Đề nghị Nhật Bản dùng vốn ODA hỗ trợ Việt Nam một số dự án quan trọng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:15, 29/04/2024

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Nhật Bản xem xét, hỗ trợ Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA thế hệ mới với một số dự án quan trọng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Đề nghị Nhật Bản dùng vốn ODA hỗ trợ Việt Nam một số dự án quan trọng

Tuyết Nhung 29/04/2024 20:15

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Nhật Bản xem xét, hỗ trợ Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA thế hệ mới với một số dự án quan trọng.

Ngày 29.4, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) Saito Tetsuo đã hội đàm và ký hợp tác toàn diện lĩnh vực giao thông vận tải.

btr-ky-mlit-avar.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ MLIT Saito Tetsuo ký, trao đổi biên bản hợp tác - Ảnh: Bộ GTVT

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: "Hội đàm song phương giữa hai bộ hôm nay có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã có một năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ý nghĩa. Đồng thời, việc hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới góp phần mở ra một cơ hội mới trong hợp tác giữa hai nước".

Hai bộ trưởng đã bàn thảo về các dự án hạ tầng giao thông đang hợp tác, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ như: Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kết nối tại khu vực Đông Nam Bộ; Dự án đường sắt TP.HCM - tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của thành phố.

Về hợp tác trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho hạ tầng cảng biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao Bộ MLIT thời gian qua đã hỗ trợ Bộ GTVT triển khai xây dựng và công bố Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho hạ tầng cảng biển. "Với sự hỗ trợ của Nhật Bản, 10 tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế và thi công, nghiệm thu và bảo trì công trình cảng biển đã được ban hành", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ MLIT tiếp tục hỗ trợ Bộ GTVT Việt Nam cập nhật, hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn quốc gia về công trình cảng biển trong tình hình mới nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050.

Phản hồi trước những đề xuất của người đứng đầu Bộ GTVT, Bộ trưởng Saito Tetsuo khẳng định, Bộ MLIT sẽ tích cực phối hợp cùng giải quyết các vướng mắc, trở ngại đối với các dự án.

Về cơ hội hợp tác thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề xuất một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng và đề nghị Bộ MLIT xem xét, hỗ trợ Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA thế hệ mới của Nhật Bản như Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cầu Cần Thơ 2, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ...

Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ MLIT hỗ trợ Bộ GTVT triển khai Kế hoạch hành động về phát thải ròng bằng 0; hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ trong áp dụng nhiên liệu sạch trong tất cả các lĩnh vực giao thông vận tải, phát triển khả năng ứng dụng nhiên liệu hydrogen trong hoạt động vận tải...

Thống nhất về các dự án, nội dung có thể hợp tác giữa hai bên, Bộ trưởng Saito Tetsuo nhấn mạnh, phía Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt trong áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, phát triển giao thông vận tải bền vững.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ MLIT Saito Tetsuo đã ký "Biên bản hợp tác giữa hai bộ về hợp tác toàn diện trong lĩnh vực giao thông vận tải".

Nội dung hợp tác giữa hai bên tập trung trong các lĩnh vực: Đường bộ và đường cao tốc, đường sắt, hàng không, cảng và vận tải biển. Các hình thức hợp tác: Trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, họp, làm việc, tổ chức hội thảo; nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực; khảo sát...

Tuyết Nhung