Tiến, chuyến biển này thu được khoảng 300 triệu đồng nhưng chi phí chuyến đi đã ngót nghét 400 triệu, thành ra thua lỗ. “Sản lượng sụt giảm, chi phí nhiên liệu, nhân công tăng là nguyên nhân khiến cho chuyến ra khơi liên tục bị thua lỗ”, ông Tiến nói.

Gia đình ông Mã Thanh Tường, chủ tàu cá ở thị trấn Gành Hào cho hay tàu cá của gia đình ông có công suất lớn. Chi phí phục vụ cho mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 1 tháng lên đến hơn 700 triệu đồng. Theo ông Tường, trước đây, khi giá dầu còn thấp (khoảng 15.500 đồng/lít), sau khi trừ hết các chi phí, mỗi chuyến ông lãi hơn 100 triệu đồng. “Hiện giá dầu đang ở mức 19.900 đồng/lít, mỗi lần ra khơi, riêng chi phí nhiên liệu đã tăng thêm từ 80 - 100 triệu đồng. Giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay cùng với ngư trường ngày càng cạn kiệt nên nhiều chuyến biển đã qua tôi đều lỗ”, ông Tường cho biết.

anh-2-do-ngu-truong-can-kiet-chi-phi-doi-len-qua-cao-khien-viec-ra-khoi-cua-ngu-dan-lien-tuc-thua-lo..jpg
Hoạt động ở cảng cá Gành Hào không còn nhộn nhịp như trước - Ảnh: N.D

Ông Huỳnh Tuấn Khanh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) cho biết từ đầu năm đến nay tình hình khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, nhiều tàu cá không ra khơi khiến sản lượng giảm so với mục tiêu đề ra.

Chia sẻ về những khó khăn của ngư dân hiện nay, Bí thư Đảng ủy thị trấn Gành Hào cho hay giá đầu vào tăng cao, nhất là giá dầu, đã kéo theo các chi phí khác cũng tăng. Trong khi đó giá các sản phẩm bán ra thị trường lại giảm khiến nhiều chủ tàu rơi vào khó khăn, thủy sản bán ra không đủ bù đắp chi phí ra khơi. Việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tỷ trọng sản xuất chung của địa phương.

Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 800 tàu cá đăng ký, đăng kiểm (tổng công suất hơn 202.000CV, với khoảng 5.400 thuyền viên); tàu chiều dài từ 15m trở lên có 446 chiếc. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá nhiên liệu tăng, cùng với thời tiết bất thường trên biển khiến việc đánh bắt thủy sản trên biển chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, Bạc Liêu là địa phương có nghề khai thác thủy sản phát triển khá mạnh, sản lượng đạt 100.000 tấn/năm. Đánh bắt, khai thác thủy sản được xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc khẳng định quyết tâm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm phát triển ngành thủy hải sản của cả nước.

Tuy nhiên, sức ép của chi phí khai thác ngày càng tăng, trong khi giá cả các mặt hàng thủy hải sản lại giảm khiến bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn.

anh-so-1-anh-1-khong-it-ngu-dan-bac-lieu-co-nhu-cau-ban-phuong-tien-do-khai-thac-kem-hieu-qua..jpg
Đánh bắt thua lỗ, nhiều tàu cá buộc phải nằm bờ - Ảnh: N.D

“Để khai thác thủy sản biển ổn định theo hướng bền vững, đơn vị đã khuyến cáo ngư dân tập trung đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ nhau được tốt hơn và thực hiện hậu cần nghề cá, giảm chi phí, tăng hiệu quả lao động” ông Xuân cho biết thêm.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác ở tỉnh Bạc Liêu hơn 41.500 tấn, đạt trên 38% kế hoạch năm. Nhiều ngư dân mong muốn, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, các ngành chức năng, tỉnh cũng cần đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ổn định lao động nghề biển cũng như có giải pháp bình ổn giá xăng dầu… để giúp ngư dân an tâm bám biển.

Trần Khải