Lithuania, Phần Lan phản ứng gay gắt trước đề xuất điều chỉnh biên giới Nga trên biển Baltic

Quốc tế - Ngày đăng : 22:10, 22/05/2024

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 22.5 nhấn mạnh Nga phải hành động trước để chuẩn bị cho cuộc đối đầu ở Baltic.
Quốc tế

Lithuania, Phần Lan phản ứng gay gắt trước đề xuất điều chỉnh biên giới Nga trên biển Baltic

Hoàng Vũ (theo Newsweek) 22/05/2024 22:10

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 22.5 nhấn mạnh Nga phải hành động trước để chuẩn bị cho cuộc đối đầu ở Baltic.

Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO gần đây đã truyền cảm hứng cho thuật ngữ "hồ NATO" để ám chỉ Biển Baltic, nơi được bao quanh hoàn toàn bởi các thành viên liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, ngoại trừ Nga.

Vùng biển này là tâm điểm của những căng thẳng trong khu vực, bao gồm việc Nga tố NATO gây nhiễu GPS, hay một cuộc khủng hoảng nhập cư mà Phần Lan cho rằng do Moscow kích động. Nhiều thành viên trong liên minh có cùng biên giới với Nga cũng lo ngại Moscow sẽ tấn công.

nguoi-phat-ngon-dien-kremlin.png
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov - Ảnh: Getty

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hôm 22.5 dẫn lời ông Peskov cho biết: “Mức độ đối đầu ở khu vực Baltic đòi hỏi Nga phải thực hiện các bước để đảm bảo an ninh của mình. Tình hình thế giới đòi hỏi phải đối thoại sâu sắc để tìm cách thoát khỏi căng thẳng, nhưng tập thể phương Tây lại bác bỏ điều đó”.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga trình dự thảo nghị quyết, đề xuất sửa đổi biên giới lãnh hải Nga ở Biển Baltic. Theo bản dự thảo, cơ quan quốc phòng Nga đề xuất điều chỉnh đường biên giới xung quanh các đảo của Nga ở phía đông Vịnh Phần Lan và xung quanh vùng Kaliningrad (lãnh thổ hải ngoại của Nga).

“Việc phê duyệt dự thảo sẽ thiết lập một hệ thống đường cơ sở còn thiếu ở phần phía nam các đảo của Nga nằm ở Vịnh Phần Lan, gần các huyện Baltiysk và Zelenogradsk (Kaliningrad) và cho phép Nga sử dụng vùng biển này làm nội bộ. Biên giới trên biển của Nga sẽ thay đổi”, TASS trích dẫn tóm tắt nội dung dự thảo.

Theo dự thảo nghị quyết, các tọa độ địa lý trước đây được đăng ký dựa trên các bản đồ dẫn đường hàng hải tỷ lệ nhỏ và không phản ánh biên giới biển thực tế của khu vực. Do đó, “hành lang biên giới quốc gia của Liên bang Nga trên biển sẽ thay đổi”, bản tóm tắt dự thảo nghị định cho hay.

Tuy nhiên, văn kiện này không nêu rõ Nga sẽ điều chỉnh biên giới như thế nào và nếu có thì việc tham vấn với các quốc gia khác xung quanh biển Baltic ra sao. Nếu được thông qua, nghị quyết sẽ có hiệu lực vào tháng 1.2025.

Một nguồn tin quân sự-ngoại giao Nga chia sẻ rằng Moscow “không có ý định sửa đổi chiều rộng của lãnh hải, vùng kinh tế, thềm lục địa ngoài khơi bờ biển đất liền và đường biên giới quốc gia của Liên bang Nga ở vùng Baltic”. Moscow chỉ dự định xác định lại tọa độ địa lý của các điểm cơ sở để đo lại chiều rộng lãnh hải, vùng lân cận gần bờ biển và các đảo của Nga.

Dự thảo nghị quyết của Nga đã vấp phải sự chỉ trích từ các quốc gia quanh biển Baltic như Phần Lan và Lithuania. Bộ Ngoại giao Lithuania gọi đây là “một hành động khiêu khích leo thang có chủ đích, nhằm đe dọa các nước láng giềng”.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng đề xuất của Nga là hành động nhằm gây căng thẳng với NATO và chống lại Liên minh châu Âu (EU). “Đây là sự leo thang rõ ràng chống lại NATO và EU, phải bị đáp trả bằng phản ứng cứng rắn thích hợp”, ông Landsbergis nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho rằng Nga nên tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và cho rằng Nga đang gieo rắc “sự nhầm lẫn”.

“Liên bang Nga là một bên tham gia công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển và rõ ràng là mọi bên tham gia công ước này đều hành động tuân theo nó”, Bộ Ngoại giao Phần Lan ra tuyên bố hôm 22.5.

Charly Salonius-Pasternak, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan (FIIA) nói với Newsweek rằng nếu Nga đang tìm cách thay đổi biên giới trên biển thì NATO và EU sẽ cần phải cùng nhau phản ứng.

“NATO với tư cách là một liên minh phòng thủ tập thể rõ ràng nên phản ứng sẽ chỉ có ý nghĩa nếu Phần Lan quốc tế hóa vấn đề này và không cố gắng coi nó như một vấn đề ngoại giao song phương. Và sẽ là một sai lầm nếu đánh giá thấp điều này. Đồng minh có thể xem Phần Lan phản ứng thế nào với điều này, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động”, Salonius-Pasternak nhấn mạnh.

Hoàng Vũ (theo Newsweek)