Liên tiếp xử phạt nhiều doanh nghiệp bán vàng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:31, 16/05/2024

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, Nghệ An, Bình Phước,... xử phạt nhiều cửa hàng kinh doanh vàng vi phạm về lĩnh vực giá và hàng hóa giả mạo.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Liên tiếp xử phạt nhiều doanh nghiệp bán vàng

Tuyết Nhung - Ảnh: Tổng cục QLTT {Ngày xuất bản}

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, Nghệ An, Bình Phước,... xử phạt nhiều cửa hàng kinh doanh vàng vi phạm về lĩnh vực giá và hàng hóa giả mạo.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ngày 16.5 cho biết Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Ngày 15.5 đơn vị này đã ban hành quyết định xử phạt 1 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng có trụ sở tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An với mức xử phạt tiền là 55 triệu đồng.

vang-doi-11-thang-5(1).jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra các mặt hàng vàng

Ngày 7.5, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng nêu trên.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại cửa hàng của doanh nghiệp đang bày bán trang sức có in, gắn nhãn hiệu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Chanel. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hàng hóa. Đội kiểm tra đã tiến hành tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Qua quá trình làm việc với đại diện doanh nghiệp và các văn bản xác định hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp về hành vi "Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu". Giá trị hàng hóa vi phạm là 23.210.000 đồng.

"Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh Nghệ An tiếp tục bám sát chỉ đạo của cấp trên tăng cường công tác phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan để để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần bình ổn thị trường vàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An", lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Tại Bình Phước, Cục QLTT tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh vàng năm 2024.

Theo đó, đơn vị này đã kiểm tra 2 tổ chức kinh doanh vàng trên địa bàn. Qua kiểm tra, các tổ chức kinh doanh đã xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định, mặt hàng vàng, trang sức mỹ nghệ được bày bán tại cửa hàng có hợp đồng, hóa đơn chứng từ đầy đủ, không có dấu hiệu xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ.

cua-hang-vang.png
Lực lượng chức năng kiểm tra các mặt hàng vàng

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 2 doanh nghiệp trên có hành vi vi phạm: Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt với số tiền 30.000.000 đồng.

"Trong thời gian tới, lực lượng QLTT địa phương sẽ tích cực tăng cường công tác quản lý địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến các tổ chức kinh doanh vàng chấp hành đúng quy định trong hoạt động kinh doanh", đại diện Cục QLTT tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.

Tại Cà Mau, Cục QLTT tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện Công điện số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Theo đó, từ ngày 11.4 đến ngày 19.4, Đội QLTT số 6 kiểm tra đột xuất phát hiện tám vụ vi phạm. Trong đó có hai vụ vi phạm về lĩnh vực giá, sáu vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel.

Đội QLTT số 6 đề xuất Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Cà Mau ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 272 triệu đồng.

Trên cơ sở đó, Đội QLTT số 6 đã triển khai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời, giám sát tổ chức, cá nhân vi phạm kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ Chanel tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm bằng cách dùng kiềm cắt kim loại để cắt logo Chanel đính, đúc trên hàng hóa xử lý theo quy định của pháp luật. Tổng trị giá hàng hóa giả mạo nhãn hiệu buộc tiêu hủy hơn 150 triệu đồng.

Cùng với QLTT, ngành thuế và ngành hải quan cũng cho biết sẽ vào cuộc để tăng cường phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tổng cục Thuế cho biết sẽ chỉ đạo các Cục Thuế chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành quy định áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm kinh doanh vàng.

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, QLTT kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các vi phạm về thuế, hóa đơn; chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo cơ quan hải quan các cấp chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, biên phòng, QLTT; đẩy mạnh kiểm tra, điều tra, tổ chức đấu tranh kịp thời ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên bộ, trên biển và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan.

Tập trung đấu tranh đối với các chuyên án buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng vàng, ngoại tệ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới.

Tuyết Nhung - Ảnh: Tổng cục QLTT