Kinh doanh trong nước bất ổn, các hãng công nghệ lớn Trung Quốc tìm sự tăng trưởng ở Trung Đông

Thế giới số - Ngày đăng : 17:40, 11/05/2024

Các công ty Trung Quốc sẽ ít phải đối mặt với sự giám sát chính trị hơn ở khu vực Trung Đông, các mối quan hệ chủ yếu tập trung vào lợi ích kinh tế.
Thế giới số

Kinh doanh trong nước bất ổn, các hãng công nghệ lớn Trung Quốc tìm sự tăng trưởng ở Trung Đông

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Các công ty Trung Quốc sẽ ít phải đối mặt với sự giám sát chính trị hơn ở khu vực Trung Đông, các mối quan hệ chủ yếu tập trung vào lợi ích kinh tế.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Trong nhiều thập kỷ, các nước ở Trung Đông, đặc biệt là Ả Rập Saudi, đã đặt mối quan hệ với Trung Quốc lên hàng đầu để đảm bảo rằng có một thị trường ổn định cho dầu mà họ sản xuất. Trung Quốc ít cấp thiết phải đáp lại khi kim ngạch xuất khẩu của họ sang Trung Đông không đáng kể so với kim ngạch nhập khẩu. Điều đó bây giờ có thể thay đổi.

Hàng loạt hãng công nghệ lớn Trung Quốc đã bắt đầu chuyển đến Ả Rập Saudi như một phần của kế hoạch mở rộng toàn cầu đầy tham vọng. Mới nhất là gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan, đang tìm cách thuê nhân viên tại Riyadh (thủ đô Ả Rập Saudi). Điều này rất quan trọng vì Meituan sẽ chọn Trung Đông làm thị trường mở rộng ra nước ngoài đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.

Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đang hợp tác với các công ty địa phương ở Ả Rập Saudi và UAE để mở rộng trong khu vực Trung Đông. Tencent đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây ở Trung Đông và đầu tư vào việc lưu trữ dữ liệu. Gã khổng lồ thời trang và thương mại điện tử Shein đã tăng cường sự hiện diện của mình bằng cách tổ chức các buổi trình diễn thời trang và chương trình truyền hình thực tế đầu tiên tại Ả Rập Saudi.

Trong khi công nghệ Trung Quốc ở các lĩnh vực như dịch vụ đám mây và AI đang phát triển nhanh chóng, nhu cầu về ứng dụng và công nghệ của nước này tại các thị trường lớn như Mỹ lại bị đe dọa do căng thẳng địa chính trị gia tăng. Các công ty Trung Quốc sẽ ít phải đối mặt với sự giám sát chính trị hơn ở Trung Đông, nơi các mối quan hệ chủ yếu tập trung vào lợi ích kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia Trung Đông.

kinh-te-trong-nuoc-bat-on-cac-hang-cong-nghe-lon-trung-quoc-tim-su-tang-truong-o-trung-dong.jpg
Công ty cung cấp thực phẩm khổng lồ Meituan đang hướng tới Trung Đông khi lần mở rộng ra nước ngoài đầu tiên bên ngoài Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại đã tạo thêm sự cấp bách cho việc các hãng công nghệ lớn mở rộng ra nước ngoài. Doanh thu của Alibaba trong quý 4/2023 không đạt kỳ vọng. Doanh số bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh game cốt lõi của Tencent bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm mạnh bất ngờ. Biên lợi nhuận thương mại nội địa cốt lõi của Meituan đã giảm và cổ phiếu công ty giảm 1/5 trong năm qua.

Đây là thời điểm thích hợp. Khi tìm kiếm sự tăng trưởng ngoài nhiên liệu hóa thạch, Ả Rập Saudi đang trở nên nghiêm túc hơn trong việc đầu tư vào các ngành công nghiệp mới như AI. Năm nay, Ả Rập Saudi đã tạo ra một quỹ trị giá 100 tỉ USD để đầu tư vào công nghệ mới. Ả Rập Saudi có một thị trường công nghệ tương đối non trẻ, chẳng hạn thị trường dịch vụ đám mây trong nước chỉ vào khoảng 4 tỉ USD, so với hơn 200 tỉ USD ở Mỹ và khoảng 100 tỉ USD tại Trung Quốc.

Năm ngoái, Nga đã vượt qua Ả Rập Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Ả Rập Saudi hiện chỉ bằng một nửa so với nhập khẩu. Việc lọt vào danh sách đối tác tốt của Trung Quốc sẽ giúp củng cố mối quan hệ và cải thiện quan hệ thương mại cho Ả Rập Saudi.

kinh-te-trong-nuoc-bat-on-cac-hang-cong-nghe-lon-trung-quoc-tim-su-tang-truong-o-trung-dong1.jpg
Ả Rập Saudi đang cạnh tranh vị trí dẫn đầu khu vực Trung Đông về công nghệ tiên tiến, với hy vọng tạo ra các trung tâm dữ liệu, công ty AI và sản xuất chất bán dẫn - Ảnh: Shutterstock

Song trong diễn biến đáng chú ý khác, người đứng đầu Alat (quỹ đầu tư mới của Ả Rập Saudi về công nghệ bán dẫn và AI) cho biết họ sẽ thoái vốn khỏi Trung Quốc nếu được Mỹ yêu cầu làm như vậy.

Amit Midha, Giám đốc điều hành của Alat, cho biết: “Đến nay, yêu cầu là giữ cho hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng hoàn toàn tách biệt, nhưng nếu quan hệ đối tác với Trung Quốc trở thành vấn đề với Mỹ, chúng tôi sẽ thoái vốn”. Alat là công ty đầu tư được hỗ trợ 100 tỉ USD vốn từ Quỹ Đầu tư công Ả Rập Saudi (PIF).

Trang Bloomberg đưa tin các quan chức Mỹ nói với những người đồng cấp Ả Rập Saudi rằng họ cần phải lựa chọn giữa công nghệ Trung Quốc và Mỹ khi muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, như một phần của các cuộc đàm phán đang diễn ra về hàng loạt vấn đề an ninh quốc gia.

Amit Midha cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News bên lề Hội nghị Toàn cầu của Viện Milken ở bang California (Mỹ): “Chúng tôi đang tìm kiếm những mối quan hệ đối tác an toàn, đáng tin cậy ở Mỹ. Mỹ là đối tác số một của chúng tôi và là thị trường số 1 cho ngành công nghiệp AI, chip và chất bán dẫn”.

Ả Rập Saudi đang cạnh tranh vị trí dẫn đầu khu vực Trung Đông về công nghệ tiên tiến, với hy vọng tạo ra các trung tâm dữ liệu, công ty AI và sản xuất chất bán dẫn. Tham vọng của Ả Rập Saudi xuất hiện khi Mỹ ngày càng xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ giữa Trung Đông với Trung Quốc, vì lo ngại rằng các nước như Ả Rập Saudi và UAE có thể đóng vai trò là cầu nối để Trung Quốc tiếp cận công nghệ bị chặn mua từ Mỹ.

Mỹ đã yêu cầu G42 (công ty AI có trụ sở tại Abu Dhabi, thủ đô UAE) thoái vốn khỏi công nghệ Trung Quốc, để đổi lấy quyền tiếp tục tiếp cận các hệ thống của Mỹ hỗ trợ các ứng dụng AI. Thỏa thuận đó đã mở đường cho khoản đầu tư 1,5 tỉ USD của Microsoft vào G42.

Trong khi đó, Alat sẽ công bố quan hệ đối tác với hai hãng công nghệ Mỹ vào cuối tháng 6 tới và hợp tác đầu tư cùng với một công ty đầu tư của Mỹ, Amit Midha tiết lộ. Ông từ chối bình luận về việc công ty nào tham gia vào các cuộc đàm phán đó hoặc liệu họ tập trung vào AI, chip hay sự kết hợp của cả hai lĩnh vực này.

Sơn Vân