Giá nhà đất TP.HCM bắt đầu giảm vì dịch COVID-19
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:16, 09/04/2020
Theo DKRA Việt Nam, trước tác động của dịch COVID-19 lên các hoạt động kinh tế và đời sống, sức cầu chung của thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục suy giảm do áp lực tài chính và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Dự kiến trong quý 2/2020, đất nền vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ so với quý 1, dao động khoảng 2.000 – 2.500 căn. Khu đông và khu nam tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung mới. Loại hình căn hộ cao cấp và trung cấp vẫn dẫn dắt thị trường trong khi căn hộ bình dân tiếp tục khan hiếm. Sức cầu chung trong ngắn hạn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, có thể sẽ duy trì xu hướng giảm ở quý 1.
Đối với nhà phố, biệt thự, DKRA cho rằng nguồn cung mới có thể sẽ giảm trong quý 2, dao động ở mức 400 - 500 căn, tập trung ở một số dự án có quy mô lớn. Ở phân khúc này, khu đông và khu nam tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung mới. Các dự án có mức giá dao động trong khoảng 10 tỉ đồng/căn luôn được thị trường ưu tiên lựa chọn.
Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới biệt thự biển và condotel có thể sẽ lên đến khoảng 200 - 300 căn đối với biệt thự biển và khoảng 600 - 800 căn đối với condotel. Các dự án đa phần vẫn tập trung ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đà Nẵng. Tuy nhiên, sức cầu chung tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý 1 và duy trì ở mức rất thấp trong quý 2.
“Trong quý 2 và có thể đến cả quý 3, thị trường bất động sản ở TP.HCM sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung lẫn sức cầu. Với những dự án có nguồn cung mới, tình hình giao dịch có thể sẽ biến động phụ thuộc vào sức cầu và diễn biến của thị trường”, DKRA nhận định.
Cũng theo DKRA, ở quý 1/2020, bên cạnh đà suy giảm của thị trường từ cuối năm 2019, lĩnh vực bất động sản tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ sau Tết Nguyên đán. Quý 1/2020 chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nguồn cung mới và sức cầu của hầu hết các phân khúc. Đặc biệt, phân khúc căn hộ, sản phẩm chủ đạo của thị trường bất động sản nhà ở đã suy giảm nguồn cung đến mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay.
Các phân khúc khác như đất nền, nhà phố biệt thự, bất động sản nghỉ dưỡng cũng không có nhiều tín hiệu tích cực. Đồng thời, mức giá và tình hình giao dịch thứ cấp giảm mạnh cho thấy tính thanh khoản của thị trường khá thấp.
Tại TP.HCM, trong quý 1/2020 chỉ có 3 dự án đất nền mới đáng chú ý ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 175 nền, giảm đến 74% so với nguồn cung mới của quý trước và giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là quý có nguồn cung thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Mặc dù khan hiếm nguồn cung mới nhưng thị trường không có nhiều diễn biến tích cực khi giao dịch thứ cấp giảm mạnh và mức giá thứ cấp cũng có dấu hiệu giảm.
Trong khi đó, các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu trong quý 1 cũng chứng kiến nguồn cung mới và sức cầu giảm đáng kể so với quý trước, ngoại trừ thị trường Bình Dương do Thuận An và Dĩ An được nâng cấp lên thành phố. Ở các khu vực còn lại, mức thanh khoản khá kém dù nhiều chủ đầu tư đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn với nhiều hình thức khuyến mãi, chiết khấu, tặng vàng... Mặt bằng giá các dự án mở bán mới trong quý ghi nhận mức tăng nhẹ từ 3 - 5% so với quý 4/2019.
Tương tự, ở phân khúc căn hộ, toàn thị trường TP.HCM chỉ có 7 dự án được mở bán, cung ứng khoảng 1.547 căn hộ, giảm 70% nguồn cung so với quý trước và giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019. Quý 1/2020 là quý ghi nhận nguồn cung mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Tình hình giao dịch thứ cấp sụt giảm mạnh ở nhiều dự án thể hiện sự trầm lắng của thị trường căn hộ trong giai đoạn dịch COVID-19.
Phan Diệu