Thủ đoạn dụ dỗ đầu tư tài chính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:51, 10/05/2024
Thủ đoạn dụ dỗ đầu tư tài chính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi
Thông qua mạng xã hội, nhiều kẻ lừa đảo lập các kịch bản, thậm chí ứng dụng cả trí tuệ nhân tạo để kêu gọi đầu tư tài chính, chứng khoán… một cách tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người “nhẹ dạ cả tin”.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc dụ dỗ đầu tư
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều kẻ lừa đảo lập các group trên mạng xã hội, giả danh chuyên gia để dụ dỗ người khác đầu tư qua việc cài đặt website, app, đầu tư chứng khoán…
Bọn chúng tự nhận là người của các công ty chứng khoán lớn, lợi dụng sự cả tin của người khác để mời gọi họ tham gia các khóa học online, các nhóm kín trên mạng xã hội. Khi nạn nhân đồng ý, những kẻ lừa đảo bắt đầu giới thiệu những cơ hội đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn sinh lời cao, hoặc mua các mã cổ phiếu với giá thấp hơn giá giao dịch trên thị trường…
Để họ nhận được các “cơ hội” như trên, những kẻ lừa đảo hướng dẫn người tham gia cài đặt các ứng dụng trên điện thoai, hoặc truy cập vào đường dẫn website do chúng cung cấp.
Thậm chí, để tăng niềm tin, những kẻ lừa đảo còn cung cấp cho các “nhà đầu tư” nhiều giấy tờ pháp lý của các quỹ đầu tư, tài khoản nhận tiền… Thậm chí chúng còn hứa hẹn hấp dẫn nếu thắng thì hưởng lợi nhuận cao, còn nếu thua lỗ sẽ được bù lại bằng việc mua các mã cổ phiếu với giá ưu đãi thấp hơn nhiều so với giá đang giao dịch.
Khi các “nhà đầu tư” không tỉnh táo, lại thấy những thông tin giả mạo do nhóm lừa đảo cung cấp trùng khớp với thông tin trên internet… liền tin tưởng vào kẻ lừa đảo và gửi tiền. Khi thấy “con mồi” không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc cảm thấy bị nghi ngờ, chúng liền khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền các nạn nhân đã gửi.
Những kẻ lừa đảo còn lập các trang, hội nhóm trên mạng xã hội giả mạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, cơ quan công an, các luật sư uy tín… và quảng cáo có chức năng đặc biệt để giúp nạn nhân lấy lại tiền.
Sau đó, những kẻ lừa đảo tiếp tục yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, ngân hàng, đồng thời dụ dỗ các “khổ chủ” chuyển tiền phí nhiều lần với nhiều lý do khác nhau. Khi nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền thì nhóm lừa đảo sẽ chặn liên lạc.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết đây là một hình thức của thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, các đối tượng tội phạm đã hoạt động chuyên nghiệp hơn khi biết sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thậm chí áp dụng trí tuệ nhân tạo để điều khiển đường dây lừa đảo.
Một đặc điểm chung của bọn tội phạm lừa đảo qua mạng này là hoạt động thành đường dây quy mô lớn, thành ê kíp, có “kịch bản lừa đảo” được xây dựng bài bản để đối phó với tất cả các nạn nhân.
Do đó, theo ông Đồng, nạn nhân nào chúng tiếp cận cũng sẽ bị thuyết phục bởi giọng điệu tư vấn rất chuyên nghiệp, cuối cùng là bị sập bẫy xuống tiền đầu tư, từ đầu tư chứng khoán, tiền ảo, mua hàng trả góp, việc làm tại nhà, việc làm thêm, đầu tư nhỏ lợi nhuận khổng lồ… khiến nạn nhân ham lợi dễ dàng bị sập bẫy.
Biện pháp để tránh bị lừa
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, tình trạng tội phạm mạng hoành hành khắp không gian mạng như hiện nay là mặt trái của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kẻ lừa đảo ở trong nước và ngoài nước, hoạt động rộng và sau khi chiếm đoạt được tiền của nạn nhân thì chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau nhằm xóa dấu vết khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc điều tra, truy bắt.
Luật sư Đồng cho rằng để tránh trở thành nạn nhân của bất kỳ hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản nào, người dân cần cập nhật thông tin từ báo chí, truyền hình cũng như khuyến cáo của cơ quan chức năng thường xuyên, vì đây là kênh thông tin hữu ích hằng ngày nhắc nhở mọi người cảnh giác, đồng thời chuyển tải các thông tin về vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật; là kênh thông tin đa chiều dễ tiếp cận nếu thường xuyên đọc, xem và nghe thì sẽ nhận diện ra được khi bị tội phạm tiếp cận đưa các thông tin không có căn cứ.
“Nếu không may bị sập bẫy lừa đảo qua mạng thì cách duy nhất là tố giác hành vi này lên công an để được giải quyết. Để tránh bị sập bẫy hình thức lừa đảo mới, ngoài việc nâng cao ý thức cảnh giác, rất cần cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ không gian mạng để kiểm soát và làm trong sạch môi trường mạng”, ông Đồng nói.
Trước các thủ đoạn trên, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác trước những dụ dỗ, hứa hẹn về đầu tư tài chính trên mạng; ngoài ra cũng không nên tham gia vào các group chat, website, các app khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin.
“Các nhà đầu tư nên tìm hiểu nhiều nguồn, từ thông tin chính thống, ví dụ ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, hoặc lựa chọn các nền tảng giao địch được cấp phép để đầu tư”, ông Xô nói.
Cũng theo ông Xô, trong trường hợp nghi vấn bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cũng khuyến cáo mọi người tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ về đầu tư tài chính trên không gian mạng, nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán, tài chính.
Ngoài ra, không tham gia vào các group chat, không đầu tư vào các website, app khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị chủ quản.
Người dân và các nhà đầu tư cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là các nguồn thông tin chính thống như trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán nhà nước; các trang thông tin điện tử về tài chính, ngân hàng…
Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân có thể lựa chọn các nền tảng giao dịch chứng khoán được Nhà nước cấp phép hoạt động.