TS Lê Xuân Sang: Tăng trưởng bị mất đà 2 lần, dìm nền kinh tế vào quỹ đạo 2 đáy
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:35, 12/04/2024
TS Lê Xuân Sang: Tăng trưởng bị mất đà 2 lần, dìm nền kinh tế vào quỹ đạo 2 đáy
TS Lê Xuân Sang cho rằng dịch COVID-19 là yếu tố khiến tăng trưởng GDP bị mất đà 2 lần, dìm nền kinh tế vào quỹ đạo 2 đáy, tạo sự biến động, xáo động lớn trong cuộc sống kinh tế - xã hội.
Tăng trưởng mất đà 2 lần
Theo báo cáo của Tổng cục Tống kê, tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,66%, đây là mức tăng trưởng cao nhất các quý 1 từ năm 2020 đến nay.
Tuy chưa bằng thời điểm cùng kỳ năm 2018 và 2019, nhưng mức tăng trưởng này là kết quả cho những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành, và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên đường khôi phục và phát triển kinh tế.
Đối chiếu với kịch bản tăng trưởng trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5.1.2024, có thể thấy mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6 - 6,5%, trong đó, quý 1/2024 có mức tăng từ 5,2 - 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý 1/2024 đạt 5,66% đang cao hơn mức tăng của kịch bản cao (5,6%).
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng kinh tế quý 1 tăng trưởng khá, dù vậy doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp xin ngừng hoạt động và chờ phá sản cũng tăng một cách đáng kể. Trong khi đó, tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất định, còn trong nước vẫn nhiều nút thắt chưa thể giải quyết (bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…).
“Để hỗ trợ doanh nghiệp, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy số hóa nền kinh tế cũng như đẩy mạnh chuyển đổi xanh”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng nêu rằng các động lực tăng trưởng truyền thống đang chậm phục hồi, còn các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh… thì chưa phát triển mạnh. Do đó, để thực sự chuyển đổi về chất của nền kinh tế thì cần chú trọng đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới này.
TS Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại băn khoăn liệu sự phục hồi của kinh tế Việt Nam có thực sự vững chắc. Theo ông Sang, kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến nay tiếp tục chịu tác động mạnh hiếm có, rất khó dự đoán từ các yếu tố bất định bên ngoài lẫn bên trong. Tác động tiêu cực (là chủ yếu) từ 3 cơn gió ngược từ bên ngoài.
Cụ thể là sự suy giảm tăng trưởng ở nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam (nhất là Trung Quốc), thậm chí suy thoái tăng trưởng; sự suy giảm thu nhập khả dụng ở các nước phát triển (nhất là do dịch COVID-19) ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ (lãi suất cao, nhất là ở Mỹ), vốn khó dự đoán, có ảnh hưởng tới tỷ giá, qua đó ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư Việt Nam. Thêm nữa, giá cả quốc tế, nhất là giá dầu và các mặt hàng liên quan vẫn còn nhiều bất định, giá nhiều đầu vào sản xuất tuy giảm, song vẫn còn ảnh hưởng.
Trên thế giới vẫn còn những bất định như chính sách của Fed về lãi suất, bất định về tình hình chiến sự Nga - Ukraine, chiến sự ở Trung Đông; tình hình tăng trưởng của Trung Quốc và phản ứng chính sách của nước này. Còn trong nước vẫn có nhiều bất định về tình hình thực thi chính sách, ví dụ bệnh sợ sai, tình hình thị trường bất động sản và sửa đổi pháp luật…
“Tính bất định đã giảm bớt, một số nhân tố đã giảm dần, song vẫn còn, thậm chí trong 1 - 2 năm tới”, ông Sang nói.
Theo TS Sang, từ tháng 3.2020, Việt Nam bắt đầu chịu tác động của đại dịch COVID-19, đà tăng trưởng chính thức bị gãy từ 2020. Năm 2021 - 2022 Việt Nam phục hồi nhanh chóng, song năm 2023 lại giảm, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
“COVID-19 là yếu tố khiến tăng trưởng GDP bị mất đà 2 lần, dìm nền kinh tế sa vào quỹ đạo 2 đáy, tạo sự biến động, xáo động lớn trong nền kinh tế, xã hội”, ông Sang nói.
Nhiều nghịch lý của nền kinh tế
Theo ông Lê Xuân Sang, trước bối cảnh tác động tiêu cực toàn cầu Chính phủ đã ban hành một loạt cơ chế, chính sách nhằm chống đỡ các tác động tiêu cực từ bên ngoài và bên trong.
Ví dụ, tăng lãi suất/siết chặt tiền tệ chuyển sang hạ lãi suất, nới lỏng tiền tệ; hoãn, giãn trả nợ tín dụng, vay bất động sản, tăng room tín dụng; thúc đẩy đầu tư công, rà soát, dỡ bỏ các rào cản thể chế bất động sản, xây dựng, giao thông bất hợp lý; giảm, giãn thuế, cải cách, đổi mới thể chế…
“Nền kinh tế/GDP đà có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn từ đầu năm 2022, tuy nhiên mức tăng trưởng chung năm 2023 và quý 1/2024 vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch”, ông Sang nói.
Để giảm tính bất định bên ngoài, theo ông Sang, công tác nghiên cứu, dự báo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chủ động và thích ứng trong ứng phó chính sách và thích nghi.
Ngoài ra, hiệu quả và nghệ thuật gỡ rối cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng là điều kiện tiên quyết để phục hồi vững chắc nền kinh tế. Nỗ lực và ý chí chính trị trong cải cách thể chế, nhất là liên quan bất động sản một cách hiệu quả và kịp thời đóng vai trò không kém.
“Thúc đẩy một bộ máy nhà nước hoạt động hữu hiệu, dám làm và cống hiến và đủ đổi mới sáng tạo, kiến tạo phát triển trong một thế giới đầy đổi thay cũng có ý nghĩa lớn và cấp bách đối với nền kinh tế”, ông Sang nhấn mạnh.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết doanh nghiệp Việt 96% nhỏ và siêu nhỏ; thiếu trụ cột, lực lượng chủ đạo yếu, thua lỗ, khởi nghiệp sáng tạo mỏng, FDI lấn át.
“Nền kinh tế mở, nhưng FDI chiếm 2/3 chiếc bánh xuất nhập khẩu, trong khi chỉ chiếm trên 20% tổng đầu tư xã hội, 55% giá trị công nghiệp, 18% thu ngân sách và 20% GDP”, ông Thiên nêu.
Theo ông Thiên, hàng xuất khẩu bản địa chủ lực vẫn là sản phẩm thô.
“Chúng ta vẫn giữ thân phận làm thuê, bằng lao động chân tay, ở đáy chuỗi giá trị. Khu vực bản địa có tăng trưởng nhưng ít phát triển. Xuất nhập khẩu vẫn tốt nhưng lực lượng doanh nghiệp Việt suy kiệt”, ông Thiên nói.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế đang “tốt”, nghịch lý là GDP tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp; GDP tăng trưởng nhưng lưu thông vốn ách tắc; kinh tế vĩ mô ổn định nhưng doanh nghiệp Việt rút lui khỏi thị trường nhiều, xu thế doanh nghiệp nhỏ đi và ngân hàng đối mặt nhiều rủi ro…
Thêm nữa, ông Thiên cũng nêu rằng nền kinh tế lạm phát thấp (3,5 - 4,0%) nhưng lãi suất quá cao (15%, 9%, 10%); dòng tiền tắc nghẽn trong khi doanh nghiệp Việt khát vốn.