Apple đặt cược vào cơ sở người dùng khổng lồ để giành chiến thắng trong lĩnh vực AI
Thế giới số - Ngày đăng : 23:05, 26/05/2024
Apple đặt cược vào cơ sở người dùng khổng lồ để giành chiến thắng trong lĩnh vực AI
Apple đang đặt cược rằng lượng người dùng khổng lồ có thể mang lại lợi thế cho hãng, dù bộ tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên có thể không ấn tượng bằng các sản phẩm của đối thủ.
Tại hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple (WWDC) diễn ra trong tháng 6 tới, công ty sẽ tiết lộ cách tiếp cận khác về AI, tập trung vào các công cụ mà người tiêu dùng có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày của họ. Ý tưởng là Apple tập trung phát triển các tính năng AI thực tế và hữu ích cho người dùng thay vì chạy theo những thứ hào nhoáng, phô trương.
Apple đang ở một vị trí đầy thách thức khi cần thuyết phục người tiêu dùng và nhà đầu tư rằng công ty đang làm những điều thú vị trong AI. Mặt khác, Apple đang chạy theo sau các thông báo quan trọng về AI của OpenAI, Google và Microsoft.
Apple sẽ dành phần lớn thời gian tại WWDC 2024 để trình bày các tính năng liên quan đến AI. Trọng tâm của chiến lược mới là Project Greymatter - bộ công cụ AI mà Apple sẽ tích hợp vào các ứng dụng cốt lõi như Safari, Photos và Notes. Nỗ lực này cũng có cả các tính năng của hệ điều hành iPhone và macOS 15, như thông báo được cải tiến.
Hệ thống sẽ hoạt động như sau: Phần lớn quá trình xử lý các tính năng AI đơn giản hơn sẽ diễn ra hoàn toàn trên thiết bị. Song với tính năng yêu cầu sức mạnh xử lý lớn hơn, công việc đó sẽ được đẩy lên đám mây.
Apple đang đưa các tính năng AI mới lên iOS 18 cho iPhone và macOS 15 của máy Mac. Cả hai hệ điều hành này sẽ có cả phần mềm xác định xem một tác vụ nên được xử lý trên thiết bị hay thông qua đám mây. Hầu hết tính năng AI được xử lý trực tiếp trên thiết bị bằng chip iPhone, iPad và Mac trình làng vào khoảng năm ngoái hoặc xa hơn. Chip M2 Ultra đặt trong trung tâm dữ liệu sẽ xử lý các tính năng AI được đẩy lên đám mây.
Có một số tính năng mới đang được triển khai trong năm nay, gồm chuyển bản ghi âm giọng nói thành văn bản, chỉnh sửa ảnh bằng AI, giúp tìm kiếm nhanh hơn và đáng tin cậy hơn trong Spotlight. Apple cũng sẽ cải thiện khả năng tìm kiếm trên web của Safari, tự động đề xuất trả lời email và tin nhắn văn bản.
Trợ lý cá nhân Siri cũng sẽ được nâng cấp, với tương tác nghe và nói có vẻ tự nhiên hơn dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn của chính Apple - công nghệ cốt lõi đằng sau AI tạo sinh. Ngoài ra, phiên bản Siri tiên tiến hơn sắp có mặt trên Apple Watch cho các tác vụ khi đang di chuyển. Các công cụ dành cho nhà phát triển, gồm cả Xcode, cũng nhận được cải tiến về AI.
Xcode là môi trường phát triển tích hợp (IDE) được Apple tạo ra cho hệ điều hành macOS. Nó được sử dụng để phát triển phần mềm cho các thiết bị Apple như iPhone, iPad, Mac, Apple Watch và Apple TV.
Một tính năng nổi bật sẽ mang AI tạo sinh đến với emoji (biểu tượng cảm xúc). Apple đang phát triển phần mềm có thể tạo biểu tượng cảm xúc tùy chỉnh một cách nhanh chóng, dựa trên những gì người dùng đang nhắn tin. Điều đó đồng nghĩa bạn sẽ bất ngờ có một biểu tượng cảm xúc hoàn toàn mới cho bất kỳ dịp nào, vượt ra ngoài danh mục các tùy chọn mà Apple cung cấp trên iPhone và thiết bị khác.
Một cải tiến thú vị khác (không liên quan đến AI) sẽ là màn hình chính của iPhone được tân trang lại, cho phép người dùng thay đổi màu sắc biểu tượng ứng dụng và đặt chúng ở bất cứ đâu họ muốn. Ví dụ, bạn có thể làm cho tất cả biểu tượng mạng xã hội có màu xanh lam hoặc các biểu tượng liên quan đến tài chính có màu xanh lá cây. Chúng sẽ không cần phải được đặt vào lưới tiêu chuẩn đã tồn tại kể từ ngày đầu tiên vào năm 2007.
Một phần trong nỗ lực của Apple là tạo ra các bản tóm tắt thông minh. Công nghệ này sẽ có thể cung cấp cho người dùng bản tóm tắt các thông báo bị bỏ lỡ và tin nhắn văn bản riêng lẻ cũng như những trang web, bài báo, tài liệu, ghi chú cùng các hình thức truyền thông khác.
Tất nhiên Apple sẽ làm tất cả những điều này trong khi phải đảm bảo với người dùng rằng cam kết về quyền riêng tư của họ vẫn mạnh mẽ. Công ty đã dành nhiều năm để giới thiệu những lợi ích của việc xử lý trên thiết bị và cách có thể giữ dữ liệu an toàn, bảo mật tốt hơn. Apple thậm chí còn chỉ trích các đối thủ vì không sử dụng cách tiếp cận tương tự. Giờ đây, Apple phải lập luận rằng các tính năng AI dựa trên nền tảng đám mây của họ vẫn sẽ duy trì quyền riêng tư dù gửi thông tin có khả năng nhạy cảm đến trung tâm dữ liệu.
Để giải thích điều này, Apple có thể sẽ nhấn mạnh rằng hãng không xây dựng hồ sơ người dùng, điều mà Google và Meta Platforms bị chỉ trích vì đã làm. Apple cũng có thể sẽ giới thiệu các tính năng bảo mật của chip dòng M mà hãng đang sử dụng để tiến hành xử lý trên đám mây. Điều đó có thể không đủ để thuyết phục những người ủng hộ quyền riêng tư, nhưng không chắc hầu hết khách hàng sẽ quan tâm.
Hiện tại, nhiều tính năng AI của Apple trong số này chỉ đơn giản là bắt kịp các đối thủ, không có bước nhảy vọt nào ở đây. Google đã có nhiều tính năng AI tương tự trên các thiết bị Pixel của mình trong vài năm. Năm 2024, Samsung Electronics đã từ bỏ việc phát triển các tính năng AI nổi bật của riêng mình và thay vào đó dựa vào mô hình Google Gemini.
Cũng chưa có chatbot AI nào do Apple thiết kế. Điều đó có nghĩa là Apple sẽ không cạnh tranh trong lĩnh vực AI thu hút sự chú ý nhất: Thị trường bùng nổ sau khi OpenAI phát hành ChatGPT vào cuối năm 2022.
Dù một số giám đốc Apple phản đối ý tưởng về chatbot AI nội bộ, nhưng nhu cầu về nó là điều không thể tránh khỏi. Chatbot AI mà Apple tự phát triển đơn giản là chưa thể đáp ứng được yêu cầu.
Giải pháp là hợp tác. Về mặt đó, Apple đã tổ chức các cuộc đàm phán với cả Google và OpenAI về việc tích hợp chatbot của họ vào iOS 18. Hồi tháng 3, có vẻ như Apple với Google đã gần đạt được thỏa thuận và cả hai phía đều cảm thấy mọi thứ có thể được thống nhất trước WWDC 2024 (diễn ra từ ngày 10.6 đến 14.6). Song cuối cùng, Apple đã đạt được thỏa thuận sớm hơn với OpenAI do Sam Altman điều hành và sự hợp tác này sẽ là một phần trong thông báo tại WWDC.
Apple thừa nhận rằng không thể cạnh tranh trong lĩnh vực AI hấp dẫn nhất. Song thỏa thuận với OpenAI mang lại cho Apple một chatbot tiên tiến nhất và có lợi thế tiềm năng so với các thiết bị Samsung, vốn sử dụng chatbot Gemini.
Dù vậy, hợp tác với OpenAI đi kèm rủi ro. Sam Altman ngày càng gây tranh cãi trong thế giới AI, ngay cả trước vụ việc OpenAI bị Scarlett Johansson tố sao chép giọng nói của cô cho ChatGPT. OpenAI cũng có một cơ cấu công ty bấp bênh. Sam Altman đã bị cách chức giám đốc điều hành một thời gian ngắn vào tháng 11.2023, gây ra cuộc khủng hoảng cho nhân viên và nhà đầu lớn nhất là Microsoft.
Nói cách khác, Apple không thể thoải mái với OpenAI là nhà cung cấp duy nhất cho một trong những tính năng AI quan trọng của iOS 18. Đó là lý do tại sao Apple vẫn đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với Google để cung cấp cho Gemini như một tùy chọn, nhưng đừng mong đợi điều này sẽ được công bố vào tháng 6.
Nếu chào đón các nhà sản xuất chatbot khác, Apple có thể sẽ xử lý theo từng trường hợp cụ thể. Dù Apple thường mở rộng các tính năng cho tất cả nhà phát triển bên thứ ba, nhưng ở đây, công ty dự kiến sẽ thận trọng và đưa ra các thỏa thuận riêng lẻ. Trong mọi trường hợp, các mối quan hệ đối tác sẽ giúp Apple có thêm thời gian phát triển chatbot AI riêng.
Câu hỏi lớn là liệu việc Apple đang cố gắng bắt kịp các đối thủ có thực sự quan trọng hay không? Apple có một lợi thế mà ít đối thủ nào có thể sánh được là lượng người dùng khổng lồ.
Sẽ có hàng trăm triệu thiết bị Apple trên khắp thế giới có thể hỗ trợ các tính năng AI khi chúng ra mắt vào cuối năm nay. Chủ sở hữu những thiết bị này có thể sẽ thử các tính năng mới, điều đó sẽ biến Apple trở thành người chơi AI lớn chỉ sau một đêm.
Song hiện tại, đã có những dấu hiệu cho thấy sáng kiến AI của Apple vẫn đang trong quá trình phát triển. Apple đang cân nhắc tiếp thị các tính năng AI này dưới dạng bản xem trước (ít nhất là trong các phiên bản beta dành cho nhà phát triển trước khi ra mắt chính thức vào tháng 9 tới), cho thấy chúng vẫn chưa hoàn thiện.
Đó sẽ là động thái không tốt, đặc biệt khi xét đến lịch sử của Apple. Điển hình là Siri được Apple ra mắt dưới dạng thử nghiệm vào năm 2011 và đến nay vẫn gặp khó khăn để theo kịp đối thủ.